Multimedia Đọc Báo in

Huyện Buôn Đôn: Nâng cao chất lượng giáo dục từ tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số

08:07, 13/11/2020

Trong những năm qua, huyện Buôn Đôn đã tích cực triển khai Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025” và đã đạt nhiều kết quả tích cực.

Huyện Buôn Đôn hiện có 12 trường mầm non và 16 trường tiểu học; tỷ lệ học sinh người dân tộc thiểu số (DTTS) hằng năm ở hai bậc học này luôn chiếm từ 51% trở lên.

Ông Đỗ Ngọc Anh, Phó Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Buôn Đôn cho biết: Thực hiện Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng DTTS giai đoạn 2016 – 2020 định hướng đến năm 2025”, Phòng đã chỉ đạo các trường xây dựng kế hoạch tăng cường tiếng Việt cho học sinh người DTTS phù hợp với điều kiện cụ thể của nhà trường. Chú trọng tổ chức các hoạt động vui chơi, trải nghiệm, giao lưu tiếng Việt cho học sinh; sử dụng hình ảnh trực quan, sinh động trong dạy học nhằm lôi cuốn trẻ vào giờ học cũng như phát triển ngôn ngữ.

Hằng năm, Phòng GD-ĐT huyện Buôn Đôn chỉ đạo các nhà trường tổ chức giao lưu “Tiếng Việt của chúng em” cấp trường, đồng thời lựa chọn những học sinh xuất sắc nhất tham gia giao lưu “Tiếng Việt của chúng em” cấp huyện… Cùng với đó, huyện đã quan tâm đầu tư cải tạo cơ sở vật chất để đáp ứng xây dựng môi trường tiếng Việt; tổ chức tập huấn công tác quản lý, giảng dạy tăng cường tiếng Việt đối với bậc học mầm non, tiểu học.

Giáo viên Trường Mầm non Hoa Thiên Lý sử dụng những đồ dùng dạy học trực quan, sinh động để dạy tiếng Việt cho trẻ người dân tộc thiểu số.
Giáo viên Trường Mầm non Hoa Thiên Lý sử dụng những đồ dùng dạy học trực quan, sinh động để dạy tiếng Việt cho trẻ người dân tộc thiểu số.

Chất lượng dạy học tiếng Việt nói riêng và chất lượng giáo dục vùng DTTS nói chung trên địa bàn huyện Buôn Đôn ngày càng được nâng lên. 100% học sinh mầm non và tiểu học người DTTS được tập trung tăng cường tiếng Việt phù hợp theo độ tuổi, năng lực. Qua các đợt khảo sát chất lượng cuối học kỳ và cuối năm học, phần lớn học sinh DTTS đều rất mạnh dạn, tự tin giao tiếp bằng tiếng Việt; trẻ mầm non yêu thích đến trường và sẵn sàng tâm thế để lên lớp 1.

Trường Mầm non Hoa Thiên Lý ở xã Ea Bar có 100% học sinh là người dân tộc Êđê. Việc bất đồng ngôn ngữ giữa cô và trò trong những ngày đầu đến lớp là rào cản trong các hoạt động giáo dục của nhà trường. Cô Quách Thị Thủy,  Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Kể từ năm học 2016 - 2017, nhà trường đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm tăng cường tiếng Việt cho các cháu như: tập huấn phương pháp dạy tiếng Việt cho giáo viên; chỉ đạo giáo viên xây dựng kế hoạch giáo dục phù hợp với đối tượng học sinh; thiết kế môi trường cho trẻ thường xuyên tiếp xúc với tiếng Việt thông qua đồ dùng, đồ chơi… Nhờ được tăng cường tiếng Việt nên qua các năm học, trẻ đã mạnh dạn, tự tin hơn, giao tiếp tốt hơn và đạt được hầu hết các mục tiêu giáo dục theo từng độ tuổi”.

Tiết học tiếng Việt của học sinh Trường Tiểu học Trần Quốc Toản.
Tiết học tiếng Việt của học sinh Trường Tiểu học Trần Quốc Toản.

Tương tự, Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (xã Ea Nuôl) hằng năm cũng có gần 100% học sinh là người dân tộc thiểu số tại chỗ theo học. Vì vậy, nhà trường luôn xem việc nâng cao chất lượng dạy học tiếng Việt cho học sinh là nhiệm vụ trọng tâm, là giải pháp thiết thực để nâng cao chất lượng giáo dục. Để tăng khả năng nói tiếng Việt cho học sinh, nhà trường tăng thời lượng dạy học môn tiếng Việt lớp 1. Bên cạnh giảng dạy theo sách giáo khoa hiện hành, nhà trường còn kết hợp với dạy kỹ năng nghe, nói, đọc, viết tiếng Việt cho các em thông qua bộ sách “Em nói tiếng Việt” do Bộ GD-ĐT phát hành… Theo cô Phan Thị Mỹ, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Quốc Toản cho biết, những năm gần đây, khả năng sử dụng tiếng Việt của học sinh nhà trường được cải thiện rõ rệt. Hằng năm, tỷ lệ học sinh hoàn thành môn Tiếng Việt đạt 97%; tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình lớp học đạt từ 96,5% trở lên; tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học đạt 100%.

Quốc An


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.