Multimedia Đọc Báo in

Những gương mặt “vàng” của thể thao Dak Lak

23:02, 10/02/2013

Thể thao Dak Lak ghi dấu ấn năm 2012 với những vận động viên tài  năng “tỏa sáng” tại nhiều giải đấu lớn trong nước và quốc tế, mang vinh quang về cho quê hương, đất nước. Ít ai biết rằng đằng sau hào quang những tấm huy chương, các vận động viên họ đã phải đánh đổi biết bao công sức khổ luyện…

Nguyễn Viết Mạnh - “Chàng béo” của cử tạ Dak Lak

Đến Trung tâm Huấn luyện TDTT tỉnh, chúng tôi được giới thiệu một gương mặt triển vọng của thể thao thành tích cao Dak Lak, một trong những trụ cột của đội tuyển cử tạ tỉnh chuẩn bị cho Đại hội thể dục thể thao (TDTT) toàn quốc lần thứ IX năm 2014, đó là lực sĩ Nguyễn Viết Mạnh (SN 1990, hạng 105kg nam). Ấn tượng đầu tiên khi tiếp xúc với Mạnh là một thân hình vạm vỡ, cơ bắp cuồn cuộn, rắn rỏi, được mọi người trong trung tâm gọi với biệt danh thân thiết “Chàng béo”. Là con đầu trong một gia đình có 3 anh, em trai ở thôn 4, xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột, Mạnh bước chân vào làng thể thao thành tích cao chỉ tình cờ khi dự thi Hội khỏe Phù Đổng tỉnh và bất ngờ giành HCV môn cử tạ. Với thành tích ấn tượng đó, Mạnh “bắt duyên” với môn cử tạ khi lọt vào “mắt xanh” của các nhà chuyên môn và được gọi tập trung đội tuyển cử tạ của tỉnh. Ở tuổi 22, Nguyễn Viết Mạnh đã đoạt hàng chục huy chương tại các đấu trường khu vực và quốc gia, tiêu biểu như: Năm 2009, lần đầu tiên tham dự giải Cử tạ trẻ toàn quốc đã bất ngờ giành HCĐ. Năm 2011 tham gia Giải Cử tạ TP. Hồ Chí Minh mở rộng và giành thêm 2 chiếc HCĐ nữa cho thể thao Dak Lak. Đến nay, Mạnh liên tiếp giành những thành tích đáng khâm phục và được đánh giá là gương mặt triển vọng ở hạng cân 105kg. Tại giải Vô địch Cử tạ toàn quốc năm 2012 (tổ chức tại TP. Hải Phòng), Mạnh thi đấu nội dung cử giật và cử đẩy hạng cân 105kg cùng với 8 VĐV đến từ các tỉnh thành, thành phố, trong đó có cả những địa phương có thế mạnh về cử tạ như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh…

Lực sĩ Phạm Viết Mạnh tập luyện cử tạ tại Trung tâm Huấn luyện TDTT tỉnh.
Lực sĩ Phạm Viết Mạnh tập luyện cử tạ tại Trung tâm Huấn luyện TDTT tỉnh.

Với chiến thuật thi đấu hợp lý và tâm thế tự tin, Mạnh đã từng bước chinh phục các mức tạ và giành chiến thắng tuyệt đối với tổng cử 277kg. Nguyễn Viết Mạnh khiêm nhường khi tâm sự về nghề: “Cử tạ là một trong những môn tập luyện nặng nhọc, vất vả nhất hiện nay. VĐV phải tập luyện thường xuyên từ thứ hai đến thứ bảy hàng tuần. Trước khi tham dự giải gần 2 tháng, lịch tập kín cả tuần. Một buổi tập, VĐV mất rất nhiều sức, trung bình cơ thể nâng từ 2 - 3,5 tấn, do đó khó tránh khỏi nguy cơ bị chấn thương. Mong muốn lớn nhất của em lúc này là sẽ nâng cao thành tích thi đấu của chính mình ở những giải tiếp theo”.

