Multimedia Đọc Báo in

"Gia tài" của Câu lạc bộ Vovinam

15:28, 26/07/2014

Nói đến học võ thuật, người ta thường liên tưởng đến những con người khô cứng, chỉ biết đến đấm, đá, binh khí, võ đài… thế nhưng đến câu lạc bộ (CLB) Vovinam của Trường Đại học Tây Nguyên mới thấy CLB không đơn thuần dạy võ. Hơn 10 năm thành lập, CLB đã dìu dắt nhiều thế hệ môn sinh, dạy họ võ thuật, đồng thời tạo sân chơi, văn nghệ, tìm kiếm việc làm thêm, tham gia các hoạt động tình nguyện…

Câu lạc bộ võ thuật đặc biệt

Cứ 17 giờ 30 hằng ngày, một góc sân Trường Đại học Tây Nguyên nổi bật hơn bởi màu đồng phục của môn sinh CLB Vovinam. Trong hơn 200 môn sinh đang chăm chỉ luyện tập, có những môn sinh đã theo học 3-4 năm nhưng cũng có những võ sinh chỉ mới học được 1-2 tuần hoặc 2-3 tháng. Vì lớp học có nhiều thành phần nên CLB được chia làm 5 đẳng khác nhau: tự vệ, nhập môn, lam đai đệ nhất cấp, lam đai đệ nhị cấp và lam đai đệ tam cấp nhằm tạo điều kiện cho các thế hệ môn sinh tiếp thu võ thuật. Ngoài giờ tập luyện chính, CLB còn bổ trợ lại bài học cho môn sinh vào các buổi sáng trong tuần. Cùng tập luyện, tiếp xúc với nhau thường xuyên nên các võ sinh khá thân thiết, tin tưởng và sẵn sàng chia sẻ đam mê võ thuật. Tham gia CLB đã hơn 3 năm nay, võ sinh Trương Quốc Khánh (sinh viên năm 3, Trường Đại học Tây Nguyên) nhớ lại: “Ngày mới vào CLB tập luyện, mình còn khá nhút nhát và thấy tự ti nên thường tập sai nhiều thế tấn, thủ. Thấy vậy, các anh chị chủ động gần gũi, chỉ bảo từng chút một. Vậy là từ mục đích rèn luyện sức khỏe, mình trở nên gắn bó với CLB lúc nào không hay”.

Một điều đặc biệt nữa là CLB có rất đông nữ tham gia. Nhiều người vẫn ngầm cho rằng, võ thuật là thứ khô khan, cứng nhắc, phần đông nam giới mới tập luyện, nhưng ở CLB Vovinam lại hoàn toàn khác, tỷ lệ nữ cân bằng với nam, thậm chí có những buổi tập, số lượng nữ còn “nhỉnh” hơn. Trong đó nhiều “mái tóc đuôi gà” đã gắn bó tập luyện với CLB 3-4 năm, hiện tại mang đẳng lam đai đệ nhị cấp, lam đai đệ tam cấp. Nhờ sự chăm chỉ cùng trình độ võ thuật, họ dễ dàng dáng xuống “quả đấm tạ” khiến đối phương phải quy phục. Võ sinh Cao Nhật Linh (sinh viên năm 2, Trường Đại học Tây Nguyên) hào hứng: “Em tham gia CLB được 2 năm nay. Ban đầu chỉ để rèn luyện sức khỏe, học cách tự vệ khi gặp hiểm nguy nhưng càng học em càng thấy “ghiền” CLB Vovinam không chỉ dạy cho bọn em cách phòng vệ, đối kháng, mà còn chứa đựng nhiều đạo lý làm người”.

Tiếp thêm niềm tin cuộc sống

Tranh thủ ngày Chủ nhật, CLB họp mặt để sinh hoạt văn hóa – văn nghệ. Khác hẳn với sự nghiêm túc trên sân tập, các võ sinh sôi nổi chia sẻ cách học đàn ghi ta, thổi sáo, ca hát… Cứ như vậy, buổi sinh hoạt bền bỉ duy trì, tạo cảm hứng, nhiệt huyết cho thành viên. Để thêm gắn bó, mỗi tháng CLB lại trích quỹ tổ chức sinh nhật cho các môn sinh có ngày sinh trong tháng. Món quà sinh nhật đôi lúc chỉ là bánh trái, hạt dưa, văn nghệ “cây nhà lá vườn” nhưng khiến các môn sinh khó lòng quên được… Cũng nhờ những buổi tham gia ngoại khóa mà môn sinh gắn bó, thương yêu nhau hơn, đồng thời được dịp phát huy tài lẻ, sở trường, có thêm kinh nghiệm hay về cuộc sống.

