Multimedia Đọc Báo in

Đôi nét về Giải Quần vợt Mỹ mở rộng

17:36, 10/09/2010

Giải Quần vợt Mỹ mở rộng (US Open) đang diễn ra đã bước vào những vòng đấu quyết định. Là một trong 4 giải Grand Slam uy tín nhất thế giới và được diễn ra cuối cùng trong năm (năm nay giải diễn ra từ 30-8 đến 15-9). Giải đấu gồm hệ thống các giải đơn nam, đơn nữ, đôi nam, đôi nữ, đôi nam nữ và các giải giành cho người khuyết tật.

Lịch sử hình thành
Trước năm 1968, giải này có tên là Giải Vô địch quốc gia Hoa Kỳ (US National Championships) và chỉ những tay vợt nghiệp dư mới được tham dự. Lúc đó mới chỉ có giải đơn nam. Đến năm 1968 thì giải này được "mở rộng" ra cho cả những vận động viên chuyên nghiệp tham dự, vì vậy được đổi tên thành "US Open" - Giải Quần vợt Mỹ Mở rộng.

Từ 1881 đến 1915, giải tổ chức ở Newport Casino, Newport, Rhode Island (nay là địa điểm của International Tennis Hall of Fame). Năm 1881, chỉ có các CLB thuộc Liên đoàn Quần vợt Mỹ mới được tham gia. Năm 1915 giải được rời về West Side Tennis Club ở Forest Hills, New York. Từ 1921 đến 1923, giải được tổ chức tại Germantown Cricket Club tại Philadelphia cho đến năm 1978 thì rời về địa điểm hiện tại ở Flushing Meadows, New York.

6 năm sau khi giải nam được tổ chức, giải đơn nữ đầu tiên chính thức được tổ chức tại Philadenphia Cricket Club năm 1887, giải đôi nữ đầu tiên năm 1889. Giải đôi nam nữ đầu tiên cũng được tổ chức theo chuỗi sự kiện này. Mãi đến 1900, giải đôi nam đầu tiên mới được tổ chức. Giải Mỹ mở rộng được tổ chức ở phía đông và tây nước Mỹ để chọn ra 2 đội tốt nhất, sau đó sẽ thi đấu play-off để chọn ra đội có thành tích xuất sắc nhất vào vòng chung kết.

Từ 1970, Giải Mỹ mở rộng là giải đầu tiên trong hệ thống Grand Slam sử dụng tie-break (ván giải hòa) cuối mỗi hiệp. Đây cũng là giải đấu duy nhất sử dụng tie-break trong set thứ 5. Các giải còn lại đã thi đấu thể thức 5 hiệp thắng 3, không có ván giải hòa cuối mỗi hiệp.

Roger Federer - Rafael Nadal sẽ là trận chung kết trong mơ tại US Open 2010? (Ảnh: Internet)
Roger Federer - Rafael Nadal sẽ là trận chung kết trong mơ tại US Open 2010? (Ảnh: Internet)

Sân thi đấu
Trong lịch sử, Giải Quần vợt Mỹ đã được chơi trên 3 mặt sân. Từ lúc khởi đầu năm 1881 cho đến năm 1974, giải chơi trên sân cỏ (ở Newport Casino và Forest Hills). Từ 1975 đến 1977 đổi sang sân đất Har-Tru (ở Forest Hills). Từ 1978 đến nay dùng sân cứng DecoTurf (ở Flushing Meadows). Jimmy Connors là nhà vô địch duy nhất đã chiến thắng trên cả ba mặt sân: năm 1974 ông thắng trên sân cỏ, năm 1976 thắng trên sân đất và các năm 1978, 1982, 1983 ông vô địch trên sân cứng.

Tất cả các sân ở US Open là loại sân cứng DecoTurf ngoài trời. Sân DecoTurf được làm bằng nhiều lớp cao su mỏng trộn với cát rồi đổ lên sàn xi măng. Vì vậy trên sân US Open bóng đi rất nhanh và độ nảy đều nên hợp với các đấu thủ có cú giao bóng mạnh và thích lên lưới.

Hiện nay toàn bộ hệ thống sân quần vợt ở Flushing Meadows được gọi là Trung tâm quần vợt quốc gia Billie Jean King (USTA Billie Jean King National Tennis Center), mang tên cựu số 1 nữ thế giới Billie Jean King. Trung tâm này có các sân như sau: sân chính tên là Sân vận động Arthur Ashe có 24.000 ghế ngồi. Sân này lấy tên từ Arthur Ashe là một tay vợt nổi tiếng người Mỹ da đen, đã vô địch Giải Mỹ mở rộng lần đầu tiên trong "kỷ nguyên mở" năm 1968. Sân số 2 là Sân vận động Louis Armstrong. Sân số 3 là Sân vận động Grandstand, nối liền với sân Louis Armstrong. Những sân phụ số 4, 7 và 11 mỗi sân chứa được 1000 người.

Từ năm 2005, các sân ở US Open được đổi từ màu truyền thống của sân quần vợt là màu xanh lá sang màu xanh dương để thấy bóng rõ hơn.

Nơi thi đấu khó khăn của các tay vợt
Từ 2006, các tay vợt sẽ phải thi đấu cẩn thận hơn vì các sân thi đấu đã lâp thêm các camera để tiện cho việc chiếu lại các pha bóng trong trận. Khi đó, cả cầu thủ, trọng tài và khán giả sẽ được nhìn lại pha bóng cùng một lúc. Hệ thống này truyền hình ảnh chính xác tới 92% trong vòng 5m. Các tay vợt sẽ có 2 cơ hội trong mỗi séc đấu để xem lại pha bóng gây tranh cãi. Hệ thống quay lại của máy tính sẽ được hiển thị ở trên màn hình lớn tại sân đấu, cũng như trong phòng kỹ thuật và trên truyền hình. Trong trường hợp trọng tài bắt sai, điểm số sẽ được thay đổi lại cho đúng.

Giải Quần vợt Mỹ mở rộng sẽ là giải Grand Slam đầu tiên sử dụng kỹ thuật Hawk-Eye (mắt diều hâu) trong các trận đấu – một hệ thống cho phép tái lập hình ảnh 3 chiều đường đi của trái bóng để xem lại các pha bóng gây tranh cãi. Nhờ đó, việc xác định các pha bóng trong hay ngoài sân sẽ được trọng tài bắt chính xác 100%.

Theo Wikipedia

 


Ý kiến bạn đọc