Multimedia Đọc Báo in

Bài học ASIAD 16

10:00, 27/11/2010

Kết quả đáng thất vọng tại Đại hội Thể thao châu Á lần thứ 16 (ASIAD 16) đã chỉ ra nhiều vấn đề của thể thao Việt Nam. Để tránh lặp lại những thất bại tương tự, đòi hỏi cần có sự nhìn nhận đúng đắn và có những thay đổi mạnh mẽ ở những người làm công tác thể thao.

Điều dễ nhận ra là thể thao Việt Nam khi bước ra một sân chơi lớn thường mang tâm lý “đi học hỏi, cọ xát là chính” mà mục tiêu quan trọng nhất vẫn là “ao làng” Đông Nam Á. Với “mục tiêu” ấy, có thể nói việc chuẩn bị cho giải đấu cũng thể hiện đúng ở mức tương xứng. Từ việc đội tuyển bóng bàn phải tập “chay” trước thềm một giải đấu lớn là một ví dụ. Theo kế hoạch từ đầu năm, đội tuyển bóng bàn sau khi được tập trung để trong tháng 10 sẽ có chuyến tập huấn khoảng nửa tháng tại Trung Quốc cho đến ngày khai mạc ASIAD 16. Tuy nhiên, do thủ tục làm việc với phía Trung Quốc khá phức tạp, lại có nhiều khoản kinh phí phát sinh nên phải hủy do những nguyên nhân khách quan và chủ quan chuyến tập huấn đã bị hủy bỏ. Bóng bàn Việt Nam chỉ được tập “chay” tại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Nhổn (Hà Nội). Kinh phí cho chuyến tập huấn bị hủy sẽ dồn cho đợt tập huấn (cũng tại Trung Quốc) sau khi ASIAD 16 kết thúc nhằm chuẩn bị cho Giải Vô địch Đông Nam Á tại Philippines từ ngày 10 đến 15-12. Rồi thì việc trang bị dụng cụ thi đấu cho những môn mũi nhọn, có khả năng tranh chấp huy chương cũng có điều không hợp lý. Khu vực quầy bảo hành của hãng súng thể thao Anschutz tại Trung tâm thể thao Olympic (Aoti) Quảng Châu luôn có mặt các xạ thủ Việt Nam đến sửa. Theo một chuyên gia của hãng Anschutz, súng của các xạ thủ Việt Nam đã quá lạc hậu so với các đồng nghiệp của mình. Đến chuyện đội tuyển cầu mây nam với rất nhiều hy vọng tranh chấp huy chương nhưng lại không được tham dự giải với một lý do chẳng giống ai. Với cả quá trình tập luyện rất tích cực và tham dự một số giải quốc tế nhằm chuẩn bị cho ASIAD 16 nhưng cầu mây nam lại không được tham dự vào phút chót. Nguyên nhân xuất phát từ sự chủ quan của chính Liên đoàn Cầu mây Việt Nam cũng như của cả Ban Tổ chức ASIAD 16. Theo một thành viên của Liên đoàn Cầu mây, tại lễ bốc thăm các môn thi đấu đồng đội vào ngày 7-10, liên đoàn đã cử người đại diện cho Đội tuyển cầu mây nam Việt Nam tham dự. Tuy nhiên, có thể do nhân vật này không có kinh nghiệm nên không để ý trong quá trình bốc thăm, ban tổ chức đã vô tình “quên” mất đội cầu mây nam Việt Nam. “Đau” nhất có lẽ là trường hợp của VĐV cử tạ Hoàng Anh Tuấn bị loại vào phút chót do bị nghi ngờ sử dụng doping. Thế nhưng điểm chung trong hầu hết những vụ VĐV Việt Nam dính đến doping từ trước đến nay đều do họ thiếu hiểu biết trong việc phòng, chống doping. Khi đi thi đấu xa nhà, họ đều phải tuân thủ nguyên tắc là tuyệt đối không được tự ý dùng thuốc nếu không có ý kiến của ban huấn luyện cũng như bác sĩ chuyên ngành. Nhưng nguyên tắc đó bị chính các VĐV phớt lờ khi tự ý dùng một số thuốc để chữa những bệnh thông thường như cảm cúm, sổ mũi hay một số thuốc để giảm cân, lợi tiểu mà không biết rằng trong đó có những chất trong danh mục bị cấm…như trường hợp của các VĐV Mỹ Linh, Ngân Thương trước đây.

