Lớp học xóa mù chữ nơi vùng biên Ia R'vê
Là xã biên giới khó khăn của huyện Ea Súp, xã Ia R’vê có 14 thôn với 22 dân tộc cùng sinh sống. Người dân chủ yếu từ nhiều địa phương trong cả nước đến định cư, cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn với tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 60%.
Với nỗ lực giúp người dân nâng cao dân trí, những năm qua cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia R’vê đã tổ chức nhiều lớp học xóa mù chữ. Mới đây nhất, vào tháng 6-2020, Đồn Biên phòng Ia R’vê và Trường Tiểu học - THCS Chu Văn An tiếp tục mở lớp xóa mù chữ cho nhân dân trên địa bàn xã. Lớp học được tổ chức vào các buổi tối trong tuần, do một cán bộ biên phòng và thầy, cô giáo Trường Tiểu học - THCS Chu Văn An trực tiếp đứng lớp giảng dạy.
Lớp học có 19 học viên, đa phần là phụ nữ, người lớn tuổi nhất năm nay cũng đã ngoài 60 tuổi, người ít tuổi nhất là 30 tuổi. Là học viên lớn tuổi nhất lớp, bà Lữ Thị Sáng tâm sự: “Trước đây, điều kiện gia đình khó khăn quá, không thể đi học được, giờ thấy bộ đội biên phòng và thầy cô giáo đến nhà vận động rồi mở lớp học chữ nên tôi đăng ký ngay. Mình muốn đi học để làm gương cho con cháu và để biết chữ, mỗi lần đi khám bệnh mình có thể tự đọc được tình hình sức khỏe của mình khi bác sĩ ghi vào sổ khám bệnh thay vì cứ phải nhờ ai đó đọc hộ”. Lớn tuổi nhưng bà Sáng là một trong những học viên tích cực nhất của lớp, đến nay sau gần 5 tháng học bà đã biết đọc, viết và tính các phép tính thành thạo.
Bà Lữ Thị Sáng (giữa) được thầy giáo tận tình hướng dẫn cách ghép vần. |
Với chị Hoàng Mùi Lai (thôn 14), động lực để chị đến lớp học chữ chính là từ những người hàng xóm. Chị bộc bạch: “Thấy những người hàng xóm trước đây cũng giống mình không biết đọc, biết viết nhưng sau khi học lớp xóa mù chữ về, ai cũng có thể đọc và viết rất giỏi, đã có nhiều người phát triển kinh tế nhờ học con chữ của bộ đội, vì thế tôi quyết định đi học”.
Quả đúng như lời chị Lai, trên địa bàn xã biên giới Ia R’vê, đã có nhiều gia đình phát triển kinh tế hiệu quả hơn từ khi biết chữ, như ông Hà Công Thức, ở thôn 13. Theo lời ông Thức, gia đình làm nghề nông nghiệp, chủ yếu là chăn nuôi và trồng trọt, trước đây do ông không biết đọc, không biết viết, nhiều khi vật nuôi bị bệnh chỉ biết cách chữa trị bằng cách ra tiệm thuốc mua về, liều lượng thuốc pha theo cảm tính vì không biết đọc hướng dẫn sử dụng hoặc ai đó chỉ sao thì làm theo thế, không biết có hiệu quả hay không. Sách hướng dẫn chăn nuôi, trồng trọt do Hội Nông dân xã cấp cho cũng chỉ biết để đó. Từ khi tham gia lớp học xóa mù chữ do bộ đội biên phòng tổ chức, ông Thức cảm thấy như “sáng” hẳn ra. Ông chủ động tìm đọc sách báo, tài liệu về chăn nuôi, biết được cách phòng bệnh từ xa cho vật nuôi và cây trồng, biết đọc hướng dẫn sử dụng của các loại thuốc bảo vệ thực vật, việc tính tiền công lao động dễ dàng hơn trước. Nhờ biết áp dụng đúng kỹ thuật, quy trình chăm sóc cây trồng, vật nuôi, mô hình kinh tế của gia đình ông hiệu quả hơn hẳn. Mỗi năm, sau khi trừ chi phí gia đình ông Thức còn tích lũy được hơn 50 triệu đồng.
Một buổi học của lớp xóa mù chữ tại xã Ia R'vê. |
Tương tự, chị Hoàng Thị Yến (thôn 13) sau khi đọc thông, viết thạo đã mạnh dạn thực hiện ước mơ ấp ủ bấy lâu nay là mở cửa hàng tạp hóa để buôn bán, phát triển kinh tế gia đình. Biết chữ, biết tính toán, việc buôn bán đối với chị dễ dàng hơn, việc ghi chép đơn hàng, tính toán công nợ không còn là trở ngại. Hay như anh Bàn Sàng Cán (thôn 14), lợi ích lớn nhất của việc biết chữ là giờ đây khi vật dụng trong nhà bị hư hỏng anh có thể tự mình sửa chữa bằng cách đọc sách hướng dẫn sử dụng và sửa chữa của nhà sản xuất hoặc truy cập mạng Internet để học cách sửa thay vì mang ra dịch vụ sửa chữa như trước.
Trong những năm qua, Đồn Biên phòng Ia R’vê đã phối hợp mở 4 lớp xóa mù chữ cho hơn 150 người dân trên địa bàn. Kết thúc khóa học, tất cả học viên đều biết đọc, biết viết, sử dụng các phép tính đơn giản. Qua các lớp học, bộ đội biên phòng cũng hướng dẫn bà con thực hiện mô hình phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. |
Ngọc Lân
Ý kiến bạn đọc