Multimedia Đọc Báo in

Nhọc nhằn "gieo" chữ ở xã vùng sâu Cư San

11:07, 29/11/2020

Cách trung tâm huyện M'Drắk 50 km, Trường Tiểu học La Văn Cầu (xã Cư San) có 1 điểm trường chính và 2 điểm trường lẻ, mỗi điểm trường cách nhau 5 km.

Năm học 2020 - 2021, trường có hơn 300 học sinh; trong đó trên 90% học sinh là người dân tộc thiểu số từ phía Bắc di cư vào, đa phần kinh tế gia đình khó khăn. Mặc dù đã được các cấp, ngành quan tâm đầu tư song cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học của trường còn nhiều thiếu thốn. Trường có 13 lớp nhưng chỉ có 9 phòng học, một số lớp phải ghép phòng học chung với nhau.

Lớp học ghép tại Trường Tiểu học La Văn Cầu, học sinh hai lớp phải ngồi xuôi - ngược.
Lớp học ghép tại Trường Tiểu học La Văn Cầu, học sinh hai lớp phải ngồi xuôi - ngược.

Hiệu trưởng nhà trường Võ Ngọc Huỳnh cho biết, địa bàn rộng, dân cư sống rải rác, đi lại khó khăn, việc vận động phụ huynh cho con đi học không hề dễ dàng. Dù đã bố trí hai điểm trường lẻ để rút ngắn quãng đường đến lớp, nhưng tại điểm trường lẻ Ea Sanh vẫn phải học ghép lớp, do không đủ số lượng học sinh của mỗi độ tuổi. Sĩ số học sinh mỗi lớp quá ít không tạo được khí thế học tập và thầy cô giáo đi lại vất vả vì vậy “ghép lớp” là giải pháp tối ưu.

“Mặc dù còn nhiều vất vả, khó khăn, thiếu thốn, song cán bộ, giáo viên của trường rất nhiệt tình, năng động, sáng tạo. khi tham gia các phong trào thi đua, hội thi của ngành, tuy ở vùng sâu, vùng xa nhưng trường luôn đạt thành tích tốt…”
Hiệu trưởng Trường Tiểu học La Văn Cầu Võ Ngọc Huỳnh

Chứng kiến một buổi lên lớp của thầy Đỗ Công Bắc phụ trách lớp ghép hai trình độ (lớp) 2 và lớp 3 mới thấy được những vất vả của thầy cô giáo nơi đây. Trong một phòng học, học sinh hai lớp ngồi xuôi - ngược nhau. Vừa dạy cho học sinh lớp 2 tập đọc thầy Bắc lại quay sang dạy học sinh lớp 3 làm Toán. Suốt buổi dạy thầy Bắc không có thời gian nghỉ ngơi. Vất vả, song thầy Bắc luôn cố gắng với mong muốn học sinh nào cũng biết đọc, biết làm toán.

“Dạy ghép như thế này thì chất lượng không thể như chỉ dạy một lớp. Dạy lớp ghép, khó khăn nhất là việc đảo giữa hai môn học của hai lớp. Chẳng hạn như khi dạy lớp 2 môn Toán, lớp 3 môn Tiếng Việt, để đảo giữa hai môn và hai lớp thì phải cho học sinh lớp này thảo luận một vấn đề nào đó trong bài tập rồi mình mới chuyển qua dạy ở lớp kia. Vì vậy, trong đầu của giáo viên luôn ở tâm thế có hai chương trình song song. Chúng tôi cố gắng để dạy các em  hoàn thành tốt chương trình học", thầy Đỗ Công Bắc chia sẻ.

Không chỉ khó khăn trong chuyên môn, nhiều giáo viên của trường chấp nhận sống xa gia đình hàng chục, thậm chí hàng trăm cây số để rồi mỗi cuối tuần lại lặn lội, vượt quãng đường xa ngái về nhà và trở lại trường trước sáng thứ hai. Gắn bó với Trường Tiểu học La Văn Cầu hơn 5 năm nay, cô Đinh Hồng Thiên Phương tâm sự: “Chợ cách xa nơi dạy, đa số chúng tôi phải đưa thức ăn từ ngoài trung tâm huyện vào rồi ăn dần. Khổ nhất là mùa mưa, các cô giáo đa số đều lựa chọn ở lại trường. Mình không phải người ở đây, thương học trò vất vả nên bám trụ, "gieo" chữ ở xã vùng sâu này…”.

Một tiết học của học sinh Trường Tiểu học La Văn Cầu (xã Cư San).
Một tiết học của học sinh Trường Tiểu học La Văn Cầu (xã Cư San).

Địa hình khó khăn, hiểm trở, đường sá xa xôi, vất vả và cả bất đồng về ngôn ngữ giữa cô và trò, nhưng tất cả đều không ngăn được tình thương của các thầy, cô giáo dành cho học trò. Tập thể Ban giám hiệu, giáo viên nhà trường luôn đoàn kết, động viên nhau để mỗi thầy cô  vượt qua khó khăn dạy chữ cho các em học sinh xã vùng sâu Cư San.

Những ngày lễ, tết không hoa, không quà nhưng các thầy cô giáo Trường Tiểu học La Văn Cầu không lấy làm buồn bởi nhìn sự lam lũ, ham học của học trò nơi đây đã khiến các thầy cô thêm niềm tin, động lực để cháy mãi ngọn lửa yêu nghề, gắn bó với các em..

Lan Anh

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.