Multimedia Đọc Báo in

Đội tuyển Việt Nam tại AFF cup 2012: Ngao ngán...

09:57, 30/11/2012

Rất nhiều hy vọng được đặt lên đội tuyển Việt Nam trước khi AFF cup 2012 diễn ra. Thế nhưng hy vọng bao nhiêu thì thất vọng lại nhiều bấy nhiêu. Mặc dù đang còn một trận đấu phía trước nhưng cánh cửa vào bán kết của đội tuyển Việt Nam dường như đã đóng sập.

Bóng đá Việt Nam cần có một cuộc “cách mạng” thực sự.
Bóng đá Việt Nam cần có một cuộc “cách mạng” thực sự.

Rõ ràng thất bại của đội tuyển ở giải đấu này đã một lần nữa phản ánh một nền bóng đá đang xuống cấp thê thảm từ chất lượng chuyên môn đến con người. Bởi đội tuyển quốc gia là tấm gương phản ảnh rõ nhất nội lực của một nền bóng đá. Ở đây không bàn nhiều đến chất lượng chuyên môn của các cầu thủ Việt Nam. Bởi như ta đã biết các cầu thủ trong đội hình xuất phát của đội tuyển Việt Nam ở hai trận đấu vừa qua đến từ 7 CLB khác nhau mà 4 trong số đó lại đến từ Khatoco Khánh Hòa và 2 của CLB Bóng đá Hà Nội - hai đội bóng suýt xuống hạng ở mùa giải vừa qua. Một Công Vinh lĩnh ấn tiên phong trong vai trò ghi bàn nhưng trong suốt thời gian có mặt trên sân ở hai trận đấu vừa qua lại không có lấy một cú dứt điểm; Thành Lương, Tấn Tài, Quốc Anh vẫn cày ải nhưng không (hay không muốn) tìm thấy đồng đội để chuyền bóng; Trọng Hoàng căng cứng bởi dường như anh chẳng biết mình đang đóng vai trò gì trong sơ đồ thi đấu...Với một đội hình như vậy thì rất khó cho HLV Phan Thanh Hùng làm được điều tốt hơn.

Thế nhưng điều mà người hâm mộ bóng đá Việt Nam thất vọng nhất là trong suốt chiều dài lịch sử bóng đá Việt Nam có lúc mạnh, lúc yếu khác nhau, nhưng chưa bao giờ lại trình diễn một bộ mặt bạc nhược đến như vậy. Có thể dễ dàng nhận thấy, ở hai trận đấu vừa qua Myanmar rồi Philippines không hề giấu giếm ý định chia điểm khi đối mặt với đội tuyển Việt Nam. Ý đồ của đối thủ là quá rõ, nhưng HLV Phan Thanh Hùng vẫn không có sự điều chỉnh nào trong lối chơi mà vẫn đá thận trọng, những đợt tấn công hầu như đơn lẻ, không có sự tham gia của nhiều cầu thủ. Điều đáng nói là trong tình thế bế tắc, đội tuyển Việt Nam vấn trung thành đá với 1 tiền đạo duy nhất mà không dám mạnh dạn thay đổi lối chơi. 180 phút thi đấu mà không có lấy cơ hội ăn bàn nào ngoài những cú sút bóng cá nhân may rủi, không có màn trình diễn nào ấn tượng, bài bản từ khâu tổ chức đến kỹ thuật chạy bóng và kết thúc đường bóng khiến cho đối phương phải co cụm chống trả. Đã có rất nhiều chuyên gia cho rằng, lối chơi dựa trên sơ đồ chiến thuật 4-5-1 của HLV Phan Thanh Hùng là thiếu hợp lý. Thậm chí nhiều người còn cho rằng ông Hùng đã bảo thủ, trước sau như một chỉ trung thành với lối chơi đó, không một chút biến hóa.

Bên cạnh việc điều chỉnh lối chơi thiếu linh hoạt hay nói đúng hơn là quá cầu toàn của ban huấn luyện, một vấn đề khác là thái độ thi đấu của các tuyển thủ. Ở các trận đấu chuẩn bị, đôi chân các tuyển thủ thanh thoát bao nhiêu thì bước vào giải đấu chính thức, họ lại thi đấu tệ hại bấy nhiêu. Nhiều người cho rằng các tuyển thủ không đạt được "điểm rơi phong độ", nhưng nếu nói chính xác hơn là các tuyển đã không thể hiện hết ý chí chiến đấu của mình. Khi đội tuyển chưa chốt danh sách chính thức, các cầu thủ phải phấn đấu hết mình mới có thể có mặt trong đội hình. Và khi đã "yên vị" rồi (vị trí trong đội tuyển quốc gia đồng nghĩa với "thương hiệu" của cầu thủ cũng được nâng lên) thì không còn mục tiêu phấn đấu. Điều đó, với người yêu bóng đá Việt Nam, thật khủng khiếp nhưng chẳng thể hy vọng gì hơn vào những con người như vậy. Đây là hậu quả của một chu kỳ phát triển bong bóng của nền bóng đá Việt Nam.

Quả thực, xem đội tuyển quốc gia thi đấu dẫu thua nhưng còn điều gì đó tiếc nuối mới tự hào về đội tuyển. Thế nhưng với một đội tuyển tập hợp những công thần thiếu lửa vì màu cờ sắc áo thiếu bản lĩnh trận mạc thì dẫu trên lý thuyết, Việt Nam vẫn còn cơ hội vào vòng trong, nhưng không biết liệu có ai còn muốn xem đội tuyển Việt Nam đá trận cuối cùng gặp Thái Lan hay không. Và chắc chắn sau giải đấu này, những nhà quản lý bóng đá lại ngồi bàn bạc rút kinh nghiệm và đưa ra một nguyên nhân nào đó. Thế nhưng phải nói rằng, các cầu thủ hay huấn luyện viên không có lỗi nhiều, cái sâu xa là những người có quyền quyết định đã khiến trình độ bóng đá nước nhà quay về hơn chục năm trước có dám nhìn thẳng vấn đề hay không.

Quốc Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.