Multimedia Đọc Báo in

Những nhà giáo tiêu biểu năm 2020

09:41, 18/11/2020

Công tác ở những trường vùng xa, còn nhiều khó khăn, song các thầy cô giáo nơi đó vẫn đã, đang thầm lặng vượt khó, tận tụy cống hiến, mang con chữ đến với các em học sinh, đặc biệt có nhiều đổi mới phương pháp, cách thức dạy học phù hợp với mục tiêu, yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới.

Cô giáo mầm non tâm huyết, sáng tạo

Gần 35 năm gắn bó với trường lớp, cô Dương Thị Mai Lan, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Sen Hồng (xã Hòa Thành, huyện Krông Bông) là tấm gương sáng để đồng nghiệp học tập, noi theo.

Từ nhỏ cô Lan đã mơ ước trở thành cô nuôi dạy trẻ, và ước mơ ấy trở thành sự thật. Năm 1986 cô Lan được nhận vào giảng dạy tại Trường Mẫu giáo Cư Kty. Ba năm sau đó, cô Lan chuyển công tác về Trường Mầm non Sen Hồng. Với tình yêu nghề, mến trẻ, cô luôn là người tiên phong trong các phong trào, các cuộc thi do ngành giáo dục các cấp phát động. Cô Lan tự tay làm nhiều đồ chơi, đồ dùng dạy học có tính thẩm mỹ, giáo dục cao để trẻ thích thú tìm hiểu, khám phá.

Năm 2013, cô Lan được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Sen Hồng. Ở cương vị mới, cô Lan không ngừng phấn đấu, nỗ lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Cô đã cùng tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường tham mưu cho chính quyền địa phương, tích cực vận động phụ huynh học sinh tự nguyện chung sức xây dựng ngôi trường xanh - sạch - đẹp. Tận dụng lợi thế trường có không gian rộng, thoáng mát, cô Lan tìm kiếm các nguyên vật liệu dễ tìm, rẻ tiền thiết kế đồ dùng học tập và trò chơi dân gian, tạo điều kiện cho trẻ được vui chơi trong những giờ hoạt động ngoài trời và những lúc đón trả trẻ. Ngoài ra, cô Lan còn vận dụng nhiều phương pháp mới, khoa học trong chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ; đổi mới công tác quản lý để nâng cao chất lượng giáo dục. Nhiều sáng kiến kinh nghiệm của cô Lan được cấp trên công nhận và áp dụng vào thực tiễn như: Chỉ đạo bồi dưỡng chuyên đề tạo hình trong nhà trường; Một số biện pháp chỉ đạo hoạt động phát triển vận động trong nhà trường; Một số biện pháp nâng cao chất lượng bữa ăn cho trẻ trong nhà trường...

Thầy Quách Đình Bảo và cô Dương Thị  Mai Lan (bìa phải) chụp hình lưu niệm cùng lãnh đạo Sở GD-ĐT  tại Lễ tôn vinh  “Nhà giáo tiêu biểu
Thầy Quách Đình Bảo và cô Dương Thị Mai Lan (bìa phải) chụp hình lưu niệm cùng lãnh đạo Sở GD-ĐT tại Lễ tôn vinh “Nhà giáo tiêu biểu. Ảnh: Đình Bảo

Cô Lan rất quan tâm đến việc nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên bằng cách động viên họ học thêm tin học, ngoại ngữ; dành nhiều thời gian góp ý, chia sẻ  kinh nghiệm để mỗi giáo viên, nhân viên phát huy tốt năng lực, sự sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Dù mới về trường công tác 4 năm nhưng nhờ sự chỉ bảo tận tình của cô Lan mà giáo viên trẻ Ngân Thu Hương đã được công nhận giáo viên giỏi cấp huyện năm học 2018 - 2019. Cô Hương chia sẻ: “Khi mới về trường công tác tôi gặp rất nhiều khó khăn nhưng được lãnh đạo nhà trường tin tưởng, quan tâm, tạo điều kiện tôi đã vượt qua bỡ ngỡ ban đầu, nâng cao năng lực, khả năng của bản thân, tìm được phương pháp dạy học hiệu quả”.

 Cô Dương Thị Mai Lan và thầy Quách Đình Bảo là hai trong số 183 nhà giáo, cán bộ quản lý tiêu biểu của cả nước có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục được vinh danh tại chương trình “Tôn vinh nhà giáo tiêu biểu năm 2020”. Đây là chương trình thường niên do Bộ GD-ĐT tổ chức nhằm vinh danh những nhà giáo có thâm niên giảng dạy, quản lý, có uy tín và có nhiều cống hiến đối với ngành giáo dục; tôn vinh những tấm gương nhà giáo tiêu biểu, tận tụy, tâm huyết với nghề, đi đầu trong các phong trào thi đua, các cuộc vận động và có ảnh hưởng tích cực đối với đồng nghiệp, học sinh và xã hội; ứng xử văn hóa, được đồng nghiệp, học sinh, cha mẹ học sinh tin yêu, quý trọng, được tập thể sư phạm suy tôn.

51 năm tuổi đời, gần 35 năm gắn bó nghề giáo, cô Lan đã dành hết khả năng, tâm huyết của mình cho trẻ mầm non. Với những đóng góp không mệt mỏi, cô Lan đã nhận được nhiều danh hiệu cao quý: 7 lần đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở; 1 lần được tặng Bằng khen của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; 3 lần được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen...

