Sáp nhập trường, lớp để thuận lợi cho người học
Đắk Lắk là tỉnh miền núi, có diện tích lớn, dân số đông. Hệ thống trường học lớn, với nhiều điểm lẻ, một số trường xuống cấp không đáp ứng điều kiện dạy học đặt ra yêu cầu cần phải sáp nhập để nâng cao chất lượng dạy học.
Theo thống kê, năm học 2020 - 2021, toàn tỉnh có 1.025 trường từ mầm non đến THPT (333 trường mầm non, 399 trường tiểu học, 235 trường THCS và 58 trường THPT); có 1.242 điểm trường (723 điểm trường mầm non, 442 điểm trường tiểu học và 77 điểm trường THCS).
Thực tế, tại một số huyện như Krông Pắc, Krông Năng, Cư Kuin, M’Drắk, Krông Bông…, trong cùng một xã hoặc các xã có khoảng cách địa lý gần nhau (dưới 10 km) hiện có nhiều trường học có quy mô rất nhỏ (chưa đến 10 lớp); số học sinh/lớp cũng rất thấp so với quy định. Nhà trường vẫn phải “nuôi” một bộ máy quản lý gồm đầy đủ các ban bệ. Một số trường mầm non, tiểu học có quá nhiều điểm lẻ, thậm chí một số điểm lẻ phải “mượn” hội trường thôn, buôn để tổ chức dạy học.
Cụm trường nằm trong khu dân cư ven bìa rừng của huyện M'Drắk. |
Theo tìm hiểu, trước đây do dân cư thường tập trung thành cụm, sống theo khu vực ven rừng, ven suối nên phải hình thành nhiều điểm lẻ để đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh. Thực tế, nhờ các điểm lẻ này đã giải được “bài toán” về huy động trẻ và học sinh ra lớp, góp phần thực hiện các mục tiêu quốc gia về xóa mù chữ, giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng, nâng cao nhận thức cho người dân trong chăm sóc, giáo dục con cái, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống và rút ngắn khoảng cách trong giáo dục và đào tạo giữa các địa phương trong tỉnh. Ông Tạ Hồng Diện, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện M’Drắk chia sẻ: “Năm học 2020 - 2021 chúng tôi có 30 điểm trường, trong đó có 4 điểm phải mượn hội trường thôn, buôn. Một vài trường có nhiều điểm lẻ như: Trường Mầm non Hoa Ban (xã Cư San) với 5 điểm; Hoa Lan (xã Ea Trang) 7 điểm. Ở những đơn vị này, có điểm lẻ cách trường chính đến gần 20 km, đường sá đi lại khó khăn nhưng các giáo viên vẫn bám trường, bám điểm để duy trì việc học cho các cháu”.
Tính đến tháng 5-2021, toàn tỉnh đã sáp nhập được 42/61 trường (đạt tỷ lệ 66,67%); xóa bỏ được 143/184 điểm trường (đạt tỷ lệ 77,3%).
|
Sáp nhập trường, lớp là chủ trương của ngành giáo dục tỉnh nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp đổi mới giáo dục.
Để thực hiện hiệu quả Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, tỉnh Đắk Lắk đã xây dựng và triển khai Đề án sắp xếp, tổ chức lại mạng lưới các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018 - 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, mục tiêu của giai đoạn 2018 - 2030 sẽ sáp nhập 115 trường, gồm: 13 trường mầm non, 95 trường tiểu học và 7 trường THCS; số điểm trường cần xóa bỏ là 223, gồm: mầm non 146 điểm, tiểu học 76 điểm và THCS 1 điểm. Riêng năm 2021 sẽ sáp nhập 61 trường, gồm 7 trường mầm non, 52 trường tiểu học và 2 trường THCS; xóa bỏ 184 điểm trường, gồm 122 điểm mầm non, 61 điểm tiểu học và 1 điểm THCS.
Thực tế, sau hơn 2 năm triển khai đề án, một số địa phương đã triển khai hiệu quả, tạo sự đồng thuận của nhân dân; giảm bớt gánh nặng ngân sách.
Học sinh Trường Tiểu học Yang Mao (xã Yang Mao, huyện Krông Bông) trong giờ thể dục. Ảnh: Tùng Lâm |
Trong đó, huyện Krông Pắc là một trong những đơn vị thực hiện hiệu quả; đến nay đã sáp nhập được 15 trường, đạt 42,86% kế hoạch. Bà Ngô Thị Minh Trinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc cho biết: “UBND huyện đã chỉ đạo Phòng GD-ĐT phối hợp với các phòng, ban của huyện và chính quyền địa phương nghiên cứu, khảo sát kỹ về điều kiện sống, khoảng cách di chuyển của người dân khi đưa đón con đi học trên từng địa bàn. Ưu tiên sáp nhập các trường đồng cấp, các trường có quy mô nhỏ và trên cùng địa bàn để học sinh đi học thuận tiện”.
Trong buổi làm việc giữa UBND tỉnh với Đoàn công tác của Bộ GD-ĐT do Thứ trưởng Ngô Thị Minh làm Trưởng đoàn (tháng 4-2021), Thứ trưởng Ngô Thị Minh đã đánh giá: “Sáp nhập trường, lớp học không theo hướng “cơ học” mà thực hiện theo hướng bám sát điều kiện thực tế của địa phương nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người học. Các điểm trường mầm non, tiểu học đặt trong các khu dân cư tập trung nhằm bảo đảm trẻ được ở gần bố mẹ, tạo thuận lợi trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng… Cách làm của Đắk Lắk như vậy là rất khoa học, sáng tạo và cũng đầy tính nhân văn”.
Nguyễn Văn Đạt
Ý kiến bạn đọc