Thất bại của đội tuyển cầu mây nữ là điển hình cho kết quả đáng thất vọng của thể thao Việt Nam tại ASIAD 16. (Nguồn: Internet)
Thất bại của đội tuyển cầu mây nữ là điển hình cho kết quả đáng thất vọng của thể thao Việt Nam tại ASIAD 16. (Nguồn: Internet)

Sự chuẩn bị hời hợt như vậy khiến thành tích của Đoàn thể thao Việt Nam không được như mong muốn là điều dễ hiểu. Thế nhưng, có một nguyên nhân khác đáng ngại hơn nữa làm ảnh hưởng mạnh mẽ đến thành tích của các tuyển thủ, đó là tâm lý thi đấu. Những Lê Quang Liêm (cờ vua), Lý Thế Vinh (billiard 3 băng), Ngô Lan Hương (cờ tướng), Nguyễn Thị Bích (wushu)… trượt vàng, hay Nguyễn Hữu Việt (bơi) lại sẩy chân, Phan Thị Hà Thanh, Phước Hưng (TDDC) lại trượt ngã. Những “niềm hy vọng vàng” của thể thao Việt Nam đã không còn là chính mình khi bước ra “biển lớn”. Tâm lý thi đấu và cả tâm lý huấn luyện đều nằm trong tâm lý của một vị thế thấp. Trong “ao làng” SEA Games, Việt Nam chẳng kém cạnh ai, kể cả Thái Lan, Singapore. Nhưng bơi ra biển châu Á, so sánh với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… Việt Nam quá nhỏ bé. Cái tâm lý tự ti đó khiến cho các kỹ thuật trở thành nặng nề, mà khát khao chiến thắng lại trở thành nóng vội. Các cầu thủ đội U23 Việt Nam thua nặng nề 2-6 trước một đối thủ không quá mạnh là Turkmenistan. Kế đến trong trận đấu với U23 Iran, với tâm lý không hy vọng có thể vượt qua vòng bảng sau thảm bại trước Turkmenistan, các cầu thủ U23 Việt Nam đã có thời điểm chơi nóng vội, buông xuôi và sẵn sàng nhận những thẻ phạt không đáng có. Tâm lý ấy gần như tương đồng với một thành viên của Đội tuyển Cầu mây nữ. Lưu Thị Thanh, VĐV chủ lực của Đội tuyển Cầu mây nữ đã phát biểu sau trận thua Thái Lan trong trận bán kết rằng nếu có vào đến trận chung kết thì cũng thua Thái Lan và cùng lắm cũng chỉ dành được HCB. Đáng nói là Đội tuyển cầu mây nữ có thừa khả năng để vượt qua Indonesia ở vòng đấu loại, qua đó có thể tránh phải gặp Thái Lan ở vòng bán kết và cửa vào trận chung kết sẽ rõ ràng hơn, nhưng tâm lý buông xuôi đã phá bỏ tất cả sự nỗ lực của các tuyển thủ.

Điểm sáng ít ỏi của Đoàn thể thao Việt Nam là  tấm HCĐ của Vũ Thị Hương ở cự ly 100m nữ và tấm HCB của Trương Thanh Hằng ở đường chạy 1500m nữ. Nhưng rồi nhìn lại lớp kế cận của điền kinh Việt Nam thì bất kỳ ai cũng cảm thấy hụt hẫng khi không có niềm hi vọng đáng kể nào. Tất cả những điều đó thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp của các tuyển thủ cũng như của cả nền thể thao Việt Nam. Sự thiếu chuyên nghiệp không chỉ biểu hiện ở các VĐV mà còn ở chính ban huấn luyện và các nhà quản lý. Chỉ nhìn sang đối thủ số 1 trong khu vực là Thái Lan cũng đã thấy được một bài học quý giá về sự chuyên nghiệp. Họ không kéo quân ồ ạt sang Quảng Châu nhưng Thái Lan luôn vượt xa chúng ta trên bảng xếp hạng, bởi họ chỉ đưa đi những VĐV có khả năng chinh phục đấu trường châu lục này. Kết quả là họ đã thi đấu đúng sức và thật sự hiệu quả. Khác hoàn toàn với chúng ta, ra “biển” cọ xát để rồi trở về phục vụ mục đích chinh phục sân chơi khu vực dù biết nhiều gương mặt chưa đủ khả năng tham dự sân chơi khắc nghiệt này. Vì vậy, ngay từ bây giờ cần có những quyết sách, hoạch định đúng hướng của các nhà quản lý cùng sự nỗ lực không ngừng của các VĐV mới có thể vực dậy nền thể thao Việt Nam sau thất bại này.

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nâng cao vai trò, tiếng nói của phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Buôn Đôn
Sau 3 năm triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: 2021 - 2025 đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Buôn Đôn.