Multimedia Đọc Báo in

“Luồng gió mới” cho thể thao Ea H’leo

09:25, 22/03/2011

Thời gian gần đây, việc xuất hiện hàng loạt sân bóng đá mini cỏ nhân tạo ở địa phương đã giúp cho các tín đồ môn “thể thao Vua” thỏa niềm đam mê với trái bóng tròn. Cùng với đó, môn thể thao dân tộc - bắn nỏ cũng nhận được sự quan tâm, đầu tư của các cấp chính quyền và đặc biệt, môn này còn được đưa vào giảng dạy chính khóa trong trường phổ thông. Việc đưa vào tập luyện các môn thể thao dân tộc, truyền thống không chỉ để phát huy thế mạnh của địa phương mà còn góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc. Từ trước đến nay, bắn nỏ luôn được xem là môn thể thao thế mạnh của Ea H’leo ở mọi giải đấu cấp tỉnh. Môn thể thao này đã và đang lôi cuốn được rất nhiều người dân trên địa bàn huyện tham gia tập luyện, thi đấu. Đặc biệt, môn bắn nỏ còn được UBND huyện cho thành lập CLB bắn nỏ. Hiện nay, CLB bắn nỏ của huyện đang duy trì tập luyện nhằm đào tạo vận động viên có chất lượng cho huyện và tỉnh trong các giải đấu khu vực và quốc gia.

Bắn nỏ luôn là môn thể thao thế mạnh của Ea H'leo (Trong ảnh: Thầy Nguyễn Văn Yên (phải) đang hướng dẫn cho các học sinh kỹ thuật bắn nỏ).
Bắn nỏ luôn là môn thể thao thế mạnh của Ea H'leo (Trong ảnh: Thầy Nguyễn Văn Yên (phải) đang hướng dẫn cho các học sinh kỹ thuật bắn nỏ).

Bên cạnh phát huy thế mạnh ở các môn thể thao thành tích cao, thể thao quần chúng tại Ea H’leo cũng đang phát triển rầm rộ khi các sân bóng đá mini cỏ nhân tạo được xây dựng, đưa vào sử dụng và đã trở thành điểm đến của các đội bóng phong trào tại địa phương. Sự xuất hiện của các sân bóng cỏ nhân tạo phần nào giải quyết được tình trạng thiếu sân chơi của một bộ phận lớn thanh thiếu niên nông thôn. Các đội bóng đến đây không chỉ nhằm mục đích tập luyện duy trì sức khỏe mà còn có điều kiện giao lưu với các đội bóng khác. Đến nay, toàn huyện Ea H’leo có 13 sân bóng đá mini cỏ nhân tạo được xây dựng theo đúng tiêu chuẩn (sau TP. Buôn Ma Thuột với hơn 33 sân). Hằng ngày, tại các sân bóng đá này có hàng trăm lượt người đến đăng ký chơi bóng và nhờ đó, phong trào chơi bóng ở các cơ quan, đơn vị trở nên sôi nổi hơn. Các giải đấu cũng thường xuyên được tổ chức đã tạo động lực cho các cầu thủ nghiệp dư tích cực tập luyện. Anh Lê Phi Sơn, chủ sân bóng đá mini cỏ nhân tạo FiFa (tổ dân phố 8, thị trấn Ea Drăng) cho hay: “Là người đam mê thể thao, tôi nhận thấy các em ở đây rất mê bóng đá nhưng lại thiếu sân bóng nên gia đình tôi đã đầu tư hơn 1,5 tỷ đồng để xây dựng sân vừa dùng để kinh doanh, vừa phục vụ cộng đồng”. Một nhân tố quan trọng nữa giúp cho thể thao Ea H’leo phát triển đó là sự quan tâm, hỗ trợ của huyện về kinh phí để nâng cấp và xây dựng mới cơ sở vật chất phục vụ cho việc tập luyện và thi đấu. Chẳng hạn, mới đây, huyện đã đầu tư hơn 5 tỷ đồng để nâng cấp và sửa chữa lại Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện để làm nơi vui chơi, giải trí và rèn luyện sức khỏe cho thanh thiếu niên tại địa phương. Ngoài ra, ngành TDTT Ea H’leo còn thành lập mới một số Câu lạc bộ (CLB) như: CLB Taekwondo, CLB Karatedo, CLB Vovinam,… tạo điều kiện thuận lợi cho các tầng lớp nhân dân tham gia tập luyện. Các CLB cũng thường xuyên tuyển chọn lực lượng VĐV để tham gia thi đấu cọ sát tại các giải đấu do tỉnh tổ chức, nên chất lượng chuyên môn trong thi đấu khá cao.

Ông Nguyễn Tấn Đức, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Ea H’leo cho biết: “Những tiền đề trên sẽ là động lực để đưa phong trào TDTT Ea H’leo tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn trong những năm tới. Đối với môn thể thao mũi nhọn là bắn nỏ thì chúng tôi sẽ thường xuyên đưa vào tập luyện để sẵn sàng tham dự các giải đấu ở cấp khu vực và toàn quốc. Với sự quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ của các cấp chính quyền, đến nay phong trào tập luyện TDTT ở các xã, thị trấn trong huyện cũng không ngừng phát triển, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của thể thao huyện nhà”.  

Thế Hùng

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nâng cao vai trò, tiếng nói của phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Buôn Đôn
Sau 3 năm triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: 2021 - 2025 đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Buôn Đôn.