Multimedia Đọc Báo in

Sống cùng đam mê võ học dân tộc

22:02, 16/04/2011

Võ sư Trần Bảo là một trong ba người đầu tiên của tỉnh ta đạt đến đẳng Võ sư Cao đẳng cấp 18, cao nhất trong phân cấp của võ cổ truyền (hai người còn lại là võ sư Đặng Kim Tịnh và võ sư Xuân Bình). Khi chiêm ngưỡng những động tác uyển chuyển, nhanh nhẹn, nhưng cũng đầy khí chất dũng mãnh, quật cường của các bài quyền, bài binh khí, ít ai nghĩ rằng nay ông đã gần 65 tuổi.

Là một trong những hậu duệ xuất sắc của Hệ phái Tây Sơn – Bình Định, năm 1968 chàng trai trẻ Trần Bảo đặt chân lên mảnh đất Tây Nguyên. Phiêu dạt nhiều nơi, cuối cùng ông chọn huyện Krông Ana làm quê hương thứ hai của mình và định cư đến nay. Trong bộn bề của cuộc sống, sự xoay vần của thời cuộc, ông đã trải qua nhiều công việc khác nhau để tồn tại,  nhưng niềm đam mê võ học luôn như cuồn cuộn trong huyết quản người võ sư này. Để nuôi niềm đam mê, năm 1982, ông thành lập võ đường Minh Kim Bảo để truyền dạy võ học cổ truyền. Từ võ đường này, nhiều thế hệ võ sinh đã trưởng thành không chỉ về võ thuật mà còn hoàn thiện cả về nhân cách. Nói về võ học, ông Bảo hào hứng: võ cổ truyền Bình Định thời Tây Sơn là sự kết tinh và hòa quyện cao độ giữa các dòng võ, môn võ, phái võ khác nhau (của người bản địa, võ từ Bắc Hà vào…) tạo nên sức mạnh tổng hợp, chắt lọc tìm ra cái tinh túy nhất để bồi đắp, bổ sung vào kho tàng võ học chân truyền của dân tộc. Hơn thế với người học võ, võ cổ truyền luôn đề cao võ đạo, còn gọi là cái đạo của người học võ. Ngoài những đức tính mà con người đề cao trong rèn luyện đạo đức là nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, võ đạo còn thể hiện ở các mặt truyền thống thượng võ, chống ngoại xâm; uống nước nhớ nguồn; trọng nhân nghĩa... Bởi vậy, với bất kỳ môn sinh nào, ở thời điểm nào ông đều đặt việc học võ đạo lên trên tất cả. Ông tâm sự: “Tôi hiểu học trò của tôi hơn ai hết. Tuổi trẻ bồng bột, lại thêm chút võ vẽ trong người mà nếu không đề cao võ đạo thì rất nguy hiểm”.

Võ sư Trần Bảo đang hướng dẫn võ sinh tại Nhà Văn hóa huyện Krông Ana.
Võ sư Trần Bảo đang hướng dẫn võ sinh tại Nhà Văn hóa huyện Krông Ana.

Tuy tuổi đã cao nhưng võ sư Trần Bảo vẫn ngày ngày truyền dạy tinh hoa võ học cho các đệ tử. Hiện nay, võ sư có hai điểm tập với hơn 70 võ sinh thường xuyên tập luyện. Ông luôn tận tâm uốn nắn từng động tác, từng thế quyền. Võ sư Trần Bảo quả quyết, đến với ông là phải là những võ sinh thật sự đam mê võ học. Ông không nề hà chuyện tiền bạc bởi ông coi đó là sự phù phiếm sẽ mất đi, chỉ những tinh hoa võ học được các võ sinh tiếp nhận mới là giá trị trường tồn. Võ Bình Định nói riêng và võ cổ truyền Việt Nam nói chung đã dần dần khẳng định được “thương hiệu” trong hệ thống võ thuật của khoảng 30 nước trên thế giới với hàng chục hệ phái khác nhau. Điều làm võ sư trăn trở mãi là làm thế nào để võ Tây Sơn - Bình Định vượt qua thăng trầm của thời gian, các môn sinh có thể thấm nhuần lý luận và hơi thở của đất tổ. Ông luôn phải lo lắng vì trong rất nhiều môn đệ của mình, hiếm có người nào đủ ý chí để mang “nghiệp võ” vào thân. Càng trăn trở, ông càng say với võ học dân tộc.

Nói về võ sư Trần Bảo, Phó trưởng phòng VHTT huyện Krông Ana Lương Thế Hằng lộ rõ sự khâm phục về niềm đam mê, nhiệt huyết với võ học của ông. Ông Hằng cho rằng chính niềm đam mê của võ sư Trần Bảo đã góp phần quan trọng gây dựng phong trào tập luyện võ học dân tộc nói riêng, phong trào tập luyện TDTT trên địa bàn huyện nói chung. Cũng thật vui khi niềm đam mê ấy đã được anh Trần Mạnh Nhân, con trai thứ của ông lĩnh hội đầy đủ. Anh là một trong những võ sư triển vọng của hệ phái Tây Sơn – Bình Định, hiện đang sinh hoạt tại CLB Võ thuật Khánh Hòa. Với những người đam mê như cha con võ sư Trần Bảo thì những đường quyền thanh thoát uyển chuyển, những pha ra đòn mạnh mẽ đầy uy lực của võ học dân tộc sẽ còn mãi với thời gian.

 

Giang Nam

 


Ý kiến bạn đọc