Multimedia Đọc Báo in

Học võ Việt - thêm yêu nước Việt!

20:42, 25/06/2014

Vovinam (Việt võ đạo) đang ngày càng được nhiều bạn trẻ quan tâm với quan niệm vừa rèn luyện sức khỏe vừa thể hiện lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc: “Người Việt học võ Việt”, “Học võ Việt - yêu nước Việt”…

Võ sư Đàng Đăng Hảo, Phó Chủ tịch Hội Vovinam tỉnh Dak Lak - một con người tâm huyết, gắn bó với sự phát triển của môn phái Vovinam mở đầu câu chuyện bằng việc ví von: “Nhắc đến đất nước Nhật Bản người ta biết đến tinh thần võ sĩ đạo của môn phái Karatedo, người Hàn Quốc có Taekwondo và Trung Quốc có Wushu, còn Việt Nam cũng được biết đến với một môn võ đặc sắc, mang tính thể thao cao, không hề thua kém bất cứ môn phái nào - đó là Vovinam”. Võ sư Đàng Đăng Hảo (SN 1955), sinh ra và lớn lên ở quê hương Ninh Thuận, cả gia đình không ai theo nghiệp võ nhưng với niềm đam mê yêu thích từ bé nên ông đã đến với môn võ này và gắn bó với nó đến tận bây giờ. Năm 14 tuổi, vì thể trạng yếu ớt, ông được bố cho theo học lớp võ thuật Thiếu Lâm Bắc Phái (một môn phái của Thiếu Lâm Tự) ở quê nhà và với ông lúc đó thì học võ đơn giản là để tự vệ. Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn theo học, ông tỏ ra là người có năng khiếu võ thuật, tiếp thu nhanh các đòn thế nên được thầy khen ngợi. Càng học, ông càng yêu thích võ và quyết tâm học hỏi, đi sâu khám phá. Theo học môn phái Thiếu Lâm được vài năm, ông chuyển sang học Vovinam. Hiện ông là Phó Chủ tịch Hội Vovinam tỉnh Dak Lak và tham gia giảng dạy Vovinam tại Trường Đại học Tây Nguyên. Ông cho biết: “Vovinam được ghi nhận do cố võ sư Nguyễn Lộc sáng lập tại Hà Nội vào năm 1938 trên cơ sở lấy võ và môn vật dân tộc làm nòng cốt; đồng thời nghiên cứu tinh hoa các võ phái khác bao gồm võ thuật cổ truyền Việt Nam và một số môn võ trên thế giới để từ đó cải tiến và hệ thống hóa, sáng tạo nên một môn võ riêng rất đặc trưng và phù hợp với thể trạng của người Việt. Trước năm 1970, môn võ này không dùng để thượng đài, không thách đấu, không dùng để đả thương đối phương, chỉ dùng để tự vệ. Vovinam không chỉ dạy con người biết võ mà còn hướng dẫn họ phải làm gì có lợi cho mình và cho người. Bởi vậy, mỗi một môn sinh khi bước chân vào học võ Vovinam đều được dạy về 10 điều tâm niệm của môn phái”.

Vovinam với những đòn thế đẹp đã và đang thu hút giới trẻ tham gia luyện tập (Trong ảnh: Các võ sĩ thi đấu tại Giải vô địch trẻ Vovinam toàn quốc lần XII năm 2014 diễn ra tại TP. Buôn Ma Thuột).
Vovinam với những đòn thế đẹp đã và đang thu hút giới trẻ tham gia luyện tập (Trong ảnh: Các võ sĩ thi đấu tại Giải vô địch trẻ Vovinam toàn quốc lần XII năm 2014 diễn ra tại TP. Buôn Ma Thuột).

Hiện võ Vovinam đang có mặt tại hơn 60 nước trên thế giới, thu hút hàng triệu môn sinh tập luyện. Trong nước, những năm gần đây, phong trào luyện tập và thi đấu môn võ Vovinam phát triển mạnh mẽ và có rất nhiều tỉnh, thành phố đã chú trọng công tác đào tạo trẻ để làm nòng cốt khi tham gia các giải đấu quốc gia. Vovinam là môn phái võ Việt Nam duy nhất có hệ thống các giải thi đấu chính thức của Hội khỏe Phù Đổng và Đại hội TDTT toàn quốc. Dak Lak là một trong những địa phương có phong trào luyện tập Vovinam mạnh mẽ ở khu vực Tây Nguyên. Năm 1991 bộ môn Vovinam được thành lập và chỉ sau đó 3 năm, đoàn vận động viên của tỉnh Dak Lak đã đoạt HCĐ nội dung hội diễn ngay lần đầu tiên tham gia giải. Tháng 7-2007, Hội Vovinam tỉnh được thành lập với chức năng nhiệm vụ là đưa môn phái Vovinam trên địa bàn tỉnh phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu. Đến nay, Hội Vovinam tỉnh có 16 Chi hội, 34 câu lạc bộ với hơn 5.000 môn sinh đang tập luyện, ngoài ra còn có hàng ngàn võ sinh đăng ký học tập, chủ yếu là học sinh, sinh viên...

Phong trào luyện tập Vovinam đang phát triển rộng khắp các địa phương trên cả nước, qua các giải đấu toàn quốc cho thấy sự tiến bộ đáng kể của các võ sĩ đến từ khu vực miền Trung-Tây Nguyên khi ở các hạng cân đối kháng số lượng huy chương được chia đều cho các đoàn. Trong khi đó, ở nội dung quyền, các tỉnh phía Nam như: TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Bà Rịa-Vũng Tàu… vẫn chiếm ưu thế khi giành hầu hết các huy chương. Giải vô địch trẻ Vovinam toàn quốc lần XII năm 2014 diễn ra tại TP. Buôn Ma Thuột vào trung tuần tháng 6 này thu hút lực lượng đông nhất từ trước tới nay khi có đến 575 trưởng đoàn, huấn luyện viên, vận động viên của 31 tỉnh, thành, ngành tham gia, trong đó một số tỉnh như: Bình Định, Khánh Hòa, Đồng Tháp tham gia lần đầu tiên. Đoàn vận động viên tỉnh Dak Lak tham gia giải lần này có 20 võ sĩ, thi đấu 16 hạng cân đối kháng, 4 nội dung quyền biểu diễn ở cả 2 nhóm tuổi (13-15 và 16-18)… Điều đó cho thấy Vovinam đã và đang phát triển lớn mạnh.

Thế Hùng


Ý kiến bạn đọc