Multimedia Đọc Báo in

Xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục

08:33, 30/11/2020

Năng lực đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý (CBQL) là nhân tố quyết định chất lượng GD-ĐT. Phát triển năng lực đội ngũ nhà giáo, CBQL kịp thời, phù hợp với tình hình thực tế có ý nghĩa then chốt, quyết định thành công của chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới.

Phóng viên Báo Đắk Lắk đã ghi lại một số ý kiến tham luận của các nhà quản lý, nhà khoa học về vấn đề này tại Hội thảo “Phát triển năng lực đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình GDPT mới” diễn ra tại TP. Buôn Ma Thuột vào ngày 28-11.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hà Thanh Việt, Hiệu trưởng Trường CBQL giáo dục TP. Hồ Chí Minh

Cần có sự khởi động trước hết từ cơ chế

Thực tế đang đặt ra những thách thức rất lớn đối với ngành giáo dục, như: cơ sở vật chất còn thiếu thốn, tình trạng lớp đông học sinh, năng lực đội ngũ nhà giáo và CBQL còn hạn chế, những yêu cầu của chương trình GDPT 2018 là rất mới… kéo theo sự thay đổi phương thức làm việc chuyển từ dạy học/giáo dục theo định hướng nội dung sang định hướng phát triển năng lực học sinh không phải là việc dễ. Để giải quyết vấn đề nói trên, công việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và CBQL là cấp bách nhằm đáp ứng các yêu cầu của chương trình GDPT mới. Trước mắt, cần quán triệt quan điểm, mục tiêu, yêu cầu, nội dung chương trình GDPT mới bằng nhiều hình thức và có những hướng dẫn thực hiện cụ thể đến mỗi giáo viên, tạo nền tảng cho giáo viên vừa làm, vừa học, tự nghiên cứu để nắm bắt đầy đủ và hiểu biết sâu sắc ý nghĩa của chương trình, từ đó tự giác, tích cực thực hiện.

Bên cạnh đó, vì chương trình thiết kế theo hướng quy định thống nhất những nội dung cốt lõi, bắt buộc, đồng thời trao quyền chủ động, trách nhiệm cho địa phương, nhà trường lựa chọn, bổ sung, triển khai phù hợp với đối tượng, điều kiện của địa phương; do đó, ngay từ bây giờ, mỗi cơ sở, từng địa phương cần chủ động tham mưu cho lãnh đạo các ngành, cấp về biên chế đội ngũ, về kinh phí bồi dưỡng, về điều kiện cơ sở vật chất để thực hiện tốt chương trình GDPT mới. Ngoài ra, chương trình GDPT mới đang cần có sự khởi động trước hết từ cơ chế: Cần có một hệ thống các chính sách, biện pháp, những tác động quản lý đối với môi trường làm việc, vấn đề tiền lương, chế độ đãi ngộ, các biện pháp chế tài… nhằm tạo động lực thúc đẩy sự thay đổi của đội ngũ nhà giáo và CBQL…

Tiến sĩ Đỗ Tường Hiệp, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Đắk Lắk

Đa dạng hình thức bồi dưỡng giáo viên

Công tác bồi dưỡng giáo viên trong bối cảnh đổi mới giáo dục cần phải được thực hiện liên tục qua việc rèn luyện tay nghề, giáo viên không chỉ có nhiệm vụ dạy học mà phải học tập liên tục, suốt đời. Do đó, bồi dưỡng giáo viên cần phải được tổ chức dưới nhiều hình thức khác nhau như: bồi dưỡng tập trung trong thời gian ngắn, thực hiện trực tiếp với tất cả giáo viên hoặc qua giáo viên cốt cán; bồi dưỡng thông qua hội thảo khoa học hướng vào những vấn đề cấp thiết đang đòi hỏi phải giải quyết; bồi dưỡng tại trường giáo viên đang công tác, các tổ bộ môn là nòng cốt trong việc triển khai hoạt động bồi dưỡng, tự lập kế hoạch và chương trình riêng trên cơ sở tham khảo những vấn đề, chủ đề chung được cung cấp.

