Festival Bóng đá học đường - Cup Yamaha năm 2016 tại Đắk Lắk: Ấn tượng từ một giải đấu!
Vòng chung kết (VCK) Festival bóng đá học đường-Cup Yamaha năm 2016 vừa diễn ra tại TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk với sự tham gia của 8 đội bóng đến từ nhiều miền quê khác nhau. Giải đấu là sân chơi thiết thực, bổ ích của tuổi trẻ học đường trong dịp hè, góp phần “chắp cánh” cho ước mơ trở thành cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp của các em bay xa.
Mặc dù chỉ diễn ra trong thời gian khoảng 1 tuần (cả vòng loại bảng khu vực Đắk Lắk và VCK toàn quốc) nhưng điều đọng lại ở ở giải đấu là những hình ảnh đẹp, rất xúc động mà cầu thủ các đội bóng tạo ra. Đó là sự hồn nhiên, vô tư nhưng tinh thần thi đấu ngoan cường, dám chơi và dám đối đầu với mọi khó khăn, thử thách. Chẳng hạn, ở lượt trận cuối vòng bảng tại VCK toàn quốc, với chiến thắng 5-0 trước Trường THCS Chu Văn An (Cần Thơ), THCS Nguyễn Lương Bằng (Đà Nẵng) đã lách qua “khe cửa hẹp” để vượt qua đương kim vô địch THCS Ngọc Lâm của Hà Nội (bằng điểm nhưng hơn hiệu số bàn thắng) giành tấm vé thứ 2 ở bảng A (sau chủ nhà THCS Ea Tu, Đắk Lắk) góp mặt vào vòng bán kết. Không giấu được niềm vui khi đội nhà giành quyền đi tiếp, các cầu thủ đến từ Đà Nẵng ôm nhau nhảy múa. Sau đó các em còn chủ động sang sân bên cạnh để động viên, chia sẻ với thất bại của đối thủ. Trước sự fair play của các bạn Đà Nẵng, đại diện của Thủ đô cũng đáp lại bằng những cử chỉ thân thiện, những cái bắt tay thật chặt và cùng tiến đến chúc mừng các bạn chủ nhà Đắk Lắk. Một hình đẹp nữa đến từ đội bóng Thủ đô là việc các cầu thủ Trường THCS Ngọc Lâm mặc dù rất buồn khi thất bại nhưng trước khi ra về vẫn không quên nhiệm vụ dọn dẹp vệ sinh sân bóng, nhặt những chai nước đã uống rồi bỏ vào thùng rác. Hay tại vòng loại khu vực Đắk Lắk, hình ảnh về các cầu thủ Trường THCS Trưng Vương (phường Thành Công, TP. Buôn Ma Thuột) cùng nhau đạp xe đạp đến sân bóng, thay vì đi ôtô hay taxi như các trường khác khiến nhiều người thực sự ngưỡng mộ tinh thần thể thao của thầy và trò nhà trường. Theo lý giải của cô Võ Thị Tường Vân, Tổng phụ trách Đội nhà trường, do kinh phí eo hẹp nên các em đã chọn phương án đi xe đạp vừa để tiết kiệm kinh phí vừa rèn luyện sức khỏe. Không chỉ khó khăn về phương tiện đi lại, Trường THCS Trưng Vương tham gia giải chỉ với những chiếc áo “không tên, không số” bởi những chiếc áo thi đấu này được phụ huynh hỗ trợ khi đội vừa lên sân nên chưa kịp in.
Các cầu thủ nhí tranh bóng trong một trận đấu tại giải. |
Trong những ngày thi đấu ở Đắk Lắk, ngoài cầu thủ chủ nhà THCS Ea Tu còn lại hầu hết đội bóng của các tỉnh, thành phố khác phải ở khách sạn. Hằng ngày, các cầu thủ nhí phải thức dậy từ lúc 5 giờ 30 sáng để vệ sinh cá nhân, ăn sáng rồi ra sân thi đấu. Kết thúc trận đấu, trở về khách sạn, các em còn tự tay làm nhiều việc phục vụ sinh hoạt cá nhân như: giặt đồ, sắp xếp giường ngủ, treo quần áo và luôn xem đó là một trải nghiệm rất quý báu. Sân chơi bóng đá học đường giúp các em trưởng thành rất nhiều từ những việc nhỏ nhất…
Trên đây chỉ là những câu chuyện mà người viết được chứng kiến, dẫu đó chỉ được coi là “chuyện nhỏ” nhưng hành động của các em khiến chúng ta cảm thấy tự hào! Ông Nguyễn Đức Quang, Tổng Biên tập Báo Thiếu niên Tiền phong, Trưởng Ban tổ chức giải cho biết: “Đây là năm thứ 2 giải đấu được tổ chức, là sân chơi giúp cho các em học sinh khơi dậy niềm đam mê bóng đá và nuôi dưỡng ước mơ trở thành những cầu thủ chuyên nghiệp trong tương lai. Là bóng đá học đường nên được rất nhiều phụ huynh ủng hộ và họ bày tỏ sự cám ơn đến Ban tổ chức giải đã tạo cho con em mình được tham dự một sân chơi đúng với lứa tuổi và đem lại nhiều ý nghĩa. Đặc biệt, đến với ngày hội bóng đá học đường, các em được rèn luyện thể chất và học được rất nhiều bài học bổ ích như: tinh thần đồng đội, tính tập thể, sự vượt khó và trau dồi bản lĩnh từ những nỗ lực hết mình trên sân bóng”.
Thế Hùng
Ý kiến bạn đọc