Người võ sư tâm huyết với Vovinam
Đầu những năm 1990, phong trào tập luyện võ thuật trong thanh niên học sinh tại TP. Buôn Ma Thuột rộ lên mạnh mẽ. Nhiều môn phái, võ đường đã được mở ra, tập trung nhiều nhất là khu vực gầm khán đài sân vận động Buôn Ma Thuột. Trong khi nhiều bạn bè cùng trang lứa lựa chọn những môn phái khác thì Lê Thanh Hùng lại chọn Vovinam. Anh tâm sự, anh đến với môn Vovinam như một cái duyên vậy. Đó là năm 1990, được dịp chứng kiến một buổi biểu diễn môn Vovinam tại Nhà Văn hóa tỉnh, anh bị những đòn thế lạ mắt, uy dũng và hiệu quả của môn võ này mê hoặc. Khi đã chính thức gia nhập hàng ngũ Vovinam thì tinh thần võ đạo của môn phái đã thuyết phục anh hoàn toàn. Thế nên, ban đầu tưởng rằng chỉ luyện tập cho vui nhưng ngày làm lễ nhập môn đã để lại một ấn tượng nhớ mãi trong anh. Lần đầu tiên anh hiểu thế nào là “nghiêm lễ”, biết được tấn pháp là gì, và ý nghĩa của hai chữ “Võ đạo”… Đặc biệt, anh Hùng rất mê “triết lý cây tre” của võ Việt, một loại cây vừa mềm mại vừa uyển chuyển, không sống đơn độc mà quần tụ thành từng bụi lớn để cùng che chở, chống đỡ phong ba, bão tố. Hiểu được hình tượng cây tre là lĩnh hội được nguyên lý “Cương nhu phối triển” của Việt Võ Đạo, thấu triệt được lẽ cứng, mềm trong ứng xử thường ngày. Với sự đam mê cộng với năng khiếu võ thuật sẵn có, kỹ thuật Vovinam của anh đã sớm thăng hoa. Chỉ ba năm sau, anh đã cùng với võ sĩ Lê Văn Hùng (hiện đang là phụ tá cho thầy Nguyễn Văn Sen tại Văn phòng Tổ đường Vovinam tại TP. Hồ Chí Minh) trở thành phụ tá cho thầy Trưởng bộ môn Vovinam tại Dak Lak Lê Hữu Đức. Và đến năm 1995, anh đã được tín nhiệm phụ trách kỹ thuật của bộ môn Vovinam tại Dak Lak. Năm 2007, khi Hội Vovinam tỉnh Dak Lak được thành lập thì anh trở thành Phó Chủ tịch phụ trách phong trào của hội. Với nhiệt huyết của mình, năm 2010 anh đã vinh dự nhận Bằng khen của Liên đoàn Vovinam Việt Nam.
Trong giới võ thuật, nhất là trong môn phái Vovinam tại Dak Lak, nhiều người biết đến anh với bài quyền “Thập thế bát thức quyền”. Đó cũng lại là một cơ duyên khác. Ấy là trong chuyến thi đấu tại Giải Vô địch Vovinam toàn quốc lần thứ II tại TP. Hồ Chí Minh, anh được bộ môn phân công thi đấu đối kháng. Trong trận đấu với một võ sĩ miền Tây Nam Bộ, anh đã có cú đánh trúng mặt đối phương, khiến anh này chảy máu mũi. Với võ sĩ khác thì đó có thể là một sự thành công nhưng với anh thì khác. Thấy thương đối phương khi trúng đòn của mình, anh đã không tiếp tục trận đấu nữa. Kể từ đó anh không tham gia bất kỳ trận đấu đối kháng nào mà chuyển hẳn sang rèn luyện các bài quyền.
Anh Lê Thanh Hùng (bên trái) đang hướng dẫn võ sinh tại huyện Ea Súp |
Không chỉ đam mê tập luyện, anh tâm niệm, Việt Võ đạo là một di sản quý báu mà ông cha ta để lại, vì thế cần phải gìn giữ và phát huy. Muốn phát huy được nó thì phải phổ cập sâu rộng cho tất cả mọi người. Vì vậy, từ năm 1994 đến năm 1998, khi theo học tại Đại học Sư phạm Quy Nhơn anh vẫn làm phụ tá cho thầy Nguyễn Văn Bính, phụ trách hai điểm tập tại trụ sở Công an phường Ngô Mây và bãi biển Eo Nín Thở (TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định). Và cứ mỗi dịp hè về lại Dak Lak, anh lại cùng đồng môn đi biểu diễn và giảng dạy ở khắp nơi trong tỉnh. Sau khi tốt nghiệp đại học về làm công tác giảng dạy tại huyện Ea Kar, anh lại tiếp tục cùng với Chi hội Vovinam Ea Kar gây dựng phong trào tại đây. Hiện nay, dẫu bận rộn với công tác của một cán bộ quản lý (anh Hùng hiện là Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Dak Lak), nhưng cứ có chút thời gian là anh lại đến các điểm tập trong tỉnh để truyền dạy môn võ này.
Nghiệp võ đến với mỗi người mỗi khác. Không nổi bật, thành danh trên sàn đấu nhưng với anh Lê Thanh Hùng thì quảng bá hình ảnh, gây dựng phong trào cho môn võ cổ truyền của dân tộc đã trở thành tâm nguyện sau bao năm gắn bó với Vovinam. Anh chỉ có một mong muốn là đề án đưa Vovinam vào trường học của Bộ GD-ĐT sớm được thực hiện trên địa bàn tỉnh Dak Lak.
Giang Nam
Ý kiến bạn đọc