Các môn sinh tập luyện đối kháng trên sân Trường Đại học Tây Nguyên.
Các môn sinh tập luyện đối kháng trên sân Trường Đại học Tây Nguyên.

Trừ những ngày mưa, CLB hoạt động đều đặn cả sáng và chiều từ thứ Hai đến thứ Bảy hằng tuần. Mỗi môn sinh chỉ đóng 50 nghìn đồng/tháng gọi là quỹ sinh hoạt CLB, dùng để mua sắm dụng cụ tập luyện, giúp đỡ môn sinh khó khăn và tham gia hoạt động từ thiện. Không những vậy, CLB còn sẵn sàng nhận dạy miễn phí những môn sinh đam mê võ thuật nhưng có hoàn cảnh khó khăn. Việc làm đó đã tạo được cảm tình với các võ sinh, giúp họ thêm yêu võ thuật và có thêm quyết tâm luyện tập. Huấn luyện viên Phan Gia Đức, người gắn bó với CLB đã 8 năm nay, từ khi còn là môn sinh lớp tự vệ, nay đã tốt nghiệp đại học và đi làm tâm sự: “Võ sinh trong CLB sống rất tình cảm. Chỉ cần các bạn đam mê võ thuật khi đến với CLB, chúng tôi luôn sẵn lòng dạy miễn phí cho các bạn có hoàn cảnh khó khăn…”. 

Một buổi tập của Câu lạc bộ
Một buổi tập của Câu lạc bộ

Hiểu và cảm thông cho hoàn cảnh của một số võ sinh, các thành viên còn giúp nhau tìm việc làm thêm để trang trải chi phí học tập, sinh hoạt. Võ sinh Trương Quốc Khánh xúc động: “Nhiều bạn, trong đó có mình được thầy giáo và đồng môn giới thiệu cho việc làm thêm. Khi biết mình đang khó khăn, cần việc làm, thầy đã giới thiệu chỗ dạy kèm. Công việc gia sư không mất quá nhiều thời gian, lại giúp có thêm thu nhập, mình nhớ mãi sự quan tâm của thầy”.

Không chỉ dừng lại ở việc phát triển nội lực, CLB Vovinam còn kết hợp với CLB Ước mơ xanh của Trường Đại học Tây Nguyên tổ chức chương trình Chắp cánh ước mơ, giúp đỡ các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn; thường xuyên dạy học miễn phí cho trẻ em khuyết tật. Một trong những hoạt động của CLB khiến nhiều bạn nhỏ ở huyện Cư M’gar vẫn còn nhớ mãi là những màn trình diễn võ thuật ấn tượng trong ngày Quốc tế thiếu nhi… Vì nguồn quỹ CLB có hạn, các võ sinh cùng nhau làm đồ hand-make (tự làm bằng tay) mang bán nhằm có thêm kinh phí để thực hiện nhiều hoạt động xã hội.

Thấy CLB được các anh chị sinh viên theo học, nhiều bạn nhỏ ở khu vực phường Ea Tam cũng muốn bố mẹ cho tham gia sinh hoạt trong dịp hè. Vậy là, thêm một nhóm học tự vệ ra đời. Các em đến đây không chỉ được rèn luyện sức khỏe, rèn luyện sự mạnh dạn trong giao tiếp, mà còn được học cách yêu thương, quý mến đồng môn. Nhờ đó, những tháng ngày nghỉ hè của các em bổ ích, thú vị hơn rất nhiều. Tham gia CLB hơn 1 tháng, võ sinh Đinh Thị Thùy Duyên, 11 tuổi, học sinh Trường THCS Trần Hưng Đạo thủ thỉ: “Giá như những kỳ nghỉ hè trước em cũng được đi học võ thì thật tốt, chiều nào cũng ngập tràn niềm vui, vận động nhanh nhẹn hẳn, ăn cơm được nhiều hơn, ngủ ngon hơn, áp lực học tập cũng không còn nữa…”.

Hơn 90% môn sinh là sinh viên của các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột. Một số môn sinh may mắn làm việc tại thành phố nên có cơ hội gắn bó lâu bền. Dù đến, đi hay ở lại thì hầu hết họ vẫn không quên được có một CLB Vovinam như thế của Trường Đại học Tây Nguyên…

Võ sư Đàng Năng Hảo, Chủ nhiệm CLB từ lúc còn “trứng nước” đến nay cho biết: “Vovinam – Việt võ đạo do cố võ sư Nguyễn Lộc sáng lập. Môn võ không chỉ dạy con người biết võ mà còn hướng dẫn họ làm những gì có lợi cho mình và cho mọi người. 10 điều tâm niệm của môn phái cũng chính là những điều mà chúng tôi mong muốn môn sinh của mình luôn thực hiện tốt”.

Quỳnh Anh

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.