Nghĩ từ một chuyện buồn của học đường
Những ngày qua, trên mạng xã hội lan tràn một đoạn clip ghi lại hình ảnh nam sinh tát giáo viên. Mặc dù cơ quan chức năng đã xác minh sự việc này xảy ra trong tiết học toán lớp 8 ở một cơ sở giáo dục thuộc quận Ba Đình, Hà Nội hồi tháng 5-2020 và vụ việc đã được xử lý nhưng dư luận vẫn không khỏi bàng hoàng.
Chuyện học sinh xúc phạm thầy cô giáo không còn là hiếm trong những năm gần đây. Nhưng hành xử như học sinh trong clip thì thật là hi hữu. Sự hỗn xược đã bị đẩy đến tột cùng.
Là người từng đứng trên bục giảng gần 40 năm, khi xem clip, tôi cảm thấy đau xót như là cái tát của cậu học sinh kia vừa giáng xuống mặt mình. Tôi đau lòng vì môi trường học đường bị hoen ố bởi những cái chưa đẹp. Thiết nghĩ, đó cũng là tâm trạng chung trong những ngày qua của những ai nặng lòng với công tác giáo dục.
Hình ảnh Đ.N.N.K tát giáo viên trước mặt cả lớp. (Ảnh chụp màn hình) |
Trước sự việc nói trên, nhiều người đã tìm cách mổ xẻ nguyên nhân, chỉ ra nguồn cơn của vấn nạn bạo lực học đường, của sự xuống cấp đạo đức trong nhà trường. Mọi sự lý giải chủ yếu hướng đến những nguyên nhân thuộc ngành giáo dục. Tôi nghĩ thái độ, cách đánh giá đó của dư luận không sai nhưng chưa thật khách quan, công bằng.
Thừa nhận trong những năm qua, giáo dục còn nhiều bất cập; trách nhiệm dạy người của thầy cô và nhà trường chưa đáp ứng được kỳ vọng của xã hội. Nhưng sự xuống cấp của đạo đức trong trường học không chỉ có nguyên nhân nội tại. Nó là hệ quả của bao tác động bên ngoài xã hội khi môi trường giáo dục không còn khép kín như cái thời cách đây bốn năm chục năm về trước. Giáo dục được xã hội hóa về đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất nhưng giáo dục cũng bị tác động của những mặt trái của nền kinh tế thị trường, của những biến thái về đạo đức, ứng xử. Cái xấu, cái ác ùa vào trường học như những làn gió độc rất khó nhận ra bởi nó được thẩm thấu từ từ theo kiểu “mưa dầm thấm đất” từ những lời nói, những hành vi, những cách ứng xử tưởng như vô can của người lớn mà trong đó trực tiếp tác động mạnh mẽ nhất là các bậc phụ huynh.
Thiết nghĩ, không thể chấm dứt bạo lực học đường trong ngày một ngày hai nhưng có thể điều chỉnh lối sống, hành vi ứng xử, lời nói hướng tới chân - thiện - mỹ để mỗi cá nhân cùng góp sức xây dựng nền giáo dục nước nhà. Đó là điều mà cả xã hội có thể làm ngay để chia sẻ gánh nặng với thầy cô trong việc rèn đạo đức cho học sinh. Giáo dục thời công nghệ số, ba yếu tố Nhà trường – Gia đình – Xã hội tạo thế chân vạc, hài hòa quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm trong sự nghiệp trồng người.
Với nhà trường, phải luôn luôn quán triệt mục tiêu xuyên suốt của giáo dục là dạy người. Phải coi đó là trọng tâm và đích đến cuối cùng của mọi cuộc cải cách giáo dục hay thay sách giáo khoa chứ không phải chỉ lo chú trọng nhồi nhét kiến thức thông thường.
Nguyễn Duy Xuân
Ý kiến bạn đọc