Multimedia Đọc Báo in

Kéo co Dak Lak tiếp tục khẳng định tầm cao

08:25, 24/10/2010

Kéo co Dak Lak gia nhập làng kéo co toàn quốc năm 2008, kể từ đó Dak Lak luôn được chọn làm đại diện cho thể thao nước nhà (trước đây là đội TP. Hồ Chí Minh) “mang dây… đi kéo xứ người” tại đấu trường khu vực. Liên tiếp 3 năm trở lại đây, kéo co Việt Nam được Liên đoàn kéo co châu Á (ATWF) đánh giá là một trong những đội mạnh của châu lục. Sự có mặt của các chàng trai, cô gái đến từ đại ngàn đã và đang vinh danh Dak Lak nói riêng, Việt Nam nói chung trên trường thế giới về môn thể thao này.

Từ trò chơi dân gian
Một thực tế dễ nhận thấy trong các dịp lễ hội của đồng bào dân tộc ít người ở Dak Lak là các môn thể thao như kéo co, đẩy gậy… được tổ chức chủ yếu để tạo không khí vui tươi, sôi nổi. Trong các cơ quan, trường học mỗi dịp hội hè, lễ cũng tổ chức thi đấu kéo co giữa tiếng hò reo, trống, chiêng rộn rã… Và khi kéo co trở thành môn thi đấu chính thức tại các giải đấu quốc gia (năm 2008), Trung tâm Huấn luyện thể thao thành tích cao tỉnh đã thành lập đội tuyển kéo co và mua sắm trang thiết bị kỹ thuật hiện đại phục vụ việc tập luyện, thi đấu từ hơn 3 năm nay. Ông Phạm Trung, Phó Giám đốc trung tâm kiêm huấn luyện viên trưởng đội tuyển kéo co Dak Lak cho biết: Hiện, đội kéo co tỉnh có 20 vận động viên (VĐV), độ tuổi trung bình từ 17-35, ngoài một số VĐV “gạo cội” ở các buôn làng còn có các VĐV trẻ tuổi được tuyển chọn tại Hội thao dân tộc thiểu số tỉnh và Hội khỏe phù đổng trong giới học sinh để bổ sung lực lượng khi cần. Hằng năm, các VĐV được triệu tập lên trung tâm để huấn luyện 4 đợt (mỗi đợt khoảng 2 tháng), được hưởng chế độ theo quy định và được tạo điều kiện học văn hóa (nếu là học sinh). Đa số VĐV là người dân tộc thiểu số, hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn nên thời gian tập luyện nhiều khi rất bất cập. Song, với nỗ lực từ VĐV đến lãnh đạo trung tâm luôn cố gắng hết mình vì thành tích của thể thao tỉnh nhà.

Đội kéo co nữ Dak Lak thi đấu tại giải vô địch kéo co châu Á (tổ chức tại Hàn Quốc) tháng 4-2010.
Đội kéo co nữ Dak Lak thi đấu tại giải vô địch kéo co châu Á (tổ chức tại Hàn Quốc) tháng 4-2010.

Đến “Mang dây... đi kéo xứ người”
Kéo co quốc tế là bộ môn thi đấu thể thao chính thức trong các kỳ Olympic từ năm 1890 đến năm 1920, hiện, nước chủ nhà Anh đang vận động đưa kéo co trở lại Olympic London 2012. Ở Việt Nam kéo co thực sự trở thành sân chơi chuyên nghiệp một vài năm trở lại đây. Khi sân chơi chuyên nghiệp trong cả nước được tổ chức cũng là lúc kéo co Dak Lak với những chàng trai, cô gái vóc dáng khỏe mạnh, những đôi tay, đôi chân cứng cáp liên tục gây ấn tượng tại giải vô địch kéo co toàn quốc năm 2008, 2009 và mới đây nhất tại Giải vô địch kéo co toàn quốc 2010 vừa kết thúc tại TP. Buôn Ma Thuột (tháng 9 vừa qua). Để có được thành công như hôm nay, anh Phạm Trung và trợ lý Mai Sỹ Hoàn, Nguyễn Ngọc Tuấn luôn trăn trở, tìm và hướng dẫn các kỹ thuật cơ bản cho đội; đồng thời học hỏi kinh nghiệm của đoàn bạn. Anh Phạm Trung nhớ lại: Năm 2008, sau khi vô địch toàn quốc, Dak Lak được chọn làm đại diện Việt Nam dự giải vô địch châu Á tại Macao (Trung Quốc). Lần đầu tiên ra nước ngoài thi đấu ai cũng lo lắng đến mất ăn mất ngủ. Nhưng, với quyết tâm vì cao, đoàn Dak Lak đã gây được ấn tượng mạnh khi đội nữ xuất sắc giành Huy chương Đồng (thứ 3/9, hạng 480 kg) sau các cô gái Đài Loan và Nhật Bản; còn đội nam xếp hạng 4/11 (hạng 600 kg) và nhanh chóng trở thành “đối thủ nặng ký” ở châu Á. Chị H’Ngoan (20 tuổi) bày tỏ: Sau này, có thể còn nhiều dịp ra nước ngoài, nhưng chuyến đi Macao (năm 2008) có lẽ là kỷ niệm đẹp và khó quên của các chị. Tháng 4 năm 2010 vừa qua, lần thứ hai kéo co Dak Lak đại diện cho Việt Nam thi đấu giải vô địch kéo co châu Á (tổ chức tại Hàn Quốc). Tuy không được đánh giá cao nhưng Dak Lak đã tạo dựng được một kỳ tích khi vượt qua 7 tên tuổi như Hồng Kông, Hàn Quốc, Iran… để bảo vệ thành công Huy chương Đồng châu Á (hạng 520 kg nữ); đội nam cũng có 8 trận thắng và đứng thứ 4 sau Nhật Bản, Đài Loan và Malaysia.

Tập thể đội tuyển kéo co Dak Lak đã 2 lần được Bộ VH-TT và DL tặng Bằng khen (2008 và 2009). Nói về hướng phát triển trong tương lai, ông Phạm Trung thổ lộ: Trung tâm sẽ tuyển chọn thêm nhiều vận động viên trẻ để bổ sung cho đội khi cần. Sắp tới đội sẽ cố gắng luyện tập để chuẩn bị cho giải vô địch châu Á năm 2012 tổ chức tại Bruney.

Thế Hùng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.