Câu lạc bộ Futsal Thái Sơn Nam: Cái nôi đào tạo cầu thủ chất lượng
Là một trong những đội bóng nổi tiếng, giàu thành tích của làng túc cầu cả nước, Câu lạc bộ Futsal Thái Sơn Nam không chỉ là nơi hội tụ nhiều nhân tài bóng đá mà còn là “cái nôi” đào tạo cầu thủ uy tín, chất lượng. Tại Đắk Lắk, Câu lạc bộ Futsal Thái Sơn Nam cũng mở một lò đào tạo, cung cấp cầu thủ tài năng không chỉ cho riêng câu lạc bộ mà còn cho bóng đá futsal trong cả nước.
Câu lạc bộ Futsal Thái Sơn Nam, chi nhánh TP. Buôn Ma Thuột bắt đầu mở khóa tuyển sinh đầu tiên vào năm 2013. Đối tượng tuyển sinh không giới hạn ở Đắk Lắk mà còn mở rộng sang những địa phương khác, như: Đắk Nông, Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum, TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh miền Tây Nam Bộ. Được khoác áo Câu lạc bộ Futsal Thái Sơn Nam luôn là niềm mơ ước cháy bỏng của các cầu thủ tài năng, đam mê quả bóng tròn.
Cứ định kỳ vào tháng 7 hằng năm, rất đông thí sinh trong độ tuổi 12 - 13 từ khắp nơi cùng về TP. Buôn Ma Thuột tham gia thi tuyển, riêng năm 2019 có hơn 100 thí sinh. Để có một suất vào câu lạc bộ, thí sinh phải trải qua những bài kiểm tra nghiêm ngặt, đánh giá toàn diện về mặt thể lực, năng khiếu, tư duy bóng đá. Huấn luyện viên trưởng Câu lạc bộ Nguyễn Minh Hải cho biết: “Phương pháp tuyển sinh của câu lạc bộ cũng mang đặc trưng riêng, không rập khuôn theo các bài test năng khiếu thường thấy, hoặc tiêu chí, giáo án nhất định. Cụ thể khi tham gia thi tuyển, các em được chia làm hai đội thi đấu, tuyển trạch viên quan sát, theo dõi để đánh giá năng lực, khả năng kỹ thuật, tư duy chơi bóng của từng em. Cứ như vậy chúng tôi sàng lọc, chọn ra những em xuất sắc nhất tổ chức đào tạo”.
Một bài tập dành cho thủ môn. |
Là một trong những học viên lặn lội từ TP. Hồ Chí Minh đến tham gia tuyển sinh và may mắn vượt qua hàng trăm thí sinh khác trúng tuyển, cầu thủ nhí Trần Đoàn Xuân Trường chia sẻ: “Ở TP. Hồ Chí Minh cũng có nhiều địa chỉ đào tạo futsal nhưng em muốn thử sức mình tại câu lạc bộ uy tín hàng đầu của cả nước này vì được khoác áo Thái Sơn Nam luôn là niềm vinh dự, tự hào của bất cứ cầu thủ nào”. Còn em Đinh Bộ Thành, trúng tuyển năm 2017 thì nhận xét: “Môi trường đào tạo ở câu lạc bộ hết sức chuyên nghiệp, bài bản, các thầy luôn có trách nhiệm, hướng dẫn, huấn luyện tận tình”.
Không phải ngẫu nhiên mà Câu lạc bộ Futsal Thái Sơn Nam trở thành địa chỉ được các cầu thủ có nguyện vọng theo đuổi con đường bóng đá chuyên nghiệp chọn lựa, ưu tiên hàng đầu. Khi trúng tuyển vào câu lạc bộ, các em được tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để phát triển tài năng, được chu cấp hoàn toàn chi phí đào tạo từ huấn luyện chuyên môn đến học văn hóa, với mức trung bình 10 triệu đồng/tháng/cầu thủ.
Công tác đào tạo được áp dụng một cách khoa học, bài bản, nghiêm túc, theo một thời gian biểu nhất định: buổi sáng học văn hóa, buổi chiều tập luyện chuyên môn, đến tối câu lạc bộ mời các giáo viên văn hóa của từng bộ môn về kèm cặp. Hằng tháng mỗi em còn được câu lạc bộ hỗ trợ 500.000 đồng sử dụng cho nhu cầu chi tiêu cá nhân. Tất nhiên chi phí đào tạo phải đi đôi, tương xứng với chất lượng đào tạo, học viên nào có biểu hiện thỏa mãn, không chuyên tâm, sao lãng tập luyện sẽ lập tức bị đào thải, trả về gia đình. Tuy nhiên những trường hợp này rất ít, bởi phần lớn học viên đều ý thức mình may mắn được đào tạo, học tập trong một môi trường mơ ước nên ra sức phấn đấu rèn luyện, trau dồi, hoàn thiện chuyên môn kỹ thuật.
Ban huấn luyện Câu lạc bộ hướng dẫn chiến thuật cho các cầu thủ. |
Trải qua 6 mùa tuyển sinh, theo một mô hình chuyên nghiệp, Câu lạc bộ Futsal Thái Sơn Nam, chi nhánh Buôn Ma Thuột đã đào tạo, sản sinh ra nhiều cầu thủ tài năng, vừa làm nòng cốt của các tuyến trẻ của mình vừa là nguồn cung, bổ sung, tăng cường lực lượng cho các câu lạc bộ khác. Đắk Lắk tự hào có các cầu thủ Chu Văn Tiến (đang phục vụ Đội tuyển Futsal quốc gia), Nguyễn Tăng Đình, Trương Văn Thành (đội tuyển U20 Việt Nam). Bên cạnh đó hàng loạt hảo thủ trẻ của Đắk Lắk hiện đang thi đấu cho các câu lạc bộ futsal mạnh trong nước và là trụ cột của các đội bóng này như: Nguyễn Văn Nguyên, Nguyễn Hữu Thiện (Câu lạc bộ Sahaco), Trần Trung Nhật, Trần Phước Thông, Nguyễn Văn Sơn, Nguyễn Đức Ty, Nguyễn Đức Mạnh (Câu lạc bộ Sanatech Khánh Hòa)…
Một trong những phương châm mà Thái Sơn Nam đeo đuổi từ khi mở lò đào tạo tại TP. Buôn Ma Thuột là “không để bỏ sót nhân tài”. Các cầu thủ năng khiếu, có tiềm năng ở các địa phương đều có cơ hội, trở thành cầu thủ của câu lạc bộ nếu lọt qua vòng sát hạch nghiêm ngặt được tổ chức hằng năm. Hiện câu lạc bộ đang đào tạo 21 học viên của các tỉnh Tây Nguyên và TP. Hồ Chí Minh.
Đăng Triều
Ý kiến bạn đọc