"Nhà bán trú cho em" nơi vùng biên
Hơn 1 tháng nay, 170 học sinh dân tộc thiểu số của Trường Tiểu học Cư M’lan (xã Cư M'lan, huyện Ea Súp) không còn nơm nớp nỗi lo khi phải ở trọ trong những căn phòng lụp xụp, những bữa cơm ăn vội với nước lã để kịp giờ đến trường.
Nỗi niềm ở trọ
Tiểu khu 276, 280, 286 (xã Cư M’lan) cách Trường Tiểu học Cư M’lan khoảng 20 - 30 km. Đường đi khó, bố mẹ bận lên nương rẫy, không đưa đón đến trường mỗi ngày, nên học sinh ở đây, chủ yếu là dân tộc Mông, Dao đều phải thuê nhà dân ở xung quanh trường để trọ học. Thường thì các anh chị em trong một gia đình thuê một phòng trọ ở cùng; hoặc bạn bè ở gần nhà nhau thuê phòng ở chung, đến cuối tuần bố mẹ đón về.
Phòng bán trú Trường Tiểu học Cư M'lan khang trang sạch sẽ. |
Em Vừ Thị Chỉ (dân tộc Mông) nhà ở tiểu khu 286 năm nay 14 tuổi, nhưng mới chỉ học lớp 4 cùng với hai em trai 11 tuổi và 9 tuổi. Gia đình nghèo, nhà cách xa trường, dù Chỉ rất thích được đi học nhưng bố mẹ không yên tâm để em một mình thuê phòng trọ. Em Chỉ phải chờ để học cùng với hai em. Đầu tuần bố mẹ chuẩn bị một ít gạo, rau, củ rồi chở ba chị em ra chỗ trọ. Ba chị em Chỉ ở cùng phòng với 8 bạn gần nhà. “Quần áo em mặc đi học hầu hết là của giáo viên, các anh chị tình nguyện viên vận động các nhà hảo tâm tặng. Khi có tiền bố cho ba chị em 100.000 đồng để ăn sáng trong một tuần, nhưng rất ít khi có tiền để cho. Còn rau, củ chúng em đem ra chỉ đủ nấu vài hôm, chưa hết tuần đã hết sạch, cả nhóm ăn cơm chan với nước lã”, em Chỉ kể.
“Trường Tiểu học Cư M’lan có 538 học sinh, trong đó học sinh dân tộc Mông, Dao chiếm trên 50%. Sau khi ổn định chỗ ở, nhà trường sẽ tổ chức cho giáo viên và học sinh xây dựng mô hình rau xanh để cải thiện bữa ăn hằng ngày, đồng thời tạo cảnh quan trường học xanh - sạch - đẹp”.
Cô giáo Trần Thị Thủy, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cư M’lan (xã Cư M’lan)
|
Hoàn cảnh của em Lý Thị Dung (cũng ở tiểu khu 286) đang học lớp 4 Trường Tiểu học Cư M’lan khó khăn hơn. Em Dung trò chuyện: “Năm lớp 1 em đã phải ở trọ cùng 14 bạn gần nhà để đi học. Căn nhà trọ nhỏ, lụp xụp lại gần khu vực chăn nuôi bò của người dân, mùa nắng thì nóng, mùa mưa thì nước dột, mùi hôi bốc lên rất khó chịu. Nơi ở chật chội, ăn uống chẳng có gì nhưng để được đến trường mấy anh chị em bảo ban, chăm sóc, phân công nhau rửa bát, nhặt rau, nấu cơm, quét nhà…”. Là học sinh lớp 4, nhưng Dung cũng là một lao động của gia đình, cuối tuần được nghỉ học, em đi hái đậu, trồng bắp cho gia đình.
Điểm tựa cho học sinh nghèo
“Nhà bán trú cho em” được xây dựng gồm 6 phòng ở, nhà bếp, nhà tắm, nhà vệ sinh, mái che…, với tổng kinh phí hơn 650 triệu đồng do Trung tâm Tình nguyện quốc gia vận động tài trợ 450 triệu đồng, còn lại là Huyện Đoàn Ea Súp, Mạng lưới tình nguyện khu vực Tây Nguyên kêu gọi hỗ trợ. Công trình được xây dựng vào tháng 7-2020, sau 3 tháng xây dựng "Nhà bán trú" đã hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Để bảo đảm an toàn cho học sinh ở bán trú, Ban Giám hiệu nhà trường phối hợp chặt chẽ với Đoàn Thanh niên xã phân công trực, tuần tra bảo vệ vào ban đêm; giám sát việc ăn ở, học tập và phối hợp với Trạm y tế xã khám chữa bệnh cho các em.
Niềm vui của học sinh Trường Tiểu học Cư M'lan được ở trong “Nhà bán trú cho em”. |
Thấu hiểu sự khó khăn, nhọc nhằn của học sinh dân tộc thiểu số nơi đây, nhóm tình nguyện Niềm tin (thuộc Trung tâm Tình nguyện quốc gia) còn hỗ trợ dự án “Nuôi em” cho học sinh ở bán trú. Theo đó, trong năm học 2020 - 2021, mỗi em được hỗ trợ 17.000 đồng/ngày tiền ăn bữa trưa và tối. Người dân địa phương cũng thường xuyên hỗ trợ thức ăn, kinh phí để cùng nhà trường chăm lo cho các em.
Về phía nhà trường đã trích quỹ, vận động các nhà hảo tâm mua 200 ghế nhựa, 200 khay đựng thức ăn, 3 nồi cơm điện, 3 bếp gas… để phục vụ học sinh ăn uống. Đồng thời động viên một giáo viên đã nghỉ hưu, ở cách trường 1 km nấu ăn, hỗ trợ quản lý sinh hoạt của học sinh.
Thùy Dung
Ý kiến bạn đọc