Multimedia Đọc Báo in

Bóng đá nữ Việt Nam - Giấc mơ lớn trên chiếc giường nhỏ

09:36, 22/03/2013

Những năm qua, bóng đá nữ Việt Nam đã nhiều lần mang vinh quang về cho Tổ quốc. Đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam luôn đứng ở vị trí số 1 Đông Nam Á và hoàn toàn có quyền mơ đến một suất tham dự World Cup 2015. Thế nhưng bóng đá nữ luôn bị xem là "sân sau" so với các giải đấu của bóng đá nam.


Cần có chiến lược và sự đầu tư bài bản cho bóng đá nữ Việt Nam.
Cần có chiến lược và sự đầu tư bài bản cho bóng đá nữ Việt Nam.

Ngoài mục tiêu là tấm HCV SEA Games vào cuối năm nay, bóng đá nữ Việt Nam còn có nhiều đích ngắm khác cần phải hoàn thành từng bước: Đó là vượt qua vòng loại để giành quyền góp mặt tại VCK bóng đá nữ châu Á năm 2014. Kết thúc giải đấu này trong top 5 để dành vé tham dự VCK World Cup bóng đá nữ năm 2015 tại Canada. Với những mục tiêu lớn mà bóng đá nam có nằm mơ cũng không dám nghĩ đến như vậy, thế nhưng sự quan tâm dành cho bóng đá nữ chưa thật sự xứng tầm.

Đầu tiên phải kể đến Giải vô địch quốc gia - "bầu sữa" để tuyển chọn VĐV cho đội tuyển quốc gia. Vừa qua, Giải bóng đá nữ vô địch quốc gia 2013 đã khởi tranh, quy tụ sự góp mặt của 6 đội bóng là Hà Nội I, Hà Nội II, Phong Phú Hà Nam, Than Khoáng sản Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh và Gang thép Thái Nguyên. Theo điều lệ giải, đội vô địch sẽ nhận Cúp, bảng danh vị, HCV và tiền thưởng 200 triệu đồng. Đội thứ nhì nhận bảng danh vị, HCB và tiền thưởng 150 triệu đồng. Đội thứ ba nhận bảng danh vị, HCĐ và tiền thưởng 100 triệu đồng. Ngoài ra, ban tổ chức sẽ trao thưởng cho đội phong cách với giải thưởng trị giá 10 triệu đồng, giải cầu thủ xuất sắc nhất vòng chung kết, giải cầu thủ ghi bàn thắng nhiều nhất vòng chung kết và giải thủ môn xuất sắc nhất vòng chung kết (mỗi giải thưởng trị giá 5 triệu đồng). Trong khi đó, ở bóng đá nam, đội vô địch V-League 2013 sẽ được nhận giải thưởng 4 tỷ đồng, nhì: 2 tỷ đồng, ba: 1 tỷ đồng. Tại Giải hạng Nhất quốc gia, đội vô địch được thưởng 1 tỷ đồng. Rồi tại Cúp quốc gia, đội đoạt cúp sẽ nhận 1 tỷ đồng...Vẫn biết mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhưng nhìn vào cơ cấu giải thưởng có thể thấy bóng đá nữ đang bị xem nhẹ như thế nào. Không khác gì các cầu thủ nam, để có một trận đấu hay, một bàn thắng đẹp, những cô gái "quần đùi áo số" cũng phải cày ải không thua gì những đồng nghiệp nam. Hơn thế, do đặc thù giới tính, chị em còn phải hy sinh rất nhiều thứ để cống hiến cho nền thể thao nước nhà. Ấy vậy mà...

Bên cạnh sự quan tâm chưa đúng mức của những nhà quản lý, còn phải kể đến sự lạnh nhạt của người hâm mộ và giới truyền thông trong nước. Các trận đấu ở Giải bóng đá nữ vô địch quốc gia thường xuyên diễn ra trong cảnh đìu hiu trên khán đài. Cổ vũ cho những bước chạy trên sân của các cô gái là những... đồng đội và ban huấn luyện. Trong khi đó, các phương tiện thông tin đại chúng dường như cũng đang "ngó lơ" với những gì liên quan đến bóng đá nữ. Từ các trang mạng, báo giấy hay cả truyền hình..."đất" giành cho bóng đá nữ là không thật sự nhiều, thậm chí là không có. 

Có mặt theo dõi giải bóng đá nữ Vô địch quốc gia đang diễn ra tại Hà Nam, HLV Trần Vân Phát cho rằng nếu bóng đá nữ Việt Nam có những kế hoạch cụ thể trong từng giai đoạn thì cơ hội đến World Cup 2015 là rất lớn. Điều đó đòi hỏi những người có trách nhiệm cần thay đổi suy nghĩ, có những hành động thiết thực để tiếp sức cho các cô gái Việt Nam chinh phục giấc mơ của mình.

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.