Multimedia Đọc Báo in

Phong trào thể dục thể thao: Những bước phát triển

11:38, 29/03/2016

Trong những năm qua, các hoạt động thể dục thể thao (TDTT) trên địa bàn tỉnh luôn được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) quan tâm, tạo điều kiện để thúc đẩy phong trào phát triển, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân…

Trong gần 5 năm (2011-2016) thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 1-12-2011 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về TDTT đến năm 2020”, phong trào TDTT trên địa bàn tỉnh đang ngày càng phát triển sâu rộng với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, thu hút đông đảo nhân dân tham gia, xây dựng lối sống lành mạnh... Trên cơ sở đó, Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 11-CTr/TU nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị; UBND tỉnh cũng đã ban hành các văn bản chỉ đạo hướng dẫn, xây dựng kế hoạch hành động cụ thể, đồng thời phối hợp với ngành chức năng triển khai trong toàn Đảng, các tổ chức quần chúng và mọi tầng lớp nhân dân. Từ đó, TDTT quần chúng tiếp tục được phát triển rộng khắp trong tất cả các đối tượng, khắp các địa phương với nhiều hình thức đa dạng; chất lượng phong trào từng bước được nâng lên. Tính đến hết năm 2015, số người luyện tập TDTT thường xuyên trên địa bàn tỉnh chiếm 26,51%; số gia đình thể thao đạt 16,28%; phong trào TDTT trong trường học bảo đảm đúng quy định, 100% bảo đảm chương trình giáo dục thể chất và 65% trường có hoạt động TDTT ngoại khóa; 90% trường có đủ giáo viên giảng dạy giáo dục thể chất và tổ chức các hoạt động ngoại khóa…

Giải Vật truyền thống xã Vụ Bổn (huyện Krông Pắc) được tổ chức  vào Rằm tháng Giêng hằng năm.
Giải Vật truyền thống xã Vụ Bổn (huyện Krông Pắc) được tổ chức vào Rằm tháng Giêng hằng năm.

Công tác xã hội hóa TDTT cũng được Sở VHTTDL chú trọng bằng việc kêu gọi các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư xây dựng các thiết chế TDTT trị giá hàng tỷ đồng như: sân quần vợt, bóng đá mini cỏ nhân tạo... Tính đến nay, toàn tỉnh có 3 Liên đoàn, 6 Hội, hơn 300 câu lạc bộ thể thao, 271 sân bóng đá mini cỏ nhân tạo, 9 bể bơi, 587 Nhà Văn hóa và khu thể thao thôn, buôn, 50 sân quần vợt, 71 sân cầu lông, đá cầu, 782 sân bóng chuyền, 103 bàn bóng bàn… đáp ứng nhu cầu rèn luyện thể thao vừa chất lượng vừa đa dạng của người dân. Cùng với đó, sự phối hợp giữa các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch đã tạo nên chuỗi các sự kiện có sức hấp dẫn, sôi nổi và tạo dấu ấn đậm nét, thu hút sự quan tâm của công chúng trong toàn tỉnh và cả nước như: tổ chức thành công 5 lần Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột, 3 lần liên tiếp đăng cai tổ chức giải bóng chuyền nữ Quốc tế VTV Cup, 1 lần đăng cai tổ chức giải bóng chuyền nữ các câu lạc bộ mạnh châu Á và đăng cai tổ chức nhiều giải khu vực, toàn quốc, quốc tế. Việc đăng cai các giải thể thao quốc gia không chỉ có ý nghĩa thúc đẩy phát triển TDTT của tỉnh mà còn góp phần phục vụ nhu cầu hưởng thụ thể thao thành tích cao của nhân dân; qua đó tạo không khí vui tươi, cổ vũ lao động sản xuất, phát triển kinh tế xã hội…

Môn đẩy gậy được đưa vào thi đấu tại nhiều Hội thi thể thao nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Môn đẩy gậy được đưa vào thi đấu tại nhiều Hội thi thể thao nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Nổi bật nhất là chủ trương đưa công tác TDTT về cơ sở, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là một hướng đi đúng đắn, không chỉ giúp cho phong trào TDTT địa phương có thêm điều kiện để phát triển mà quan trọng hơn là giúp các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số được luyện tập, thi đấu TDTT để nâng cao sức khỏe và đời sống tinh thần, thắt chặt tình đoàn kết giữa các dân tộc anh em trong tỉnh, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương. Ông Hoàng Trung Kiên, Trưởng phòng Nghiệp vụ TDTT (Sở VHTTDL) cho biết: “Chương trình hành động của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với lĩnh vực TDTT đã thúc đẩy hoạt động TDTT tỉnh nhà lên một bước quan trọng. Hằng năm, Sở đăng cai tổ chức thành công 10 giải thể thao khu vực, toàn quốc và quốc tế; tổ chức từ 25-30 giải thể thao cấp tỉnh; phối hợp với các Liên đoàn, Hội thể thao và các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh tổ chức trên 50 giải, hội thi thể thao; bình quân mỗi huyện, thị xã, thành phố tổ chức từ 7-10 giải và hàng trăm giải thể thao cấp cơ sở, thu hút hàng nghìn lượt người tham gia. Bên cạnh các môn thể thao hiện đại như: bóng đá, bóng chuyền... Sở đã từng bước đưa các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian truyền thống như: đi cà kheo, đẩy gậy, bắn nỏ... vào hệ thống thi đấu hằng năm, không chỉ nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của đồng bào các dân tộc thiểu số mà còn góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc”.

Giải Taekwondo toàn quốc được Sở VHTTDL Đắk Lăk đăng cai tổ chức năm 2015.
Giải Taekwondo toàn quốc được Sở VHTTDL Đắk Lăk đăng cai tổ chức năm 2015.

Thể thao thành tích cao cũng được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt trong định hướng phát triển của ngành VHTTDL. Mặc dù cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện có còn thiếu thốn so với nhu cầu thực tế nhưng lực lượng vận động viên luôn được đầu tư bài bản từ tuyến năng khiếu đến các đội trẻ và đội tuyển với phương châm “đi trước đón đầu”. Toàn tỉnh hiện có 307 vận động viên đang được tập trung đào tạo chuyên nghiệp, trong đó có 180 vận động viên năng khiếu, 127 vận động viên đội trẻ và đội tuyển. Trong năm 2015, tỉnh đã cử hơn 200 vận động viên năng khiếu, đội trẻ và đội tuyển tham gia nhiều giải thể thao khu vực, quốc gia và quốc tế. Qua đó, đoạt được 135 Huy chương (32 HCV, 44 HCB, 59 HCĐ); Đắk Lắk hiện có 14 vận động viên tập trung các đội trẻ và đội tuyển quốc gia…

Hy vọng rằng, những kết quả trên sẽ là động lực để ngành TDTT tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, phát huy nội lực, tận dụng mọi lợi thế và tiềm năng của tỉnh, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ đề ra, đưa phong trào TDTT tỉnh nhà tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

 Thế Hùng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.