Multimedia Đọc Báo in

Nâng bước đến trường cho học sinh nghèo

08:00, 28/01/2021

Cùng với những phần học bổng "đột xuất", ngày càng có nhiều chương trình hỗ trợ “dài hạn” dành cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Trong đó, có thể kể đến mô hình “Tiếp sức đường dài” đang được Hội đồng Đội tỉnh triển khai trong thời gian vừa qua.

Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh Trần Doãn Tới cho biết, mô hình “Tiếp sức đường dài” nhằm hỗ trợ thiếu nhi có hoàn cảnh đặc biệt, thiếu nhi mồ côi, học sinh nghèo hiếu học, học sinh có nguy cơ bỏ học và điều kiện kinh tế khó khăn với ba hình thức hỗ trợ: tiếp sức để tiến bộ trong học tập; tiếp sức bằng hiện vật để vượt qua khó khăn, ngăn dòng bỏ học; tiếp sức để hoàn thiện các tiêu chí thực hiện chương trình rèn luyện đội viên.

Điểm đặc biệt của mô hình này là sẽ hỗ trợ học sinh trong một khoảng thời gian dài, có thể là theo từng năm học hoặc kéo dài đến hết cấp học. Năm học 2020 - 2021, mô hình “Tiếp sức đường dài” được đồng loạt triển khai từ cấp tỉnh đến liên đội, trong đó cấp liên đội sẽ hỗ trợ tiếp sức ít nhất 2 em, cấp huyện hỗ trợ ít nhất 5 em và cấp tỉnh hỗ trợ 12 em.

Em Y Jen Ny Niê Hra, học sinh Trường Tiểu học Huỳnh Thúc Kháng (xã Ea M'droh, huyện Cư M'gar) nhận hỗ trợ từ mô hình
Em Y Jen Ny Niê Hra, học sinh Trường Tiểu học Huỳnh Thúc Kháng (xã Ea M'droh, huyện Cư M'gar) nhận hỗ trợ từ mô hình "Tiếp sức đường dài".
"Năm học 2020 - 2021, Hội đồng Đội tỉnh hướng đến mục tiêu có trên 1.350 em được nhận hỗ trợ từ mô hình “Tiếp sức đường dài”. Thông qua mô hình này đã khích lệ tinh thần cũng như tiếp thêm động lực đến trường cho các em học sinh, giúp giảm thiểu tình trạng bỏ học tại các liên đội".
anh Trần Doãn Tới, Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh

Hội đồng Đội huyện Cư M’gar là một trong những đơn vị triển khai hiệu quả mô hình “Tiếp sức đường dài” với số lượng học sinh được “tiếp sức” đến thời điểm hiện tại là gần 140 em. Theo đó, từ đầu năm học 2020 - 2021, từng liên đội thống kê hoàn cảnh học sinh và chọn ra những trường hợp đặc biệt khó khăn nhất để hỗ trợ. Liên đội cũng sẽ xác lập thời gian giúp đỡ cho đến lúc đội viên vượt qua khó khăn, không cần sự trợ giúp hoặc chuyển cấp học. Đặc biệt, tùy vào tình hình thực tế của từng liên đội, trong quá trình xác minh, tìm hiểu hoàn cảnh từng em, nếu quá khó khăn sẽ vận động nguồn lực để hỗ trợ thêm như: trao dê giống, sửa chữa nhà cửa, xây dựng nhà…

Qua quá trình thực hiện, cùng với sự nỗ lực của từng liên đội trên địa bàn huyện Cư M’gar thì còn có sự góp sức của Câu lạc bộ Vì đàn em thân yêu (CLB), trực thuộc Hội đồng Đội huyện Cư M’gar. Anh Mai Văn Chuyền, Chủ nhiệm CLB cho hay, nhận thấy “Tiếp sức đường dài” là một mô hình hay và ý nghĩa, xét tình hình thực tế, CLB chọn hình thức tiếp sức bằng tiền, hiện vật để giúp đỡ các em. Theo đó, sau khi xác minh và nắm bắt được thông tin, hoàn cảnh của học sinh, CLB đã đứng ra vận động nhà hảo tâm với mức hỗ trợ là 240.000 đồng/em/tháng đối với học sinh mầm non và tiểu học; 290.000 đồng/em/tháng đối với học sinh trung học cơ sở. Tùy theo nhu cầu của học sinh mà số tiền hỗ trợ sẽ được sử dụng hợp lý theo từng tháng như: mua nhu yếu phẩm, hỗ trợ tiền ăn, mua dụng cụ học tập, hỗ trợ tiền mặt... Đặc biệt, mỗi nhà hảo tâm sẽ “tiếp sức” cho một học sinh nên thông tin về hoàn cảnh cũng như quá trình "tiếp sức" hằng tháng của mỗi em sẽ được kê khai minh bạch và chuyển đến nhà hảo tâm để tiện theo dõi. Đến nay, CLB đã vận động “tiếp sức” cho 35 em, phân bổ ở các trường học trên địa bàn huyện, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Học sinh ở thôn Ea Bar (xã Cư Pui, huyện Krông Bông) nhận hỗ trợ từ mô hình
Học sinh ở thôn Ea Bar (xã Cư Pui, huyện Krông Bông) nhận hỗ trợ từ mô hình "Tiếp sức đường dài".

Bên cạnh Cư M’gar, nhiều địa phương như: M’Drắk, Ea Kar, Krông Bông… cũng đang triển khai tốt mô hình “Tiếp sức đường dài” và có kết quả khả quan. Anh Bùi Tấn Lợi, Chủ tịch Hội đồng Đội huyện Krông Bông chia sẻ, có đi sâu tìm hiểu hoàn cảnh của từng học sinh mới thấy được hết cái khó, cái khổ của các em trên con đường đến lớp. Bởi thế, cùng với “tiếp sức” về học tập và rèn luyện, tùy vào nội lực của từng liên đội (thông qua chương trình “Kế hoạch nhỏ”, sự ủng hộ của thầy cô trong liên đội, vận động xã hội hóa từ các doanh nghiệp, nhà hảo tâm…) sẽ có hình thức hỗ trợ giúp các em vượt qua hoàn cảnh khó khăn khác nhau: trao tiền mặt (từ 100 - 300 nghìn đồng/em/tháng), tặng quần áo, sách vở, nhu yếu phẩm, phương tiện đến trường… Điều đáng mừng là đã có nhiều học sinh được nhận hỗ trợ tiếp sức cho đến hết cấp học. Hiện tại, toàn huyện Krông Bông đã có hơn 50 em được hỗ trợ và con số sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Có thể thấy, mô hình “Tiếp sức đường dài” đã đi sâu vào tìm hiểu hoàn cảnh của từng em để hướng đến hỗ trợ về lâu dài. Mô hình này đang có sự lan tỏa mạnh mẽ, giúp học sinh nghèo vượt qua khó khăn, viết tiếp ước mơ tới trường.

Huyền Diệu

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.