Kinh nghiệm học và làm tốt bài thi tốt nghiệp THPT môn Lịch sử
Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, môn Lịch sử trong tổ hợp khoa học xã hội luôn là môn mà các học sinh “ngán” nhất bởi dữ liệu nhiều, dung lượng kiến thức rộng, dễ nhầm lẫn giữa phần này và phần khác… Vì thế, kết quả thi môn này thường không cao.
Để làm tốt bài thi môn Lịch sử, trước hết các thí sinh cần có cách học và ôn tập hiệu quả. Người học cần xác định và hiểu rõ toàn bộ kiến thức thi đều nằm trong sách giáo khoa (SGK) hiện hành nên cần bám kỹ SGK, phân chia bài và thời gian học hợp lý để nắm vững kiến thức. Hãy nhớ rằng ở trong SGK, dòng chữ lùi vào tức là một ý độc lập và ý đó đầy đủ trọn vẹn một đơn vị kiến thức được tính đến dấu chấm đầu tiên, còn các nội dung sau dấu chấm chỉ làm rõ thêm vấn đề trước đó kể cả phần chữ nhỏ.
Đọc, học phải có giấy bút để ghi chép, phải hết sức tập trung “miệng đọc tâm phải suy nghĩ” mới nhớ được. Nên chọn thời gian yên tĩnh hợp lý; phải suy nghĩ liên hệ với thực tiễn qua nhiều kênh như tên một nhân vật lịch sử, danh nhân văn hóa, tên được đặt cho một con đường, xem một bản tin trên ti vi, nội dung một pa nô, áp phích truyền thông, hoặc trao đổi với bạn bè các vấn đề liên quan…
Học sinh lớp 12 Trường Tiểu học, THCS & THPT Victory tăng tốc ôn thi tốt nghiệp THPT năm học 2020 - 2021. Ảnh minh họa |
Kiến thức thì thường chỉ trong phạm vi lịch sử cận đại Việt Nam, lịch sử hiện đại Việt Nam và thế giới nên các em tự thống kê dữ kiện; chẳng hạn liệt kê trong các năm 1930, 1931, 1945… có những sự kiện gì. Việc liệt kê sẽ giúp xâu chuỗi sự kiện dễ dàng để phân tích, so sánh, nhận định vấn đề. Tự luyện giải đề để làm quen với bài thi.
Các em nên tạo cho mình một tâm lý hết sức thoải mái trước và trong kỳ thi, điều này giúp huy động trí tuệ cao nhất trong quá trình làm bài. Thời gian làm bài thi lịch sử là 50 phút cho 40 câu trắc nghiệm, nghĩa là mỗi câu chiếm hơn 1 phút. Không nên vì thời gian dành cho một câu ít như thế mà đọc lướt qua bởi không cẩn thận sẽ bị đánh lừa bởi dạng câu hỏi tìm phương án đúng nhất; vì vậy cần đọc kỹ, cẩn thận câu dẫn để tìm ra “chìa khóa” ở các phương án đáp án, dùng bút chì vòng trên đề ngay đáp án đã chọn để chuyển sang câu khác.
Hết sức chú ý với những câu cho rằng dễ bởi cũng dễ… sai do chủ quan. Chẳng hạn: Câu x. Nguyên nhân quan trọng nhất của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là: A. Sự đoàn kết đồng lòng của dân tộc ta; B. Điều kiện thuận lợi khách quan quân Nhật đầu hàng đồng minh. C. Sự lãnh đạo tài tình của Đảng Cộng sản Đông Dương. D. Sự đoàn kết đồng lòng của ba nước anh em Việt Nam, Lào, Campuchia. Nếu không đọc kỹ câu dẫn sẽ chọn một trong đáp án A, B, hoặc D vì các nội dung này đều đúng, nhưng nếu cẩn thận suy luận theo yêu cầu câu dẫn “quan trọng nhất” thì phải chọn đáp án C.
Điểm quan trọng nữa khi gặp câu “lạ hoắc” toàn dữ liệu sự kiện thì cần phải sắp xếp sự kiện nào có trước, sự kiện nào có sau, sự kiện nào quyết định yếu tố lịch sử, sự kiện nào là nguyên nhân, sự kiện nào là hệ quả, từ đó có phương án trả lời theo tính logic sẽ chính xác hơn.
Một dạng trả lời nữa là tìm phương pháp loại trừ khi không nắm chính xác đáp án. Chẳng hạn nên học cách tự lý luận như trong chương trình “Ai là triệu phú” để xác định đáp án đúng hoặc tìm phương án sai để loại bỏ cũng là một cách làm.
Võ Trần Lâm