Giáo viên phải được cung cấp tài liệu học tập, phương tiện thực hành thí nghiệm để tự học tập, tự bồi dưỡng. Việc học tập tại chức cũng cần được coi trọng nhằm giúp giáo viên vừa có kiến thức lý luận, thực tiễn chuyên sâu vừa có hiểu biết rộng về lý luận sư phạm và phương pháp dạy học. Đặc biệt, để tiện ích hóa việc phát triển chuyên môn cho giáo viên, ngành giáo dục phải tận dụng công nghệ tiên tiến, cung cấp các chương trình học tập qua mạng, truyền hình vệ tinh, video dạy học hướng dẫn giáo viên thực hành kỹ năng dạy học…

Thạc sĩ Hà Thanh Quốc, Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Nam

Nhiều thách thức trong thực hiện chương trình GDPT mới

Chương trình GDPT mới thực hiện từ năm học 2020 - 2021 với rất nhiều kỳ vọng về một cuộc cách mạng GDPT. Bên cạnh những háo hức, mong đợi vẫn còn nhiều thách thức, khó khăn đối với các nhà giáo và ban, ngành chức năng. Cụ thể, hiện nay ngành giáo dục đang đứng trước thách thức rất lớn là thiếu giáo viên, đặc biệt là giáo viên tiểu học. Theo một thống kê sơ bộ, ước tính mỗi năm có khoảng 8.000 giáo viên tiểu học nghỉ hưu, trong khi đó con số tuyển mới chưa được một nửa. Mặc dù sự thiếu hụt giáo viên chỉ mang tính cục bộ ở từng địa phương và đối với từng bộ môn, trong đó giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật và tiếng Anh là thiếu hụt trầm trọng, đây không phải là vấn đề mới. Nhiều giải pháp đã được đề ra nhưng đến nay bài toán đội ngũ giáo viên vẫn chưa được ngành giáo dục giải quyết dứt điểm.

Chương trình GDPT mới quy định cấp tiểu học thực hiện dạy 2 buổi/ngày, mỗi ngày bố trí không quá 7 tiết học. Để thực hiện được là thách thức không nhỏ đối với CBQL mỗi trường, đặc biệt là những trường khó khăn về cơ sở vật chất. Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, hiện có trên 80% học sinh cả nước được học 2 buổi/ngày. Nguyên nhân một số địa phương chưa tổ chức được là do khó khăn về quỹ đất, kinh phí và điều kiện sống của người dân.

Một thách thức nữa là hiện nay các lớp tập huấn về sách giáo khoa, chương trình GDPT mới không đủ trang bị cho giáo viên kiến thức, kỹ năng để thực hiện hiệu quả chương trình. Trong quá trình dạy học theo định hướng phát triển năng lực lấy người học làm trung tâm, giáo viên phải tổ chức bằng các phương pháp dạy học tích hợp hiện đại, đòi hỏi người dạy phải sáng tạo, tốn công sức, thời gian và kinh phí nhiều hơn. Đây được xem là điểm yếu và thách thức lớn nhất của giáo viên hiện nay khi thực hiện chương trình vì không phải giáo viên nào cũng sẵn sàng và có đủ khả năng để làm.

Tiến sĩ Trần Hồng Thắm, Giám đốc Sở GD-ĐT TP. Cần Thơ

Phát triển năng lực đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên

Cốt lõi của đổi mới giáo dục trong nhà trường là sự gắn kết giữa đổi mới phương pháp giảng dạy và kiểm tra đánh giá, là kết quả thu được về phẩm chất, năng lực của học sinh sau mỗi giờ học. Hiện nay, nhiều giáo viên còn hiểu chưa đúng về phát huy tính tích cực của học sinh trong giờ học hoặc quá lệ thuộc vào trang thiết bị dạy học. Vì vậy việc xây dựng kế hoạch giáo dục còn mang tính đối phó, nặng tính áp đặt trong quá trình truyền thụ kiến thức thay vì hướng dẫn, động viên học sinh.

