Multimedia Đọc Báo in

Đội tuyển điền kinh Trường Năng khiếu Thể dục Thể thao tỉnh: Niềm hy vọng mới của thể thao thành tích cao Dak Lak

10:36, 16/06/2014
Những năm đầu của thập niên 90, điền kinh Dak Lak đã từng “làm mưa làm gió” trên đấu trường khu vực và quốc gia. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, bộ môn này không có gương mặt nào nổi trội. Để giúp môn điền kinh quay trở lại thời kỳ hoàng kim ngành Thể dục Thể thao (TDTT) tỉnh nhà đang tập trung đầu tư cho đội tuyển điền kinh Trường Năng khiếu TDTT tỉnh - nơi từng được mệnh danh là “lò” rèn giũa “ngọc thô”!

Trường Năng khiếu TDTT tỉnh được thành lập tháng 11-2007, với chức năng là trường năng khiếu TDTT chuyên biệt, có nhiệm vụ đào tạo các vận động viên (VĐV) năng khiếu cho Trung tâm Thể thao thành tích cao của tỉnh. Từ ngày thành lập tới nay, trường đã đào tạo được nhiều khóa học sinh năng khiếu, có trình độ chuyên môn mang tính chuyên nghiệp cao, tham gia thi đấu tại các giải trẻ trong khu vực và toàn quốc đạt được nhiều kết quả rất khả quan. Trường đảm nhận công tác đào tạo, huấn luyện các lứa tuổi từ 6 đến 17 tuổi ở 14 môn: bóng đá U13, U11, U10; bóng chuyền nam, nữ; kich-boxing; cầu lông; cờ vua; bơi lội; boxing; wushu; quần vợt; điền kinh và bóng bàn. Trong số 14 môn, điền kinh là bộ môn được kỳ vọng nhiều nhất, bởi đây được xem là “mỏ vàng” của thể thao thành tích cao Dak Lak trong tương lai.

Hiện nay Đội tuyển điền kinh Trường Năng khiếu TDTT tỉnh có hơn 20 VĐV, dưới sự huấn luyện của HLV Nguyễn Văn Minh. Với thời gian gần 20 năm trong nghề, HLV Nguyễn Văn Minh đã đào tạo được nhiều VĐV trụ cột, được đưa lên tuyển. Với kinh nghiệm 20 năm trong nghề, HLV Nguyễn Văn Minh cho rằng: để một VĐV có thể lĩnh hội hết những kiến thức, bài tập và đạt độ chín khi thi đấu cần từ 6 đến 8 năm. Bên cạnh đó, các VĐV khi bước vào thi đấu, việc giữ được tâm lý vững vàng cũng rất quan trọng, đồng thời phải biết phân phối sức hợp lý trên suốt đường chạy. Tuy nhiên, do đặc thù của công việc, đội thường tập trung đông đủ vào buổi chiều, bởi buổi sáng các em phải đi học văn hóa nên công việc huấn luyện và luyện tập chuyên môn của thầy và trò luôn gặp trở ngại về mặt thời gian. Dù vậy, HLV Nguyễn Văn Minh tin rằng những gương mặt trẻ này sẽ là những trụ cột cho đội tuyển điền kinh tỉnh, có thể gặt hái được nhiều thành công như thế hệ đàn anh, đàn chị đã làm được ở thập niên 90.

Các  VĐV trẻ trong một buổi tập  trên sân  vận động Buôn Ma Thuột.
Các VĐV trẻ trong một buổi tập trên sân vận động Buôn Ma Thuột.

Tham gia một buổi tập cùng đội tuyển điền kinh năng khiếu mới thấy sự vất vả của từng VĐV. Dưới cái nắng chói chang, oi bức của mùa hè Tây Nguyên, tất cả các em đều nỗ lực hết mình để hoàn thành các bài tập do Ban huấn luyện đề ra. Buổi tập của toàn đội thường bắt đầu vào lúc 14 giờ 30 và kết thúc vào lúc 16 giờ 30. Sau các bài khởi động làm giãn cơ, các em phải trải qua các bài tập nặng để nâng cao trình độ chuyên môn, sự dẻo dai và sức bền. Tuy rất mệt với khối lượng bài tập dày nhưng không ảnh hưởng đến quyết tâm của tất cả các em trong đội. Vừa hoàn thành xong bài tập, đưa tay quệt những giọt mồ hôi nhễ nhại trên khuôn mặt rám nắng, VĐV Nguyễn Thị Bích Nguyên tâm sự: “Dưới sự dìu dắt của HLV Nguyễn Văn Minh, em đang trưởng thành lên từng ngày. Qua những buổi tập, em dần tích lũy thêm những kinh nghiệm, chiến thuật trong thi đấu. Hằng năm, HLV và nhà trường đều cho đăng ký tham gia các giải việt dã của tỉnh nhằm giúp bọn em luyện rèn bản lĩnh thi đấu, qua đó rút kinh nghiệm cho bản thân trong những năm tiếp theo. Học tập tại trường, bọn em được chăm lo đầy đủ và được tạo những điều kiện thuận lợi nhất, vì thế dù vừa phải tập luyện, vừa phải học văn hóa, nhưng em và các bạn luôn cảm thấy thoải mái…”.

Thầy Chu Hồng Giang, Phó Hiệu trưởng Trường Năng khiếu TDTT tỉnh cho biết: “để tuyển chọn được những VĐV trẻ có triển vọng, nhà trường đã phải cử đội ngũ HLV về các trường học trên địa bàn từng huyện và thông qua các giải đấu của ngành Giáo dục. Các em được lựa chọn (chủ yếu ở huyện) sẽ được tập trung về trường và học văn hóa ở các trường THCS và THPT tại TP. Buôn Ma Thuột. Tùy vào thời gian học văn hóa mà các HLV sẽ lên kế hoạch huấn luyện năng khiếu thể thao (bình quân tập 6 buổi/tuần); ngoài thời gian huấn luyện năng khiếu, ban đêm giáo viên văn hóa còn bồi dưỡng thêm kiến thức cho các em ở nội trú”. Thời gian qua đã có nhiều VĐV được đào tạo dưới mái trường này và tham gia thi đấu ở các giải khu vực, quốc gia, quốc tế và gặt hái được những thành tích rất đáng tự hào: năm 2012, VĐV H’Đin Niê cùng các đồng đội Nguyễn Thị Huyền, Nguyễn Thị Trang và Lê Bình Định đã giành HCB ở nội dung đồng đội nữ cự ly 4.000m tiếp sức nữ tại Giải vô địch điền kinh trẻ Đông Nam Á; năm 2013, VĐV Ngô Đăng Thanh được triệu tập bổ sung lực lượng đội tuyển quốc gia và đã được đi tập huấn tại Trung Quốc; (Thanh cũng là VĐV đã từng giành HCV tại giải điền kinh học sinh Đông Nam Á năm 2011 ở cự ly 800m)…

Với sự hăng say luyện tập của các VĐV, sự dạy dỗ nhiệt tình của những HLV có kinh nghiệm, sự quan tâm của lãnh đạo ngành TDTT, chắc chắn đội tuyển điền kinh Trường Năng khiếu TDTT tỉnh sẽ có những bước tiến xa hơn nữa trong tương lai, xứng đáng với vai trò là nơi ươm mầm, tạo nguồn VĐV cho nền thể thao thành tích cao của tỉnh cũng như của quốc gia.

 Thế Hùng 


Ý kiến bạn đọc