Bước chuyển mạnh mẽ của Thể thao quần chúng huyện Krông Bông
Trong những năm qua, cùng với những chuyển biến tích cực về kinh tế - xã hội, phong trào TDTT quần chúng tại huyện Krông Bông cũng không ngừng phát triển. Đoàn thể thao của huyện luôn là một đối thủ lớn mỗi khi tham dự các giải đấu thể thao của tỉnh. Để có được vị thế đó, với một huyện đang còn nhiều khó khăn như Krông Bông, đòi hỏi phải có sự nỗ lực rất lớn cộng với những bước đi phù hợp.
Trước hết là việc đẩy mạnh việc phát triển rộng khắp phong trào tập luyện TDTT trong mọi tầng lớp nhân dân. Phong trào TDTT từ cấp xã, thị trấn đến cấp huyện luôn diễn ra sôi nổi, rộng khắp và trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong đại bộ phận tầng lớp nhân dân. Hàng trăm hoạt động TDTT được tổ chức, trong đó mỗi năm tổ chức gần 10 giải cấp huyện, mỗi xã tổ chức 3-4 giải cấp xã với nội dung thi đấu phong phú như bóng đá, bóng chuyền, kéo co, đẩy gậy. Các hội thi thể thao dân tộc được tổ chức thường xuyên, phong trào tập luyện TDTT trong cán bộ công nhân viên chức, lực lượng vũ trang và học sinh được duy trì thường xuyên. Và đặc biệt là cứ định kì 5 năm một lần, đại hội TDTT toàn huyện được tổ chức. Các hoạt động phong phú ấy đã thu hút đông đảo người dân tham gia, tạo ra một phong trào thi đua sôi nổi giữa các địa phương, các cơ quan, ban, ngành trong huyện. Nhờ đó, đến nay, số người tập luyện TDTT thường xuyên trên địa bàn huyện đạt trên 27% dân số và thường xuyên tăng thêm.
Giải bóng đá truyền thống huyện Krông Bông năm 2010. (Ảnh: Ngọc Sơn) |
Bên cạnh đó, huyện cũng đẩy mạnh phát triển TDTT hướng về cơ sở, đặc biệt là chú trọng đến các thôn, buôn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Việc TDTT hướng mạnh về cơ sở là nền tảng cơ bản, vững chắc để phong trào TDTT của huyện vươn lên một tầm cao mới. Từ trong phong trào, nhiều gương mặt tiềm năng đã được phát hiện, bồi dưỡng và đã có nhiều đóng góp cho thành tích của TDTT huyện Krông Bông. Ngoài ra, thông qua việc tổ chức các hoạt động TDTT tại các thôn buôn, có cơ sở để tìm ra điểm mạnh, tiềm năng của mỗi địa phương, từ đó xác định những chiến lược đầu tư có trọng điểm. Chẳng hạn, thị trấn Krông Kmar, xã Hòa Lễ, xã Hòa Thành đặc biệt mạnh về đua xe đạp thì ngành TDTT của huyện đầu tư và động viên các địa phương này duy trì và đẩy mạnh phong trào tập luyện bộ môn này, và đây cũng là nòng cốt của đội đua xe đạp huyện khi tham gia các giải đấu ở cấp cao hơn. Hay như, xã Yang Mao luôn là đại diện của huyện trong môn đua cà kheo, xã Yang Kang lại mạnh về đẩy gậy,…
Bên cạnh đầu tư về vật chất, việc đầu tư về con người làm công tác TDTT tại cơ sở cũng được quan tâm đúng mức. Đến nay 14/14 xã, thị trấn trong huyện đều có các hướng dẫn viên TDTT đã được trải qua các lớp tập huấn chuyên môn. Nhờ vậy, các giải đấu ngay từ cấp xã đã được tổ chức thi đấu bài bản, tạo sự cọ xát nghiêm túc, thường xuyên. Khi tham dự các giải cấp cao hơn, các VĐV không quá ngỡ ngàng cũng như không hề phạm phải những lỗi sơ đẳng do không nắm được luật trong thi đấu. Gần đây nhất, đội đua xe đạp của huyện chỉ chịu đứng sau đoàn TP. Buôn Ma Thuột khi đoạt giải nhì chung cuộc tại giải đua xe đạp về nguồn năm 2010.
Anh Nguyễn Ngọc Hiếu, cán bộ phụ trách mảng TDTT, Phòng Văn hóa Thông tin huyện Krông Bông chia sẻ, mặc dù đã có những bước phát triển vượt bậc, nhưng phong trào TDTT huyện Krông Bông vẫn còn nhiều hạn chế. Anh cho rằng, để duy trì và phát triển mạnh hơn nữa phong trào TDTT của huyện, bên cạnh sự nỗ lực của những người làm công tác TDTT, cần có sự quan tâm đầu tư hơn nữa của các cấp chính quyền cũng như của ngành TDTT cấp trên. Hiện cơ sở vật chất phục vụ tập luyện và thi đấu vẫn còn quá thiếu thốn đã ảnh hưởng không nhỏ đến phong trào TDTT của huyện.
Ý kiến bạn đọc