Multimedia Đọc Báo in

Sôi nổi phong trào tập thể dục dưỡng sinh ở Ea Tar

10:18, 25/04/2019

Thời gian gần đây, phong trào tập thể dục dưỡng sinh ở xã Ea Tar (huyện Cư M’gar) phát triển mạnh, thu hút đông đảo người dân, nhất là chị em phụ nữ tham gia. Các CLB dưỡng sinh trở thành điểm sinh hoạt bổ ích, giúp mọi người sống vui, sống khỏe.

Cứ đều đặn vào mỗi tối hằng ngày, hơn 50 hội viên của Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau (CLB) lại tập trung về Nhà văn hóa thôn 2, xã Ea Tar để tập luyện các bài dưỡng sinh. Hòa theo tiếng nhạc du dương, mọi người say sưa tập các bài thể dục.

Chị Hà Thị Hòa, Phó Chủ nhiệm CLB cho biết, CLB được thành lập vào tháng 12-2018 với mục đích giúp nhau phát triển mọi mặt về kinh tế, xã hội giữa các thế hệ. Bên cạnh đó, CLB còn khơi dậy phong trào rèn luyện sức khỏe của mỗi hội viên bằng việc tập luyện các bài thể dục dưỡng sinh (TDDS) mỗi ngày.

Chị em phụ nữ CLB Liên thế hệ tự giúp nhau thôn 2 (xã Ea Tar) tập thể dục dưỡng sinh mỗi tối.
Chị em phụ nữ CLB Liên thế hệ tự giúp nhau thôn 2 (xã Ea Tar) tập thể dục dưỡng sinh mỗi tối.

Theo đó, các hội viên sẽ được hướng dẫn tập TDDS dưới sự hỗ trợ của các thành viên trong CLB dưỡng sinh xã Ea Tar. Những bài tập này đều phù hợp với các thành viên, giúp hội viên có sức khỏe dẻo dai, ổn định, đẩy lùi bệnh tật. Khi mới phát động phong trào, chỉ có 16 chị em trong CLB tham gia tập, thế nhưng dần dần nhận thấy lợi ích và niềm vui từ các buổi tập, đến nay đã có hơn 50 chị em trong CLB tham gia, thành viên lớn nhất cũng đã hơn 80 tuổi. Mỗi tối, trong khung giờ từ 19 giờ 30 đến 21 giờ, mọi người lại cùng nhau tập TDDS, những ngày cuối tuần nhiều em nhỏ cũng đi theo các bà, các mẹ đến để tập cùng, tạo nên một không khí hết sức đông vui, sôi nổi.

 

“Thể dục dưỡng sinh xưa nay thường được biết đến là bộ môn thể dục dành cho người cao tuổi. Việc tham gia tập dưỡng sinh của đông đảo chị em đủ mọi lứa tuổi trên địa bàn xã là một tín hiệu tốt trong việc chăm lo, rèn luyện sức khỏe của người dân. Nếu tập thể dục dưỡng sinh đúng cách, bất kể ở lứa tuổi nào cũng đều mang lại lợi ích cho sức khỏe”.

 

Bà Thái Thị Anh Hòa, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ea Tar

 

Từ phong trào tập TDDS ở thôn 2, các thôn buôn khác trên địa bàn xã cũng hưởng ứng và lần lượt thành lập các tổ dưỡng sinh để rèn luyện sức khỏe. Đến nay đã có 7/11 Chi hội Phụ nữ của xã Ea Tar thành lập tổ dưỡng sinh, thu hút hàng chục chị em ở mỗi chi hội tham gia. Bên cạnh đó, các chị em ở mỗi chi hội còn đầu tư mua trang phục như quần, áo, giày dép, mũ, dụng cụ, loa kéo… để biểu diễn trong những dịp quan trọng ở địa phương. Chị H' Brạch Niê, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ buôn Drai Sí (xã Ea Tar) chia sẻ, trong buôn đa số là chị em người dân tộc thiểu số, tuy bận rộn chăm lo phát triển kinh tế nhưng khi phát động tập TDDS, nhiều người tỏ ra rất hào hứng. Sau một ngày lên nương rẫy, tối đến mọi người lại gác công việc gia đình, cùng nhau hòa vào điệu nhạc tập luyện để quên đi hết muộn phiền trong cuộc sống. Cũng nhờ tập luyện đều đặn mà nhiều chị em đã đỡ hẳn những chứng bệnh như: đau lưng, mỏi gối, thấp khớp…

Không chỉ tập luyện trong phạm vi thôn buôn mình, các CLB, tổ dưỡng sinh trên địa bàn xã còn thường xuyên tổ chức giao lưu, học hỏi lẫn nhau vào dịp cuối tuần, tạo nên không khí thi đua sôi nổi. Nhận thấy phong trào tập TDDS của chị em có sức lan tỏa rộng, nhằm duy trì và phát triển phong trào TDDS trên địa bàn, Hội Phụ nữ xã Ea Tar đã mang bộ môn TDDS vào nội dung thi, biểu diễn giữa các chi hội vào những ngày lễ kỷ niệm như: Quốc tế phụ nữ 8-3, Ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10… thu hút đông đảo chị em tham gia.

Phần thi thể dục dưỡng sinh của chị em phụ nữ ở buôn Drai Sí (xã Ea Tar) nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3.
Phần thi thể dục dưỡng sinh của chị em phụ nữ ở buôn Drai Sí (xã Ea Tar) nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3.

Bà Thái Thị Anh Hòa, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ea Tar cho biết, việc thành lập các CLB, tổ dưỡng sinh ở các chi hội phụ nữ thôn, buôn đã tạo ra sân chơi bổ ích, góp phần nâng cao sức khỏe và đẩy lùi bệnh tật. Đây còn là nơi để chị em gặp gỡ, trò chuyện, tâm sự, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất cũng như trong cuộc sống. Từ đó giúp mọi người hiểu nhau, đoàn kết hơn và đưa phong trào của phụ nữ xã nhà ngày càng phát triển.

Huyền Diệu


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.