Multimedia Đọc Báo in

Ươm mầm tài năng bóng bàn tương lai

11:11, 29/10/2019
Là một trong những câu lạc bộ tiên phong, mở lớp đào tạo vận động viên theo hướng chuyên nghiệp, Câu lạc bộ bóng bàn Xuân Tùng (TP. Buôn Ma Thuột) trở thành địa chỉ tin cậy được nhiều em có năng khiếu, đam mê môn bóng bàn “chọn mặt gửi vàng” đăng ký tập luyện.

Hiện Câu lạc bộ bóng bàn Xuân Tùng đang đào tạo cho 15 em năng khiếu, trong độ tuổi từ 9-15. Đều đặn hàng ngày, theo thời gian biểu cố định, cứ sau 17 giờ các em lại đến tập luyện hăng say. Tùy từng độ tuổi, trình độ của mỗi em, Huấn luyện viên Hoàng Xuân Tùng tận tình hướng dẫn những bài tập kỹ thuật phù hợp: tư thế cầm vợt đúng cách, các kỹ thuật phát bóng, đập bóng, di chuyển, tấn công trên lưới… Em Trần Lập, tuy mới 9 tuổi nhưng đã tham gia tập luyện 2 năm và được Huấn luyện viên Hoàng Xuân Tùng đánh giá là vận động viên có tố chất, hồn nhiên cho biết: “Em sẽ cố gắng tập luyện để sau này trở thành vận động viên bóng bàn giỏi, đi thi đấu và đoạt được nhiều huy chương như thầy Tùng”.

Chủ nhiệm Câu lạc bộ bóng bàn Hoàng Xuân Tùng hướng dẫn tay vợt tiềm năng Trần Lập.
Chủ nhiệm Câu lạc bộ bóng bàn Hoàng Xuân Tùng hướng dẫn tay vợt tiềm năng Trần Lập.

Người “gieo” niềm đam mê và đảm nhiệm công tác huấn luyện, giúp các em có thể phát triển năng khiếu là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hoàng Xuân Tùng xuất thân từ dân thể thao chuyên nghiệp, một vận động viên trụ cột, nòng cốt của đội tuyển bóng bàn của tỉnh. Tay vợt kỳ cựu, nổi tiếng một thời này đã từng gặt hái được nhiều danh hiệu cao quý trong nước cùng bộ sưu tập ấn tượng với gần 400 huy chương, cúp các loại. Sau khi giải nghệ, qua thời kỳ đỉnh cao phong độ, rời đội tuyển, năm 2017, anh thành lập Câu lạc bộ Hoàng Tùng với mục đích thỏa niềm đam mê quả bóng tròn cũng như góp phần đào tạo, ươm mầm các tài năng trẻ cho bóng bàn tỉnh nhà.

Phương châm đào tạo của anh là “Không chạy theo số lượng mà chú trọng chất lượng” nên qua hai năm “đãi cát tìm vàng” chỉ chọn được 15 em để tập luyện, đào tạo chuyên sâu. Phương pháp huấn luyện, đào tạo được anh áp dụng hết sức chuyên nghiệp, bài bản, theo từng giáo án, chương trình khoa học. Chăm chút cho “đứa con đẻ”, anh không ngại tốn kém chi phí lặn lội qua tận Hàn Quốc, vốn là một trong những nước có thế mạnh về bóng bàn để học tập, tham khảo nhiều mô hình, trung tâm đào tạo bóng bàn để tự xây dựng chương trình, ứng dụng, phục vụ cho công tác đào tạo của câu lạc bộ.

Tay vợt Hoàng Xuân Tùng (bìa phải) thi đấu tại một giải bóng bàn.
Tay vợt Hoàng Xuân Tùng (bìa phải) thi đấu tại một giải bóng bàn.

Được học với người thầy có trình độ, giàu kinh nghiệm, nhiệt huyết nên các tay vợt nhí tại câu lạc bộ có sự tiến bộ vượt bậc, dần hoàn thiện các kỹ thuật cá nhân và chính các em giúp câu lạc bộ đạt một số thành tích ban đầu đáng khích lệ ở đấu trường trong nước. Mới đây nhất, hai vận động viên Hoàng Oanh và Xuân Tâm tham gia Giải vô địch bóng bàn trẻ toàn quốc đã đoạt Huy chương Đồng. Nhiều người làm công tác quản lý thể dục thể thao, quan tâm đến thể thao tỉnh nhà khi thị sát công tác đào tạo tại đây hết sức kỳ vọng, tin tưởng câu lạc bộ sẽ là địa chỉ sản sinh ra nhiều tài năng trẻ bóng bàn Đắk Lắk, tạo cú hích cho sự phát triển của bóng bàn trong tương lai.

Ngoài công tác đào tạo vận động viên chuyên nghiệp, câu lạc bộ cũng là “mái nhà chung”, nơi hội tụ, gặp gỡ, sinh hoạt, giao lưu bóng bàn của các hội viên. Hiện câu lạc bộ có 25 hội viên không phân biệt nghề nghiệp, tuổi tác tham gia sinh hoạt thường xuyên. Họ có trình độ bóng bàn tốt, thường xuyên tham gia các giải đấu trong tỉnh để giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm và tìm kiếm, “săn” huy chương, giải thưởng. Đơn cử như tại Giải bóng bàn các câu lạc bộ tỉnh năm 2019 vừa diễn ra, cặp vận động viên Lê Huỳnh Phương Linh – Trịnh Thị Thu Hương của câu lạc bộ đã giành giải Nhất nội dung đồng đội; hai tay vợt Nguyễn Xuân Tâm – Lê Thị Mỹ Dung đoạt giải Nhất nội dung đôi nam nữ.

Đăng Triều

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.