Multimedia Đọc Báo in

"Bóng hồng" đam mê võ thuật

10:19, 04/05/2016

Dáng người nhỏ nhắn, xinh xắn, tính tình hiền lành, dễ gần, gặp lần đầu tiên, nhiều người sẽ không nghĩ Nguyễn Thị Mai Uyên (SN 1993, phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột) từng là một vận động viên đã giành được rất nhiều thành tích với môn võ Teakwondo.

Sinh ra trong một gia đình không ai theo nghiệp võ nhưng Nguyễn Thị Mai Uyên lại có niềm đam mê cháy bỏng là được khoác lên mình bộ đồng phục của môn võ Taekwondo, được đứng trên võ đài thi đấu trước sự reo hò cổ vũ của khán giả. Để thỏa mãn niềm đam mê ấy, Mai Uyên đã phải vượt qua rào cản về thể hình cũng như sự phản đối của gia đình. Uyên chia sẻ cơ duyên đến với môn võ này: Trong một lần xem chương trình thể thao phát trên tivi, em thấy võ sinh môn Taekwondo tung ra những “đòn cước” bằng chân vào đối thủ nhìn rất đẹp mắt và cuốn hút người xem. Từ đó, em đam mê lúc nào không hay và muốn được theo học Taekwondo, nhưng em đã gặp phải sự phản đối quyết liệt từ bố mẹ bởi theo tâm niệm của họ thì “Con gái phải thùy mị, đoan trang, học võ làm gì?”. Do đam mê, sau giờ tan học em trốn bố mẹ, theo đám bạn nam đến lớp võ thuật Taekwondo. Được vài ngày thì bị bố mẹ phát hiện, không những bị la mắng tơi bời, mà còn bị đánh đòn. Tuy nhiên, niềm đam mê võ thuật dường như đã “ngấm vào máu” nên em tiếp tục lén theo học võ bất chấp sự ngăn cấm của gia đình. Mãi rồi bố mẹ cũng chiều ý con gái. Để không phụ lòng thầy cô và nhất là bố mẹ đã tạo điều kiện cho mình được theo học võ, Mai Uyên luôn cố gắng rèn luyện rồi tham gia các giải thi đấu để chứng minh khả năng của mình. Mai Uyên cho biết: “Em yêu thích môn võ Taekwondo là bởi vì môn võ này chủ yếu dùng đòn chân để tấn công, phù hợp với thể trạng của em. Hơn nữa, môn võ Taekwondo không dùng cho mục đích xấu…”.

Nguyễn Thị Mai Uyên (bìa trái)  và bạn trong một buổi tập võ.
Nguyễn Thị Mai Uyên (bìa trái) và bạn trong một buổi tập võ.

Sau những tháng ngày vất vả khổ luyện, năm 2006, Mai Uyên được gọi tập trung đội tuyển Taekwondo TP. Buôn Ma Thuột tham gia Giải vô địch Taekwondo tỉnh Đắk Lắk tranh Cup Sữa cô gái Hà Lan. Tại giải này, em thi đấu ở nội dung đối kháng hạng cân 30 kg nữ. Để đạt được yêu cầu, gần 3 tháng em phải luyện tập và thực hiện chế độ ăn kiêng để ép cân giảm từ 5-6 kg. Mai Uyên chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tham gia một giải đấu lớn nên em cảm thấy căng thẳng và lo lắng. Hơn nữa, em phải giảm cân đến vài kilôgam nên thấy mình ốm yếu hẳn. Không những phải ép cân, thời gian luyện tập chuẩn bị cho giải cũng tăng lên với nhiều áp lực, thêm vào đó là vấn đề chấn thương như: trầy da, bầm mắt, trật sơ mi chân, tay… diễn ra như cơm bữa. Thấy con vất vả, khổ cực, bố mẹ lại có lý do để bắt bỏ đam mê nhưng em vẫn quyết tâm theo”. Lần ấy cô gái trẻ mang về cho thể thao TP. Buôn Ma Thuột tấm HCV. Sau thành công đó, em được gọi vào đội tuyển của tỉnh tham gia nhiều giải đấu toàn quốc và thành tích giành được tại các giải đấu cũng khá ấn tượng. Ấn tượng nhất có lẽ là tại Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc năm 2008 tại tỉnh Phú Thọ, mặc dù không giành được huy chương nhưng Mai Uyên đã thi đấu khá thành công và lọt vào top 10 vận động viên xuất sắc Nhất ở bộ môn Taekwondo.

Đến với Taekwondo từ năm 10 tuổi và có gần 15 năm đeo đuổi niềm đam mê môn võ yêu thích, từ một cô gái nhút nhát, rụt rè, nay Mai Uyên đã có sự thay đổi rõ rệt, nhất là về tính cách và sức khỏe. Chững chạc, trưởng thành hơn, trong cuộc sống luôn điềm đạm, không nóng vội; trên sân đấu, nét xinh xắn, duyên dáng của em như “đốt cháy” ánh nhìn của mọi người. Hiện nay, ngoài công việc hằng ngày, em còn phụ giúp thầy giáo của mình giảng dạy võ thuật Taekwondo tại Trường Văn hóa 3 - Bộ Công an. “Mặc dù không còn thi đấu thể thao đỉnh cao nữa nhưng ngọn lửa đam mê võ thuật vẫn cháy mãi trong em” - Uyên tâm sự.

 Thế Hùng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.