“Tia chớp trên đường đua”

Đến tận bây giờ, H’Đin Niê vẫn chưa nguôi niềm hạnh phúc khi lần đầu tiên được ra nước ngoài thi đấu và đã mang về tấm HCB cho điền kinh Dak Lak ở một giải đấu mang tầm cỡ thế giới. Nhìn dáng người mảnh khảnh, khó hình dung đó là “tia chớp trên đường đua" mang thành tích về cho thể thao tỉnh nhà trong những lần tham gia tranh tài ở các giải đấu lớn. Để có được thành công hôm nay, H’Đin đã phải trải qua quá trình khổ luyện với biết bao mồ hôi, nước mắt. Sinh năm 1993 trong một gia đình nghèo tại buôn Tá, xã Ea Drơng, huyện Cư M’gar nên ngay từ nhỏ H’Đin Niê đã phải chịu thiệt thòi so với bạn bè cùng trang lứa, nhiều hôm đi học phải lội bộ đường rừng để đến lớp. Chính những ngày đi học phải băng rừng, vượt núi đó đã rèn luyện cho em một thân thể dẻo dai, nhanh nhẹn, sức khỏe bền bỉ. Nhờ được rèn luyện thường xuyên nên trong những lần tham dự các giải việt dã do nhà trường hay địa phương tổ chức H’Đin đều đoạt thành tích cao. Năm 2006, tài năng của H’Đin được huấn luyện viên Nay Tiểu Nam (Trung tâm Huấn luyện TDTT tỉnh) chú ý khi tham gia thi đấu điền kinh tại Hội khỏe Phù Đổng toàn tỉnh với tốc độ và sức bền khá tốt. Sau đó H’Đin được gọi tập trung đội tuyển điền kinh tỉnh nhưng gia đình lại phản đối quyết liệt, bố mẹ không muốn con gái đi theo nghiệp thể thao và khuyên con cố gắng học tập tốt để sau này kiếm một nghề nhẹ nhàng hơn. Tuy nhiên, thấy H’Đin một mực theo đuổi ước mơ của mình, dần dần bố mẹ cũng ủng hộ, giúp em yên tâm học tập và rèn luyện. Được đào tạo kỹ thuật bài bản và chuyên nghiệp, tài năng của H’Đin ngày càng bộc lộ. Năm 2008 lần đầu tiên H’Đin được tham dự giải Điền kinh Trẻ toàn quốc và bất ngờ đoạt HCĐ cự ly 400m cá nhân.

H’Đin Niê (ngoài cùng bên trái) tập luyện cùng đồng đội trong đội tuyển điền kinh tỉnh
H’Đin Niê (ngoài cùng bên trái) tập luyện cùng đồng đội trong đội tuyển điền kinh tỉnh

Đến nay, sau gần 6 năm gắn  với sự nghiệp thể thao đỉnh cao, H’Đin cũng không nhớ rõ số lượng huy chương đã mang về cho thể thao Dak Lak nhưng có lẽ kỷ niệm đáng nhớ nhất với H’Đin là chiếc HCB, nội dung chạy tiếp sức cự ly 400m cùng các đồng đội Nguyễn Thị Huyền, Nguyễn Thị Trang và Lê Bình Định tại Giải Vô địch Điền kinh trẻ Đông Nam Á năm 2012 tại Singapore. H’Đin chia sẻ: "Tinh thần đồng đội, sự quyết tâm và rèn luyện bền bỉ là những điều vô cùng cần thiết để giành chiến thắng". Huấn luyện viên đội tuyển điền kinh tỉnh Nay Tiểu Nam cho biết: “H’Đin Niê là niềm tự hào của đội tuyển điền kinh Dak Lak, em miệt mài tập luyện, trong từng giải đấu luôn khát khao mang thành tích về cho quê hương, đất nước. Thành công sẽ ngày càng nở rộ nếu em được quan tâm chu đáo, thường xuyên hơn”.

