Điểm đến của các giải thi đấu thể thao
Có cơ sở vật chất khang trang cùng đội ngũ trọng tài đủ năng lực, trình độ điều hành các giải đấu, cộng thêm lượng khán giả đông đảo… là 3 yếu tố giúp Đắk Lắk trở thành địa điểm lý tưởng, được Tổng cục Thể dục thể thao tín nhiệm, lựa chọn làm nơi đăng cai các giải đấu có quy mô, tầm cỡ quốc gia.
Mới đây nhất, giải đấu mà Đắk Lắk tổ chức là Giải Vô địch Cúp các câu lạc bộ mạnh karatedo quốc gia năm 2017-giải đấu nằm trong hệ thống thi đấu quốc gia lần thứ 5 liên tiếp Đắk Lắk đăng cai (từ năm 2013 đến nay). Các vận động viên và huấn luyện viên nhiều lần tham gia giải karatedo này đều đánh giá cao chất lượng, cơ sở vật chất của Nhà thi đấu thể dục thể thao Đắk Lắk. Nhà thi đấu đa năng có sức chứa 3.000 khán giả nằm ở vị trí trung tâm này được thiết kế rộng rãi với hệ thống thiết bị âm thanh, ánh sáng, mặt sàn thi đấu theo các tiêu chuẩn quốc gia. Phó Trưởng phòng Tổ chức thi đấu và dịch vụ (Trung tâm Huấn luyện và thi đấu thể dục thể thao, Sở Văn hóa, thể thao và Du lịch) Hoàng Thị Bích Hồng cho biết, trung bình mỗi năm Nhà thi đấu tổ chức khoảng 20 giải quy mô cấp quốc gia, trong đó có nhiều giải đấu lớn, như: Vô địch Boxing trẻ toàn quốc, Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số khu vực phía Nam, Giải bắn súng hơi thanh thiếu niên quốc gia, Bóng rổ trẻ toàn quốc…
Bà H'Lim Niê, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận Kỷ niệm chương của Tổng cục Thể dục thể thao trao tặng tỉnh Đắk Lắk khi lần thứ 5 liên tiếp đăng cai Giải karatedo quốc gia. |
Vào tháng 10-2017, Nhà thi đấu thể dục thể thao Đắk Lắk tiếp tục được chọn là nơi diễn ra các trận lượt về của Giải bóng chuyền vô địch quốc gia năm 2017, giải đấu đỉnh cao của môn bóng chuyền mà đội nữ Đắk Lắk đang thi đấu. Như vậy người hâm mộ Đắk Lắk sẽ có cơ hội chứng kiến, cổ vũ các nữ vận động viên tỉnh nhà thi đấu. |
Một trong những yếu tố quan trọng khác mà Đắk Lắk được Tổng cục Thể dục thể thao đánh giá cao là có đội ngũ trọng tài có chất lượng chuyên môn cao, với 100% trọng tài đã qua các trường đại học thể dục thể thao, có chứng nhận chuyên môn của các bộ môn thi đấu. Vì vậy, khi chọn lựa Đắk Lắk là nơi đăng cai, Tổng cục Thể dục thể thao luôn tin tưởng những người “cầm cân nảy mực” này sẽ phối hợp cùng các trọng tài được tăng cường, điều hành giải đấu một cách trung thực, đảm bảo về kết quả thi đấu. Minh chứng cho việc này là tất cả các giải đấu được tổ chức ở Đắk Lắk không xảy ra trường hợp khiếu kiện thắng thua hoặc vận động viên bức xúc với đội ngũ trọng tài mà tự ý bỏ cuộc…
Bên cạnh đó Đắk Lắk còn có lượng khán giả đông đảo, rất hâm mộ thể thao. Các nhà tổ chức đều có chung nhận định, ít có địa phương nào người dân lại có tình yêu mãnh liệt với thể thao như Đắk Lắk khi các giải đấu đều đầy ắp khán giả đến theo dõi, cổ vũ tiếp sức cho vận động viên tranh tài. Còn nhớ khi Giải bóng chuyền VTV quốc tế diễn ra tại đây, người hâm mộ từ các huyện ở vùng sâu, vùng xa như Krông Bông, Ea H’leo đã vượt cả trăm ki-lô-mét đến xếp hàng mua cho được tấm vé vào xem cầu thủ mình hâm mộ trực tiếp thi đấu… Không chỉ chủ động xin đăng cai, Đắk Lắk còn luôn sẵn sàng đảm nhiệm tổ chức các giải đấu được đề nghị khi một số địa phương vì những lý do bất khả kháng thoái thác, từ chối.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đặng Gia Duẩn cho rằng, có rất nhiều cái lợi khi mình là đơn vị chủ nhà đăng cai. Ngoài việc vận động viên địa phương được thi đấu cọ xát, nâng cao trình độ, phát triển thể thao thành tích cao thì các giải đấu còn là dịp để Đắk Lắk quảng bá hình ảnh với các đoàn động viên. Sau các giải đấu đã có rất nhiều đoàn nán lại, dành thời gian khám phá vùng đất Tây Nguyên huyền thoại. Và với việc đăng cai tổ chức nhiều giải đấu còn là cơ hội vàng, kích cầu du lịch.
Đăng Triều
Ý kiến bạn đọc