Khơi nguồn sáng tạo trẻ
Được tổ chức thường niên trong những năm qua, Hội thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh đã trở thành sân chơi bổ ích, thúc đẩy và khơi nguồn sáng tạo trong thế hệ trẻ.
Đặc biệt, cuộc thi đã tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, giúp các em phát triển năng khiếu, thực hành những kiến thức được học ở trường, tạo ra những sản phẩm hiệu quả phục vụ học tập, sinh hoạt và đời sống.
Với giải pháp “Thiết bị tự động đo và báo lượng tiêu thụ nước máy sinh hoạt”, hai em Đoàn Thị Giang Son và Nguyễn Xuân Đạt (Trường THCS Dur Kmăl, huyện Krông Ana) đã đoạt giải Đặc biệt của Hội thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh lần thứ VIII năm 2020. Chia sẻ về ý tưởng sáng tạo của mình, em Giang Son cho biết: “Nghe người dân phàn nàn việc gia đình sử dụng nước rất ít nhưng đến tháng số tiền phải trả khá nhiều, em đã bàn với bạn Đạt làm một thiết bị để cho người sử dụng và nhà cung cấp biết được lượng tiêu thụ nước của từng gia đình. Mục đích của sáng chế này là tiết kiệm được thời gian, chi phí nhân công lao động phải đi ghi và đi thông báo số lượng nước tiêu thụ hằng tháng tại mỗi gia đình. Đồng thời, có thể kiểm soát được lượng nước tiêu thụ của mỗi gia đình khi bị rò rỉ đường ống để có hướng khắc phục, xử lý kịp thời”.
Học sinh Trường Tiểu học, THCS và THPT Hoàng Việt thuyết trình về sáng kiến tham gia cuộc thi. |
"Ðể cuộc thi tiếp tục tạo sức lan tỏa, thu hút đông đảo học sinh tham gia cần có sự hưởng ứng tích cực của các đơn vị, địa phương, đặc biệt là nhà trường phải tạo điều kiện hỗ trợ các em phát huy khả năng sáng tạo cũng như thực hiện ý tưởng; từ đó, góp phần thúc đẩy sự phát triển khoa học công nghệ của tỉnh nhà”.
TS. Vương Hữu Nhi, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh
|
Khi mới triển khai ý tưởng hai em gặp không ít khó khăn trong việc thực hiện các công đoạn lập trình. Tuy nhiên nhờ sự giúp đỡ, động viên của thầy cô trong trường, các em đã kiên trì hoàn thành sản phẩm và mang lại kết quả tốt. Được biết, tại Hội thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh lần thứ VII năm 2019, Trường THCS Dur Kmăl cũng có sáng kiến “Nghiên cứu và chế tạo hệ thống biển báo giao thông liên hoàn ứng dụng công nghệ cao dành cho các khúc cua nguy hiểm” của em Hồ Anh Đức (lớp 9A3) đoạt giải Nhất (không có giải Đặc biệt); sáng kiến này đồng thời đoạt giải Nhất cuộc thi dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc lần thứ 15 năm 2018 – 2019.
Tương tự, từ thực trạng học sinh bị bỏ quên trong xe ô tô đưa đón ở một số tỉnh thành thời gian qua, hai em Nguyễn Thị Quỳnh Lan và Nguyễn Thị Thùy Châm (Trường THCS Trần Quang Diệu, huyện Cư M'gar) đã nảy ra ý tưởng sáng tạo mô hình “Hệ thống nhắc nhở, cảnh báo và liên lạc khi trẻ nhỏ bị bỏ quên trên ô tô”. Hệ thống này có thể lắp được trên ô tô cá nhân, cũng có thể lắp được ở các loại ô tô đưa đón học sinh, phát hiện được những trường hợp trẻ bị bỏ quên trên xe để kịp thời xử lý. Hay như “Mô hình phát hiện phá rừng và cháy rừng từ xa” của em Đỗ Lê Minh Quân và Trần Đại Lợi (Trường THCS Phan Bội Châu, TP. Buôn Ma Thuột) có thể giúp lực lượng kiểm lâm kịp thời phát hiện và xử lý những vụ việc cháy rừng hay bị lâm tặc chặt phá rừng… Cả hai giải pháp này đều đoạt giải Nhất của cuộc thi năm nay.
Em Đỗ Lê Minh Quân và Trần Đại Lợi (Trường THCS Phan Bội Châu, TP. Buôn Ma Thuột) giới thiệu về giải pháp của mình. |
Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng năm 2020 thu hút 123 mô hình, sản phẩm của 264 cá nhân, tập thể tham gia. Phần lớn các mô hình, sáng kiến của học sinh đều có ý tưởng xuất phát từ việc quan sát cuộc sống, học tập; từ đó vận dụng kiến thức lý thuyết của các môn học trong nhà trường dưới sự hỗ trợ của thầy cô để hiện thực hóa ý tưởng, áp dụng hiệu quả vào thực tiễn. TS. Vương Hữu Nhi, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh chia sẻ: “Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng nhằm khơi dậy niềm đam mê sáng tạo trong lứa tuổi thanh thiếu niên, nhi đồng, từ đó tìm kiếm và phát hiện những ý tưởng, sáng kiến, khuyến khích các em áp dụng vào đời sống sinh hoạt, học tập; đây còn được xem là sân chơi bổ ích cho các em có niềm đam mê nghiên cứu khoa học trên địa bàn toàn tỉnh”.
Có thể nói, cuộc thi đã góp phần thúc đẩy phong trào học tập, nghiên cứu khoa học và sáng tạo trong học sinh, giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học. Đặc biệt, giải pháp “Giếng nổi dùng cho vùng ngập lụt, ô nhiễm nước" (giải Nhất cuộc thi dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc lần thứ 15 năm 2018 – 2019) của em Nguyễn Thị Hải Lý và Nguyễn Thanh Hồ (học sinh lớp 9A3 Trường THCS Lê Văn Tám, huyện Krông Ana) đã được đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ và ứng dụng vào thực tiễn cuộc sống ở một số khu vực tại huyện Krông Ana và các tỉnh miền Trung.
Thúy Hồng
Ý kiến bạn đọc