Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả từ mô hình "lấy trẻ làm trung tâm"

07:24, 20/11/2020

Chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” được Trường Mầm non Sơn Ca (xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn) thực hiện 3 năm học vừa qua và tiếp tục trở thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm học 2020 - 2021.

Trường Mầm non Sơn Ca tiếp nhận trẻ của 10 thôn, buôn trên địa bàn xã; trong đó có 5 buôn đồng bào dân tộc thiểu số. Những năm học qua, bên cạnh công tác giáo dục và chăm sóc trẻ theo tiêu chuẩn của Bộ GD-ĐT, nhà trường luôn chú trọng giáo dục cho trẻ những kỹ năng sống cần thiết phù hợp với lứa tuổi, giúp các cháu có thể tự bảo vệ mình, tự phục vụ bản thân, cũng như trang bị cho trẻ kỹ năng giao tiếp, ứng xử phù hợp với những người xung quanh, đặc biệt là kiến thức về địa phương.

Học sinh lớp Lá 1, trường Mầm non Sơn ca (xã Ea Nuôl) hào hứng trong tiết học
Học sinh lớp Lá 1, Trường Mầm non Sơn ca (xã Ea Nuôl) hào hứng trong tiết học "Góc địa phương".

“Góc địa phương” được nhà trường triển khai khi thực hiện chuyên đề "Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm" giai đoạn 2016 - 2020 bằng cách tạo ra những góc học tập, trang trí theo chủ đề mô phỏng hình ảnh cuộc sống nơi các thôn, buôn ở xã Ea Nuôl. Nguyên vật liệu, dụng cụ mô phỏng góc học tập được phụ huynh đóng góp. Toàn bộ thời gian tiết học "Góc địa phương" giáo viên chỉ gợi ý, định hướng, còn trẻ chủ động trải nghiệm, khám phá, học tập, vui chơi, các em được thể hiện cảm xúc, khả năng tư duy, giao tiếp và phát triển ngôn ngữ. Hoạt động góc còn giúp các em rèn luyện tính kiên nhẫn, tinh thần làm việc nhóm.

Cô Bùi Thị Thu, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, từ năm 2016, Ban Giám hiệu nhà trường tăng cường tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương, đồng thời phối hợp chặt chẽ với trưởng buôn, bí thư chi bộ, người có uy tín các thôn, buôn đẩy mạnh tuyên truyền đến phụ huynh học sinh về nội dung, hiệu quả của việc giáo dục lấy trẻ làm trung tâm. Đồng thời huy động nguồn lực từ doanh nghiệp, cá nhân, nhà hảo tâm mua sắm trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi, trang trí, cải tạo môi trường, khuôn viên trường học… Cùng với đó khuyến khích giáo viên phát huy tính sáng tạo tự làm đồ dùng, đồ chơi bằng nguyên vật liệu thiên nhiên để trang trí lớp học; vận động phụ huynh đóng góp trên 500 ngày công cải tạo khuôn viên trường học…

Cô và trò trường Mầm non Sơn ca (xã Ea Nuôl) tham gia buổi học ngoại khóa
Cô và trò Trường Mầm non Sơn ca (xã Ea Nuôl) tham gia buổi học ngoại khóa "Chăm sóc vườn của em".

Nhờ vậy, các phòng học đều được sắp xếp hợp lý, vệ sinh sạch sẽ; các góc học tập, vui chơi thuận tiện, phù hợp với lứa tuổi của trẻ. Đồ dùng, đồ chơi tự làm đẹp mắt, sinh động đảm bảo an toàn, kích thích sự hứng thú, sáng tạo tư duy của trẻ. Sân vui chơi được xây dựng thành khu vườn cổ tích, vườn rau của em, khu vui chơi phát triển vận động… giúp trẻ hình thành và phát triển các kỹ năng mềm. Ngoài ra, nhà trường còn tổ chức hoạt động ngoại khóa cho học sinh, phụ huynh và giáo viên như: tham quan Khu du lịch Troh Bưh, đi thực tế ở các thôn, buôn. Năm học 2019 - 2020, trường nuôi dưỡng, chăm sóc 371 học sinh, 100% trẻ bán trú. Nhờ đó, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng ở thể nhẹ cân chiếm 5,1%; trẻ đạt chiều cao là 96,7%; lớp nhà trẻ không có trẻ suy dinh dưỡng. Tỷ lệ trẻ chuyên cần đạt 96,4%; bé chăm ngoan đạt 97,8%. Tháng 7-2020, trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ I, hiện nhà trường đang phấn đấu xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia mức độ II.

Hoàng Ân

 

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nâng cao vai trò, tiếng nói của phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Buôn Đôn
Sau 3 năm triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: 2021 - 2025 đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Buôn Đôn.