        Phan Xuân Kiệt - “Đam mê, khổ luyện, thành tài!”

Đến với võ thuật bằng niềm đam mê cháy bỏng, Phan Xuân Kiệt được đánh giá là “tay đấm đáng gờm” của Kick - Boxing tại mọi giải đấu. Vừa được gọi tập trung đội tuyển Kick-Boxing quốc gia chuẩn bị cho SEA Games 27 và Đại hội TDTT châu Á trong nhà (Asian Indoor Games) diễn ra tại Hàn Quốc năm 2013, Phan Xuân Kiệt đang nỗ lực tập luyện với khát khao được tham dự SEA Games và mang vinh quang về cho Tổ quốc. Qua tâm sự, được biết con đường đến với nghiệp “đấm đá” của Phan Xuân Kiệt như một “cái duyên”. Do thể trạng yếu ớt nên từ nhỏ Kiệt được gia đình gửi đi các câu lạc bộ võ thuật với mong muốn tăng chiều cao, rèn luyện thể lực, sức khỏe nhưng “cái duyên” với môn thể thao này khiến Kiệt không chỉ dừng ở mục đích đơn giản đó mà tiếp tục đi theo con đường thể thao chuyên nghiệp. Năm 16 tuổi, Kiệt được Liên đoàn võ thuật cổ truyền Việt Nam phong danh hiệu Kiện tướng quốc gia khi giành HCV tại giải Vô địch Võ thuật cổ truyền toàn quốc năm 2009. Sau đó, Kiệt chuyển sang tập luyện và thi đấu môn Kick-Boxing và sớm “gặt vàng” khi lần đầu tiên thi đấu môn này đã lần lượt đánh bại các võ sĩ tên tuổi khác để giành HCV hạng cân 60kg. Năm 2012 được đánh giá là năm thành công trên con đường sự nghiệp khi Kiệt giành 1HCV tại giải Vô địch Kick-Boxing toàn quốc, 1 HCV Cup các CLB Kick-Boxing trẻ toàn quốc, 1 HCB giải Kick-Boxing quốc tế TP. Hồ Chí Minh mở rộng...

“Tay đấm trẻ” Phan Xuân Kiệt (đứng ngoài cùng bên phải) cùng đội tuyển Kick – Boxing Dak Lak tại một giải đấu quốc gia năm 2012.
“Tay đấm trẻ” Phan Xuân Kiệt (đứng ngoài cùng bên phải) cùng đội tuyển Kick – Boxing Dak Lak tại một giải đấu quốc gia năm 2012.

Kiệt tâm sự: “Học võ trước hết là để tự bảo vệ và sau đó là giúp đỡ người khác. Học võ cũng là cách để mình hiểu trong cuộc sống nên ứng xử như thế nào, biết đứng dậy sau những lần thất bại, vấp ngã. Là VĐV chuyên nghiệp, muốn thành công phải vạch ra cho mình mục tiêu cụ thể để phấn đấu. Muốn làm được điều đó không còn con đường nào khác là phải duy trì chế độ luyện tập thường xuyên”. Con đường phía trước còn nhiều chông gai và đầy thử thách nhưng với niềm đam mê cháy bỏng với võ thuật, cần mẫn trong tập luyện, nỗ lực hết mình trong thi đấu hy vọng Phan Xuân Kiệt sẽ giành được những thành tích nổi bật hơn nữa. Mặc dù trên sàn đấu Kiệt là một võ sĩ với những cú ra đòn uy lực khiến đối thủ phải kiêng dè nhưng khi tiếp xúc mới thấy Kiệt là 1 cậu bé hiền lành, thoạt trông có vẻ nhút nhát.

Thế Hùng

 

 

 


Ý kiến bạn đọc