Multimedia Đọc Báo in

Điền kinh Dak Lak mong hái quả ngọt

08:22, 18/01/2013

Những năm gần đây, bộ môn điền kinh được xem là điểm sáng của thể thao thành tích cao Dak Lak. Đoàn vận động viên (VĐV) đội tuyển điền kinh tuy lực lượng mỏng nhưng khi tham gia các giải đấu khu vực, quốc gia, quốc tế đều gặt hái thành tích ấn tượng. Năm 2012, riêng bộ môn này giành được 12 huy chương tại các đấu trường.

Các VĐV đội tuyển điền kinh tỉnh luyện tập .
Các VĐV đội tuyển điền kinh tỉnh luyện tập .

Đội tuyển điền kinh Dak Lak được thành lập từ cuối năm 1995 trong điều kiện thiếu thốn trăm bề, các VĐV không được đầu tư bài bản, chỉ thuộc dạng “phong trào” nên khó gặt hái huy chương tại những giải đấu tầm cỡ. Những người làm công tác TDTT đã sớm nhận ra tiềm năng thế mạnh ở bộ môn thể thao này khi đa phần VĐV đều có tố chất là sức khỏe, sự dẻo dai và nhanh nhẹn, nhưng để điền kinh gặt hái huy chương, nhanh chóng bắt kịp địa phương bạn thì phải đầu tư dài hơi để VĐV được tích lũy kinh nghiệm, rèn bản lĩnh thi đấu. Thời gian đầu, cơ sở vật chất thiếu thốn, sân bãi không bảo đảm tiêu chuẩn nhưng thầy và trò vẫn miệt mài tập luyện với mong muốn một ngày không xa điền kinh sẽ làm rạng danh thể thao đỉnh cao của Dak Lak. Sau thời gian huấn luyện, các VĐV đã bắt đầu có những bước khởi đầu quan trọng, trong đó, VĐV Trần Văn Thắng đạt thành tích nổi trội. Trong sự nghiệp thể thao đỉnh cao của mình, anh đã mang về cho thể thao Dak Lak 56 huy chương tại các giải điền kinh trong nước và 3 lần liên tiếp tham gia các kỳ SEA Games (22, 23, 24) giành được 2HCB, 1HCĐ. Thắng còn phá kỷ lục quốc gia ở cự ly 3.000m, vượt chướng ngại vật với thành tích 9 phút 32,5 giây tại Giải điền kinh TP. Hồ Chí Minh mở rộng năm 2000. Năm 2012 là năm ghi dấu ấn đậm nét của điền kinh Dak Lak khi VĐV H’Đin Niê giành HCB Giải vô địch điền kinh trẻ Đông Nam Á ở nội dung đồng đội nữ cự ly 4.000m tiếp sức nữ cùng các VĐV Nguyễn Thị Huyền, Nguyễn Thị Trang và Lê Bình Định. Điền kinh Dak Lak còn có những VĐV tiềm năng đã và đang cống hiến sức mình cho thể thao nước nhà như: VĐV Ngô Đăng Thanh vừa mới được triệu tập bổ sung lực lượng đội tuyển quốc gia chuẩn bị cho SEA Games 27 tổ chức vào cuối năm 2013 và đã từng được đi tập huấn tại Trung Quốc (Thanh là VĐV đã từng giành HCV tại giải điền kinh học sinh Đông Nam Á năm 2011 ở cự ly 800m). Chỉ tính riêng năm 2012, điền kinh Dak Lak giành được 12 huy chương các loại (3 HCV, 5 HCB và 4 HCĐ)… Hiện đội tuyển điền kinh tỉnh có 12 VĐV (5 nữ, 7 nam), trong đó có 2 Kiện tướng quốc gia và 4 VĐV Cấp độ 1. Các VĐV trong đội tuyển ở nhiều độ tuổi khác nhau, toàn bộ ở nội trú, ăn uống tập trung và được hưởng chế độ luyện tập của VĐV. Bộ môn điền kinh luôn nhận được sự quan tâm đầu tư đặc biệt từ ngành thể thao. Phó Giám đốc Trung tâm Huấn luyện TDTT tỉnh Phạm Trung không giấu được niềm vui cho biết: "Thành tích mà các VĐV đội tuyển điền kinh tỉnh nhà đạt được trong thời gian gần đây là kết quả đầu tư đúng đắn của thể thao thành tích cao. Chưa dám nói là chúng ta sẽ trở thành một trung tâm mạnh về điền kinh nhưng tôi nghĩ rằng những VĐV này sẽ còn tiến xa hơn nữa trong các giải đấu sắp tới nếu được quan tâm và thi đấu đúng phong độ. Nhiệm vụ trọng tâm của đội tuyển điền kinh trong năm 2013 là chuẩn bị lực lượng cho Đại hội TDTT toàn quốc năm 2014 nên ngay từ bây giờ các HLV đã tính đến bước trẻ hóa lực lượng VĐV, đi các huyện nhằm phát hiện VĐV năng khiếu độ tuổi học sinh thông qua các cuộc thi thể thao để triệu tập cho đội tuyển…”

Hiện nay đội tuyển điền kinh đang nghỉ “dưỡng sức” sau một mùa giải nhiều áp lực, sau Tết Nguyên đán Quý Tỵ lại bước vào guồng quay hối hả chuẩn bị cho những giải đấu quan trọng trong năm 2013 và những năm tiếp theo. Hy vọng với tố chất của VĐV cùng sự quan tâm đúng mức của ngành TDTT, điền kinh Dak Lak sẽ phát huy thế mạnh và gặt hái được nhiều “trái ngọt” cho thể thao tỉnh nhà.

Thế Hùng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.