Multimedia Đọc Báo in

Đưa môn võ Vovinam vào trường học - không nên quá vội vàng

17:33, 10/09/2010

Vừa qua, Bộ Giao dục - Đào tạo đã có chủ trương đưa môn võ Vovinam vào các hoạt động ngoại khóa bắt buộc trong nhà trường phổ thông. Tuy nhiên đã có nhiều ý kiến trái chiều nhau trước vấn đề này.

Trên địa bàn tỉnh ta, võ thuật nói chung, môn Vovinam (Việt võ đạo) nói riêng đã xuất hiện từ khá lâu. Sau nhiều thăng trầm, thời gian qua Vovinam đã trở lại rất mạnh mẽ. Hội Vovinam Dak Lak ra mắt ngay sau khi Liên đoàn Vovinam Việt Nam được thành lập càng khẳng định vị trí của môn võ được nhiều người yêu thích này. Hiện trên toàn tỉnh đã có 13 chi hội, 25 CLB với trên 2 nghìn võ sinh thường xuyên sinh hoạt và luyện tập. Trong trường học, từ trước khi có chủ trương của Bộ GD-ĐT thì Vovinam đã được tổ chức dưới dạng các CLB võ thuật hoạt động rất sôi nổi, nhất là trên địa bàn huyện Ea Kar, Ea Súp, Cư M’gar, TP. Buôn Ma Thuột,…Sở GD-ĐT cũng đã có nhiều động thái khác nhau để hướng các cơ sở giáo dục trực thuộc đưa bộ môn này vào các hoạt động ngoại khóa bằng hình thức sinh hoạt CLB. Gần đây nhất, tại Hội khỏe Phù Đổng cấp tỉnh, Sở GD-ĐT đã đưa Vovinam thành một trong những nội dung thi đấu. Hay như trong các kỳ thi học sinh giỏi về TDTT thường niên vẫn đưa bộ môn này vào nội dung thi. Tuy nhiên, ông Hoàng Trọng Hiếu, chuyên viên phụ trách giáo dục thể chất của Sở GD-ĐT thừa nhận thì các hoạt động trên của ngành giáo dục cũng chỉ xem như một bước đi mang tính thăm dò, như một liệu pháp “kích cầu” giúp bộ môn này phát triển trong tầng lớp học sinh và là bước đón đầu để khi buộc phải thực hiện chủ trương thì ngành giáo dục tỉnh đã có nền tảng vững chắc. Cũng theo ông Hoàng Trọng Hiếu, chủ trương đưa bộ môn Vovinam vào trường học cũng là một chủ trương tốt góp phần giúp học sinh phát toàn diện, nhưng hiện nay ngoài Vovinam, ngành giáo dục vẫn phải tập trung vào các bộ môn thể dục cơ bản như điền kinh, bơi lội,…đây là những bộ môn không thể thiếu trong chương trình giáo dục thể chất. Do đó, nếu đưa bộ môn Vovinam vào trường học thì phải tăng số tiết dạy hoặc tổ chức thành các hoạt động ngoại khóa như lâu nay vẫn thực hiện. Hơn thế, khi đã trở thành một môn học thì những yêu cầu đáp ứng cho việc giảng dạy như cơ sở vật chất, con người – giáo viên, khung chương trình phải đạt những chuẩn mực nhất định. Tất cả những điều đó hiện nay chúng ta chưa đáp ứng được.

Võ Vovinam với những đòn thế đẹp đã thu hút đông đảo bạn trẻ tham gia luyện tập. Trong ảnh: Các võ sinh tham gia thi đấu tại giải Vovinam tỉnh Dak Lak 2010. (Ảnh: Thế Hùng)
Võ Vovinam với những đòn thế đẹp đã thu hút đông đảo bạn trẻ tham gia luyện tập. Trong ảnh: Các võ sinh tham gia thi đấu tại giải Vovinam tỉnh Dak Lak 2010. (Ảnh: Thế Hùng)
Chia sẻ về vấn đề này, ông Lê Thanh Hùng, Phó Chủ tịch Hội Vovinam Dak Lak cho rằng không nên quá vội vàng áp đặt việc đưa bộ môn vào trường học. Ông Hùng phân tích, việc dạy Vovinam ở trường học không chỉ đơn thuần rèn luyện thể chất mà quan trọng nhất là học sinh sẽ được giáo dục võ đạo, biết cách đối phó với nhiều tình huống khác bằng thái độ “nhu hòa” khi bị khiêu khích...Dạy học sinh học võ là phải dạy họ biết học võ để làm gì, sử dụng điều đó vào những tình huống như thế nào và thực tế những người học võ lại là những người ít dùng bạo lực để xử lý các tình huống trong cuộc sống. Hơn thế, Việt võ đạo đề cao tinh thần yêu nước, hướng tới sự hòa hợp, hòa đồng và hợp tác cao rộng đòi hỏi người dạy không chỉ giỏi về các đòn thế mà còn phải là những người có chuẩn mực đạo đức. Vì vậy, để có được những con người xứng đáng lên lớp không phải là một sáng một chiều mà có được. Hơn thế, đối tượng giảng dạy lại là học sinh phổ thông, lứa tuổi nhạy cảm, dễ bốc đồng nên nếu đưa vào giảng dạy một cách vội vã, thiếu bài bản thì nguy cơ phản tác dụng là rất cao. Theo ông, việc quảng bá và phát huy võ học dân tộc là điều cần thiết nhưng với điều kiện hiện nay chúng ta chỉ nên phát triển bộ môn bằng cách đẩy mạnh hoạt động của các CLB võ thuật. Trong khi đó, nhiều giáo viên dạy thể dục đã tỏ ra e ngại nếu phải thực hiện nhiệm vụ này. Theo các giáo viên, việc dạy thể dục mà đặc biệt là dạy võ, bên cạnh lý thuyết thì phải có khả năng thực hiện “thị phạm”. Nhưng thực tế đến nay, các giáo viên dạy thể dục trên địa bàn tỉnh vẫn chưa được trải qua một khóa đào tạo bài bản về bộ môn Vovinam.

Trước những khó khăn hiện nay, việc đưa bộ môn Vovinam vào trường học đang là một thách thức lớn đối với ngành giáo dục. Vì vậy, để thực hiện chủ trương trên đòi hỏi cần phải có cân nhắc kỹ lưỡng. Nên chăng, chỉ phát triển bộ môn này trong trường học dưới hình thức là các hoạt động ngoại khóa không bắt buộc nằm trong hệ thống các hoạt động ngoại khóa khác.

 

Giang Nam

 


Ý kiến bạn đọc