Muốn giáo dục "thật" phải loại bỏ tư duy "mẫu"
Ngày 18-12-2020, Bộ GD-ĐT đã ban hành Công văn 5512 về việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường. Trong phần Phụ lục IV “Khung kế hoạch bài dạy”, Bộ đưa ra mẫu giáo án mới.
Theo đó, “Khung kế hoạch bài dạy” gồm 3 nội dung: I. Mục tiêu; II. Thiết bị dạy học và học liệu; III. Tiến trình dạy học. Trong đó “Tiến trình dạy học” là nội dung chủ yếu của bài dạy, gồm 4 hoạt động: Hoạt động 1: Xác định vấn đề/nhiệm vụ học tập/Mở đầu; Hoạt động 2: Hình thành kiến thức mới/giải quyết vấn đề/thực thi nhiệm vụ đặt ra từ Hoạt động 1; Hoạt động 3: Luyện tập; Hoạt động 4: Vận dụng. Mỗi hoạt động lại được chi tiết hóa bằng các bước giống nhau, gồm: a) Mục tiêu, b) Nội dung, c) Sản phẩm, d) Tổ chức thực hiện.
Vẫn là “đồng phục” giáo án
“Khung kế hoạch bài dạy” nói trên thực ra là mẫu giáo án, áp dụng cho tất cả các môn học. Điều đáng nói ở đây là “đồng phục” giáo án theo Công văn 5512 (Công văn 5512) càng khiến giáo viên thêm áp lực, mệt mỏi vì phải chạy theo mẫu giáo án mới dài dòng, trùng lặp.
Nhiều giáo viên cho rằng, việc quy định mẫu giáo án theo Công văn 5512 của Bộ GD-ĐT mang tính hình thức, hành chính hóa các bước lên lớp của người thầy, không phù hợp thực tế. Cách làm này có vẻ bài bản về mặt lý thuyết nhưng khi áp dụng vào thực tế dạy học lại bộc lộ nhiều hạn chế, trói buộc sự chủ động, sáng tạo của giáo viên. Hệ quả tất yếu không mong muốn sẽ xảy ra (và thực tế là đã xảy ra) là tình trạng đối phó của người dạy trong công việc chuẩn bị giáo án. Trên mạng xã hội xuất hiện tràn lan tài khoản rao bán giáo án, giáo viên sẵn sàng bỏ tiền mua, chia sẻ cho nhau. Chuyện này không có gì lạ bởi hàng chục năm nay, rất nhiều giáo viên vẫn copy giáo án mẫu trên mạng (có hẳn một trang trực tuyến lưu truyền, quảng bá giáo án mẫu) mà không hề đầu tư chất xám cho bài dạy và nhằm đối phó với các đợt kiểm tra, thanh tra của ngành.
Trước những băn khoăn của nhiều giáo viên, gần đây trong cuộc trao đổi với tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT khẳng định: “Kế hoạch bài dạy (giáo án) là yêu cầu bắt buộc giáo viên phải có khi dạy học và đã được quy định tại Điều lệ nhà trường. Khung kế hoạch bài dạy tại Phụ lục IV kèm theo Công văn 5512 là văn bản hướng dẫn để giáo viên soạn kế hoạch bài dạy (giáo án) đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp và kỹ thuật dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh, không phải là mẫu giáo án”.
Với áp lực đủ bề, các thầy cô giáo thật khó để “hiểu đúng”, “làm đúng” như Vụ trưởng Vụ giáo dục trung học yêu cầu khi thực hiện mẫu giáo án theo Công văn 5512. Và với cách xây dựng bài dạy rập khuôn, máy móc (thậm chí là copy sẵn trên các trang mạng), giáo viên khó mà đạt được cái gọi là “chuẩn bị tốt "kịch bản" dạy học để "rảnh tay" khi lên lớp, dành nhiều thời gian quan sát, nhận xét, đánh giá và hỗ trợ học sinh trong học tập” như Vụ trưởng nói.
Một tiết học tại Trường Tiểu học, THCS & THPT Victory (TP. Buôn Ma Thuột). Ảnh: Như Quỳnh |
Cần loại bỏ tư duy “mẫu”
Thực chất “mẫu giáo án” theo Công văn 5512 là sự “thay tên, đổi họ”, xáo xào trật tự và tên gọi các đề mục trên nền tảng khuôn mẫu vốn đã tồn tại bấy lâu nay, không phải là sự đổi mới nội dung hay phương pháp dạy học.
Một giáo viên trường chuyên ở Nghệ An cho rằng: Việc ban hành mẫu giáo án là thể hiện tư duy quản lý không phù hợp: Không thể có một giáo án cho nhiều lớp, hàng trăm học sinh. Mỗi đối tượng, tình huống, nhà giáo sẽ có sự linh hoạt, sáng tạo. Nhà quản lý chỉ cần quan tâm chất lượng, chuẩn đầu ra, sản phẩm của giáo dục là con người chứ không phải là quyển giáo án trong cặp của giáo viên”.
Có thể nói, “văn mẫu”, “giáo án mẫu” đã tồn tại hàng chục năm nay trong nhà trường. Nó gây hệ lụy là triệt tiêu sự linh hoạt và sáng tạo của cá nhân, trói buộc tư duy của thầy và trò. Một nền giáo dục mà giáo án của thầy cô giáo chép theo mẫu; bài tập, bài thi của học sinh cũng theo mẫu, liệu còn chỗ cho "dạy học phát triển năng lực" như nội dung, chương trình sách giáo khoa đã đặt ra?
Thiết nghĩ, với phương châm chỉ đạo “dạy thật, học thật, nhân tài thật” hiện nay, Bộ GD-ĐT nên mạnh dạn loại bỏ lối tư duy “mẫu” trong quản lý chuyên môn, chấm dứt sự trì trệ, ngưng đọng, thụ động trong hoạt động dạy học và quản lý giáo dục.
Dư luận những ngày qua đã rất hoan nghênh việc hai Bộ Nội vụ và GD-ĐT đồng thuận với đề xuất cắt giảm chứng chỉ chức danh nghề nghiệp. Nhưng giáo viên còn mong muốn nhiều hơn thế, là bỏ hết. Một nhà giáo ở Lâm Đồng cho rằng: “Bộ GD-ĐT hãy xây dựng chương trình sao cho người học cảm thấy hữu ích. Và hãy thực sự là đào tạo, chứ không phải bồi dưỡng, để giáo viên có động lực học thật, thi thật, làm thật". Và với giáo án mẫu kiểu như “kế hoạch bài dạy”, Bộ GD-ĐT cũng nên một lần dũng cảm làm cuộc “cách mạng” loại bỏ tư duy “mẫu” để khích lệ sự sáng tạo trong hoạt động dạy học của người thầy…
Nguyễn Duy Xuân