Multimedia Đọc Báo in

Tâm huyết với sự nghiệp "trồng người" ở vùng sâu

08:22, 25/06/2021

Tốt nghiệp Khoa Toán - Lý, Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk, năm 2003 thầy Nguyễn Quang Dũng về công tác tại Trường THCS Lê Đình Chinh (xã Ea Riêng, huyện M’Drắk), sau đó chuyển về Trường THCS Ngô Quyền (xã Cư Mta, huyện M’Drắk).

Từ năm 2017 đến nay, thầy Dũng về giảng dạy tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú-THCS Tô Hiệu ở xã Cư San, phụ trách bộ môn Toán lớp 9.

Để học sinh tiếp thu bài hiệu quả hơn, thầy Dũng thường xuyên tìm tòi, đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng phát huy năng lực của từng đối tượng học sinh, ứng dụng công nghệ thông tin và sử dụng đồ dùng trực quan sinh động trong mỗi tiết dạy; đồng thời, khuyến khích học sinh nghiên cứu, tìm tòi nhiều hướng giải quyết yêu cầu bài học khác nhau nhằm tạo động lực cho học sinh có niềm say mê, xây dựng phương pháp học tập chủ động. Thầy cũng chú trọng công tác giáo dục mũi nhọn, ôn luyện kiến thức nâng cao cho học sinh giỏi Toán của trường. Thầy Dũng tâm sự: “Nhiều học sinh rất ngại học môn Toán. Chúng tôi phải vừa dạy kiến thức, nhưng bên cạnh đó phải tìm hiểu, nắm bắt tâm lý, hoàn cảnh gia đình các em để trò chuyện, động viên và khơi gợi niềm đam mê học tập của các em”.

Nhờ sự tâm huyết của thầy Dũng, nhiều học sinh được thầy dìu dắt, ôn luyện đã đạt thành tích cao trong kỳ thi học sinh giỏi các cấp. Với vai trò Tổ trưởng Tổ Toán – Lý – Tin học của trường, thầy còn tích cực hỗ trợ các đồng nghiệp nâng cao kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng giảng dạy, từ đó trong tổ có nhiều giáo viên đạt danh hiệu dạy giỏi các cấp.

  Thầy Dũng phụ đạo học sinh  tại trường.
Thầy Dũng phụ đạo học sinh tại trường.

Không chỉ giỏi chuyên môn, thầy Nguyễn Quang Dũng còn rất tận tâm với học trò vùng sâu, vùng xa, có hoàn cảnh khó khăn. Đa số học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú-THCS Tô Hiệu là người dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn, nhiều phụ huynh chưa thực sự quan tâm đến việc học của con em, vì vậy vào những ngày mùa, không ít học sinh thường bỏ học ở nhà lao động phụ giúp gia đình. Để ổn định sĩ số học sinh, ngoài giờ lên lớp, thầy Dũng thường xuyên đến tận từng nhà để vận động các em bỏ học ra lớp, đề xuất với Ban giám hiệu nhà trường tìm cách hỗ trợ, giúp đỡ.

Nhà cách trường gần 40 km, thầy Dũng chỉ có thể về nhà vào những ngày cuối tuần nhưng vào các dịp cuối học kỳ thầy vẫn thường xuyên ở lại bám lớp, bám trường để phụ đạo cho các em có học lực yếu, kém, giúp các em có thêm kiến thức vượt qua các kỳ thi cuối kỳ. Với mỗi học trò, thầy Dũng không chỉ là giáo viên mà còn là người thầy, người anh, người bạn luôn đồng hành, dạy bảo cho các em nếp ăn, nếp ở, phát triển nhân cách để trở thành người có ích cho xã hội.

Với những đóng góp cho sự nghiệp “trồng người” nơi vùng sâu, nhiều năm qua, thầy Nguyễn Quang Dũng đã được các cấp, các ngành tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen. Thầy còn đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, là giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh nhiều năm.

Mỹ Sự


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.