Việc hiểu chưa sâu, chưa đúng yêu cầu của chương trình GDPT 2018 đã dẫn đến vẫn còn tâm lý thụ động chờ cấp trên hướng dẫn; công tác đổi mới phương pháp giáo dục trong và ngoài lớp học chưa có chuyển biến rõ nét, nhiều CBQL không chú trọng các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp mà chỉ tập trung vào hoạt động dạy học, thành tích học tập của học sinh; xây dựng tiêu chí đánh năng lực giáo viên chưa phù hợp; một bộ phận CBQL chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong nhận thức và phương pháp tổ chức thực hiện...

Để có sự chuẩn bị tốt nhất về năng lực đội ngũ nhằm thực hiện hiệu quả chương trình GDPT 2018, trước hết ngành giáo dục cần xây dựng lộ trình bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho CBQL giáo dục, giáo viên không chỉ đáp ứng mục tiêu ngắn hạn mà phải hướng đến sự thay đổi về chất của các nhà trường. Thứ hai, điều chỉnh cách thức tiến hành bồi dưỡng; cần bồi dưỡng những năng lực cốt lõi, quen thuộc để đáp ứng ngay nhiệm vụ được giao khi thực hiện chương trình GDPT 2018, sau đó tiến tới mở rộng và chuyên sâu nội dung bồi dưỡng. Việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ CBQL, giáo viên đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ mới cần phải được thực hiện đồng bộ với nhiều giải pháp và có sự quyết tâm của toàn thể đội ngũ. Thứ ba, xây dựng hệ thống giải pháp không chỉ hướng đến CBQL nhà trường, giáo viên mà còn tác động đến cơ quan quản lý giáo dục địa phương.

Thạc sĩ Lã Mạnh Hà, Hiệu trưởng Trường THPT Tôn Đức Thắng (huyện Krông Năng)

Cần có sự tham gia đồng bộ của các chủ thể

Qua khảo sát cho thấy, khi tiếp cận chương trình GDPT mới, đội ngũ giáo viên gặp rất nhiều khó khăn, nhưng cơ bản nhất là về yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học; phát triển chương trình môn học; nội dung giáo dục tích hợp; nội dung trải nghiệm hướng nghiệp.

Để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, trong điều kiện của đơn vị, chúng tôi chủ động lập kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng chương trình GDPT mới cho giáo viên; thực hiện nghiêm túc việc đánh giá, xếp loại giáo viên, đưa nhiệm vụ phấn đấu nâng cao năng lực đáp ứng yêu cầu chương trình mới của giáo viên vào hệ thống tiêu chí đánh giá thi đua. Song song đó đổi mới nội dung và hình thức bồi dưỡng thường xuyên tại đơn vị; chỉ đạo tổ chuyên môn xây dựng các chuyên đề dạy học dựa trên chương trình hiện hành và phù hợp với thực tiễn địa phương; xây dựng kế hoạch dạy học tích hợp hằng năm; bồi dưỡng cho giáo viên năng lực tổ chức các hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp.

Việc triển khai, áp dụng các biện pháp nói trên khi tiếp cận chương trình GDPT mới của nhà trường đã bước đầu mang lại hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, để tiếp tục thực hiện thành công chương trình GDPT mới, cần có sự tham gia đồng bộ của các chủ thể. Đội ngũ giáo viên cần không ngừng tự bồi dưỡng để nâng cao năng lực nghề nghiệp dạy học sinh nơi và cách thức tìm kiếm thông tin, dạy cho học sinh phương pháp học và phương pháp nghiên cứu khoa học thay cho việc dạy các em học cái gì. Đối với các trường sư phạm cần thay đổi nội dung, hình thức đào tạo giáo viên phù hợp với chương trình GDPT mới...

Lan Quỳnh (thực hiện)

 

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.