Multimedia Đọc Báo in

Niềm vui của học sinh vùng sâu

06:21, 30/12/2020

Xã Cư Pui và xã Cư Drăm (huyện Krông Bông) có hai điểm trường ở hai thôn đồng bào dân tộc Mông di cư, cách trung tâm các xã hàng chục cây số.

Giao thông đến hai điểm trường này hết sức khó khăn, điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học còn thiếu và tạm bợ. Thời gian qua, được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp chính quyền, nhiều tổ chức, cá nhân có tấm lòng hảo tâm nên hàng trăm học sinh ở các địa bàn trên được học trong những phòng học kiên cố; thường xuyên được tặng quần áo, sách vở, đồ dùng học tập.

Điểm trường thôn Cư Dhắt thuộc Trường Tiểu học Yang Hăn cách trung tâm xã Cư Drăm gần 30 km hiện có 8 lớp với 250 học sinh người Mông. Trước đây, học sinh điểm trường này phải học trong những phòng tạm do phụ huynh tự dựng, trên khu đất mượn của người dân, không điện, không nước. Mỗi khi trời mưa, nước chảy tràn qua nền nhà, trời nắng thì gió bụi. Nhưng bây giờ đã khác, điểm trường đã được chính quyền địa phương quy hoạch xây dựng trên vùng đất cao, bằng phẳng với 5 phòng học kiên cố đã được đưa vào sử dụng, 2 phòng học đang trong giai đoạn hoàn thiện; ngoài ra còn có công trình vệ sinh và 4 phòng ở giáo viên; sân trường, cổng, tường rào đã được bê tông hóa. Điểm trường cũng đã có điện lưới.

Điểm trường Cư Dhắt (xã Cư Drăm, huyện Krông Bông) hiện nay đã được xây dựng khang trang.
Điểm trường Cư Dhắt (xã Cư Drăm, huyện Krông Bông) hiện nay đã được xây dựng khang trang.

Vừa qua, một nhóm thiện nguyện đã hỗ trợ xây dựng một công trình cấp nước phục vụ cho thầy và trò ở điểm trường. Ông Ma A Sà, Trưởng thôn Cư Dhăt phấn khởi: “Trước đây các cháu đi học vất vả lắm. Những phòng học tạm bằng gỗ do phụ huynh tự làm bị xuống cấp rất nhanh vì nền đất ẩm thấp. Giờ thì các cháu đã được học trong những phòng học xây kiên cố, khang trang, có điện, có quạt. Các cháu còn thường xuyên được tặng quần áo, cặp sách, dụng cụ học tập”. Thầy Phạm Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Yang Hăn cũng không giấu được niềm vui. Theo thầy Hải, từ khi các em được học ở điểm trường mới, tỷ lệ học sinh bỏ học đã giảm hẳn. Hiện nay nhà trường đang tham mưu với cấp trên tiếp tục đầu tư xây dựng thêm phòng học nhằm đáp ứng đủ cho mỗi lớp một phòng; tách thêm 2 lớp do tỷ lệ học sinh/lớp cao và xây dựng thêm một số phòng chức năng.

Điểm trường Ea Rớt của Trường Tiểu học Cư Pui 2 (xã Cư Pui) được đánh giá là điểm trường khó khăn nhất ở huyện Krông Bông. Nơi đây cách trung tâm xã Cư Pui 28 km đường đèo dốc, gồm 6 lớp với 172 học sinh chủ yếu là người dân tộc Mông. Trước đây điểm trường này trong tình trạng hoàn toàn không đường, không điện, không nước sạch, phòng học thì tạm bợ. Mỗi khi trời mưa to, học sinh phải nghỉ học do nước ngập không qua suối được. Khi công trình thủy lợi Krông Pách thượng tích nước, nước suối dâng cao không có đường đi, địa phương phải di dời điểm trường đến địa điểm khác, song do trước đây thôn chưa được đưa vào quy hoạch nên không được cấp trên đầu tư vốn xây dựng. Vì vậy, chính quyền địa phương phải xin hỗ trợ kinh phí và huy động người dân xây phòng học cho học sinh. Đến nay điểm trường đã có 4 phòng học xây, 3 phòng cho giáo viên; một số nhóm thiện nguyện đã hỗ trợ khoan giếng, lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời, hệ thống lọc nước uống tinh khiết cho thầy và trò điểm trường.

Học sinh ở điểm trường Ea Rớt (xã Cư Pui) trong những phòng học xây dựng chắc chắn.
Học sinh ở điểm trường Ea Rớt (xã Cư Pui) trong những phòng học xây dựng chắc chắn.

Điều đáng mừng là điểm trường Ea Rớt thường xuyên được các tổ chức thiện nguyện hỗ trợ, tặng sân chơi, đồ dùng học tập, quần áo, giày dép cho học sinh; trong đó, riêng Nhóm thiện nguyện Vòng tay yêu thương và Nhóm ngàn hạc giấy đã 10 lần đến tặng quà cho học sinh.

Mới đây niềm vui lớn đã đến với học sinh thôn Ea Rớt khi UBND tỉnh vừa quyết định đầu tư hơn 100 tỷ đồng để xây dựng kết cấu hạ tầng thôn vùng sâu này, trong đó điểm trường Ea Rớt sẽ được đầu tư xây dựng 6 phòng học hai tầng, phòng chức năng, công trình vệ sinh, sân trường và một số hạng mục khác. Em Cháng Thị Hoa, học sinh lớp 5 tại điểm trường Ea Rớt hào hứng kể: “Trước đây chúng em phải học trong phòng học tạm, cứ mưa thì trời tối vì không có điện. Giờ được học trong phòng học xây, có đầy đủ bàn ghế, có điện, có nước; lại có sân chơi, quần áo mới, dép, cặp, sách vở, đồ dùng học tập".

Tùng Lâm


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.