Multimedia Đọc Báo in

Để "học thật, thi thật, nhân tài thật", phụ huynh phải chấp nhận "điểm thật"

14:51, 05/06/2021

Là một phụ huynh, cũng là một giáo viên, tôi cho rằng để thực hiện “học thật, thi thật, nhân tài thật” là điều không dễ dàng vì nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan. Tuy nhiên, thay vì chỉ biết than vãn và ngồi đợi Bộ GD-ĐT hay ai đó thay đổi thì tại sao các phụ huynh lại không tự thay đổi chính mình?

Tại sao các phụ huynh không thể chấm dứt việc khoe giấy khen, khoe điểm, khoe thành tích của con trên mạng xã hội? Tại sao phụ huynh lại không từ chối cho con tham gia các cuộc thi Toán, Tiếng Việt, Ngoại ngữ và đủ các cuộc thi khác trên mạng khi được thầy cô đề nghị?

Đừng sợ con mình sẽ bị “đì” nếu từ chối tham gia. Tôi đã từ chối tất cả những điều đó và con tôi vẫn không hề bị nhà trường “để ý”.

Từ ngày dùng mạng xã hội, tôi chưa từng khoe giấy khen của con cho mọi người phải trầm trồ vì tôi sợ con sẽ vô tình trở thành hình mẫu “con người ta” để những phụ huynh khác so sánh.

Tôi cũng chưa từng cho con tham gia các cuộc thi Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh qua mạng dù cô giáo của con đề nghị. Con cũng có lần phụng phịu sao mẹ không chịu cho con thi, các bạn cùng lớp con cũng thi mà.

Tôi phân tích với con: mẹ không có niềm tin vào điểm số của các cuộc thi qua mạng này. Chính tôi đã từng được một chị bạn nhờ dùng tên của con chị để đăng nhập vào tài khoản của thằng bé và làm bài thi cho nó. Điểm có tăng lên nhưng đó không phải điểm của thằng bé.

Tôi làm một lần mà áy náy mãi dù rằng đã cố tự biện hộ cho mình rằng cuộc thi qua mạng đó chỉ để cho vui thôi.

Học sinh lớp 12, Trường THPT Buôn Ma Thuột làm bài thi thử tốt nghiệp THPT.  Ảnh: Lan Anh
Học sinh lớp 12, Trường THPT Buôn Ma Thuột làm bài thi thử tốt nghiệp THPT. Ảnh: Lan Anh

Một lần, sau khi tan trường về, con tôi rất vui vẻ, hào hứng kể: con và mấy bạn học giỏi tiếng Anh nhất lớp được cho nghỉ một tiết học để đi giúp một em lớp dưới làm bài thi tiếng Anh qua mạng.

Tôi nghe mà thấy lòng hụt hẫng. Tại sao các thầy cô lại có thể công khai giúp học trò của mình gian dối như vậy? Lẽ nào các thầy cô không hiểu rằng chính hành động này sẽ gieo vào đầu các em suy nghĩ về việc gian lận trong thi cử là chuyện bình thường?

Trong khi mức độ quan trọng của các cuộc thi qua mạng này hoàn toàn không quá lớn, không ảnh hưởng đến kết quả học tập của học sinh thì tại sao lại phải đánh đổi nó bằng chính những bài học đạo đức về sự trung thực mà thầy cô vẫn dạy các em?

Con tôi chỉ vừa mới hoàn thành chương trình tiểu học. Chặng đường học hành của con còn rất dài nên tôi chẳng dám nhận mình hay, cũng không dám khuyên những phụ huynh khác hãy làm giống như tôi.

Nhưng rõ ràng tôi đã giúp con mình đứng ngoài những cuộc đua giành và khoe thành tích không hồi kết của rất nhiều người.

Tôi cũng chấp nhận tất cả những điểm số của con ở trường cho dù cao hay thấp miễn nó là điểm thật của con.

Tôi nghĩ phụ huynh hoàn toàn có đủ khả năng để bệnh thành tích không ảnh hưởng đến con cái chúng ta, chỉ là chúng ta có đủ can đảm, đủ quyết tâm để làm hay không mà thôi?

Đừng tự mình đẩy các con vào những cuộc chiến giành giấy khen, giải thưởng, huy chương các loại rồi sau đó chính chúng ta lại quay ra kêu ca “bệnh thành tích” nọ kia cứ như thể mình là “nạn nhân” mà sự thực thì lại là “đồng phạm”! Phụ huynh phải học cách chấp nhận điểm thật thì mới mong có “học thật, thi thật, nhân tài thật”.

Bình An


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.