"Cây sáng kiến" của bậc tiểu học

Ngày Nhà giáo Việt Nam năm 2020 với thầy Quách Đình Bảo, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ea Hiao (xã Ea Hiao, huyện Ea H’leo) thật đặc biệt khi thầy là một trong hai giáo viên của tỉnh vinh dự được chọn tham dự "Lễ tri ân, tôn vinh tấm gương nhà giáo tiêu biểu" năm 2020 do Bộ GD-ĐT tổ chức tại Hà Nội vào ngày 15-11 vừa qua.

Đây không phải lần đầu tiên thầy Bảo được đứng trên bục vinh danh, nhưng cảm xúc vẫn cứ đong đầy. 24 năm gắn bó với trường lớp, thầy Bảo 12 lần đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở; 1 lần đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh; 3 lần được UBND tỉnh và 2 lần được Bộ GD-ĐT tặng Bằng khen. Đây là sự ghi nhận của ngành giáo dục, của tỉnh đối với những cống hiến, đóng góp của thầy Bảo cho sự nghiệp “trồng người”, trong đó có nhiều đề tài, sáng kiến, thực hiện các chuyên đề chuyên môn được Bộ, Sở GD-ĐT áp dụng.

Tiêu biểu có thể kể đến chuyên đề “Nâng cao chất lượng viết và tổ chức chuyên đề ở trường tiểu học” được Sở GD-ĐT chọn phát triển để áp dụng vào năm học 2014 - 2015 ở hai trường Tiểu học Thái Phiên và Tô Vĩnh Diện (TP. Buôn Ma Thuột), sau đó nhân rộng cho 60 trường tiểu học tham gia Chương trình đảm bảo chất lượng giáo dục trường học (SEQAP) trong toàn tỉnh.

Cũng với chuyên đề này, năm học 2014 - 2015, thầy Bảo được Chương trình SEQAP Trung ương - Bộ GD-ĐT mời báo cáo điển hình ở 5 tỉnh khu vực Tây Nguyên. Cũng trong năm 2015, chuyên đề chuyên sâu “Dạy học về tỷ số phần trăm” được Phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD-ĐT) nhân rộng cho 60 trường tham gia chương trình SEQAP và một số trường ngoài SEQAP trong tỉnh. Tiếp đó, năm 2016 chuyên đề chuyên sâu “Rèn luyện thao tác tư duy và kỹ năng giải bài toán liên quan đến rút về đơn vị ở lớp 3” được Phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD-ĐT) nhân rộng cho 60 trường tham gia chương trình SEQAP và một số trường ngoài SEQAP trong toàn tỉnh. Cả hai chuyên đề năm 2015, 2016 đều được Bộ GD-ĐT, Chương trình đảm bảo chất lượng SEQAP chọn đưa vào tài liệu Hướng dẫn rèn luyện nghiệp vụ sư phạm theo chuyên đề ở tiểu học (Nhà xuất bản Đại học Sư phạm).

Thầy Quách Đình Bảo trao quà cho học sinh nhân dịp Tết cổ truyền. (Ảnh do nhà trường cùng cấp)
Thầy Quách Đình Bảo trao quà cho học sinh nhân dịp Tết cổ truyền. (Ảnh do nhà trường cùng cấp)

Sau 24 năm gắn bó với nghề dạy học, những cống hiến, đóng góp của thầy Bảo đã được ghi nhận với nhiều phần thưởng. Đặc biệt, năm 2020 là năm mà thầy gặt hái nhiều thành tích: Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, được đề xuất nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ;  là một trong hai cá nhân tiêu biểu xuất sắc của tỉnh tham dự Lễ vinh danh tại Hà Nội, được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT tặng Bằng khen. Thầy Bảo tâm sự: "Mình thật may mắn, rất vinh dự, tự hào! Cảm giác thật khó tả so với nhiều lần được nhận thưởng trước vì được gặp gỡ với nhiều nhà giáo tiêu biểu trong cả nước; mỗi nhà giáo đều "bùng cháy" ngọn lửa nhiệt huyết, đam mê cống hiến, sự hy sinh... Tất cả đều hướng đến mang lại hạnh phúc cho học trò. Học trò hạnh phúc thì gia đình hạnh phúc, gia đình hạnh phúc thì xã hội hạnh phúc và xã hội hạnh phúc thì ta sẽ hạnh phúc".

Gặp gỡ, lắng nghe câu chuyện của các nhà giáo tiêu biểu trong cả nước, tự "soi" lại mình, thầy Bảo thấy những đóng góp của bản thân còn nhỏ bé trong việc mang lại hạnh phúc cho mọi người, cho học sinh. "Làm sao để học sinh cảm thấy hạnh phúc khi đến trường? Câu hỏi này day dứt mãi trong tôi khi chia tay Hà Nội để trở về với công việc thực tại... Trước hết phải tạo sự lan tỏa, ảnh hưởng của mình đến mọi người trong việc xây dựng môi trường hạnh phúc, sau đó phải đi vào các hoạt động cụ thể nhằm tạo niềm tin đến phụ huynh, học sinh. Tôi tin rằng những dự định của mình sẽ trở thành hiện thực nhằm góp một phần nhỏ bé vào việc xây dựng và phát triển giáo dục địa phương", thầy Bảo bày tỏ.

Mỹ Hạnh - Như Quỳnh

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.