Giải đua thuyền truyền thống huyện Krông Ana: Khẳng định năng lực tổ chức của địa phương
Năm 2006, Giải đua thuyền truyền thống huyện Krông Ana được công nhận là giải thể thao cấp tỉnh. Tuy nhiên đến năm 2020, giải được chính thức bàn giao về cho địa phương tổ chức.
Đây là cơ hội giúp huyện Krông Ana khẳng định năng lực tổ chức một giải thể thao đã gây dựng được thương hiệu từ nhiều năm qua.
Trước khi giải năm 2020 diễn ra, một số luồng dư luận cho rằng sau những lùm xùm, không thể trao giải vì những khiếu kiện liên quan đến công tác chuyên môn năm 2019, cấp tỉnh đã “đùn” xuống cho địa phương nhằm tránh tai tiếng, song Trưởng Phòng thể thao quần chúng (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Võ Đình Đoài khẳng định những thông tin trên là không chính xác.
Trên thực tế, từ năm 2017, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có chủ trương bàn giao giải về cho địa phương. Cơ sở để Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa ra quyết định là qua một quá trình, thời gian tổ chức ở cấp tỉnh (từ năm 2006), Sở nhận thấy giải có dấu hiệu ngày càng thu hẹp lại về quy mô, số lượng các thuyền đua ngày càng giảm.
Ngoài ra, tuy mang danh là giải đua thuyền cấp tỉnh, song trên thực tế giải chỉ có sự cạnh tranh nội bộ của hai xã Bình Hòa và Quảng Điền (chỉ duy nhất một năm 2019 là có thêm thị trấn Buôn Trấp). Đơn cử như từ hơn 30 thuyền tham dự những ngày đầu thì đến năm 2019 đã giảm xuống chỉ còn 24 thuyền và năm 2020 này chỉ còn 16 thuyền. Nguyên nhân là do các tay chèo dự giải ngày càng lớn tuổi, trong khi thế hệ trẻ không còn mặn mà với môn thể thao đậm chất văn hóa dân tộc này, không “kế nghiệp”, theo cha ông tập luyện.
Các thuyền đua tranh tài. |
Trước thực tế đó, với mục tiêu duy trì một giải đấu quy mô cấp tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa ra phương án, nhiều lần tổ chức họp, mời các huyện có môn thể thao đua thuyền khá phát triển như Ea Súp, Lắk, Cư Kuin tham dự. Tuy nhiên, với đặc thù của môn đua thuyền ở các vùng miền khác nhau, như đua thuyền ở Ea Hu, huyện Cư Kuin chỉ có 7 người, đua thuyền độc mộc ở Lắk chỉ có một người, trong khi đua thuyền truyền thống của huyện Krông Ana có đến 15 tay chèo, nên các địa phương trên không mặn mà tham dự bởi đây không phải là sở trường của mình, khó có thể cạnh tranh với huyện chủ nhà.
Đến cuối năm 2019, sau khi thống kê danh sách các thuyền dự giải cũng như bàn bạc, thống nhất với địa phương, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chính thức bàn giao cho huyện Krông Ana đứng ra tổ chức và lấy tên là Giải đua thuyền truyền thống huyện Krông Ana. Tuy không trực tiếp đứng ra tổ chức, song Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng phối hợp, hỗ trợ địa phương về công tác chuyên môn, bố trí các máy quay flycam trên không, giám sát quá trình đua. Về phía huyện Krông Ana, việc được chủ động hoàn toàn trong khâu tổ chức sẽ là cơ hội để địa phương khẳng định năng lực điều hành giải đua.
Ngay trong giải đầu tiên, Ban tổ chức Giải đua thuyền truyền thống huyện Krông Ana đã tạo được dấu ấn qua công tác tổ chức rất chuyên nghiệp cũng như những đổi mới trong thể thức đua. Theo đó, thay vì đua theo chiều ngang của hồ thì các thuyền sẽ đua theo chiều dọc hồ, tạo thuận lợi cho khán giả theo dõi, tránh tình trạng chen lấn, xô đẩy. Mặc khác, khi chiều dài đường đua được tăng lên (từ 500 mét lên 1.000 mét), đã tạo không khí tranh tài sôi nổi, các tay chèo có thể phát huy được sở trường, thể hiện được chiến thuật, sự phối hợp ăn ý trong từng quãng đường đua. Bên cạnh đó, Ban tổ chức cũng bố trí nhiều máy quay tại vị trí đích đến, mỗi máy quay đảm nhận quay một thuyền đua, với mục đích xác định chính xác thuyền về đích đầu tiên; trường hợp có chủ thuyền thắc mắc sẽ trình chiếu ngay tại chỗ, để các thuyền thua phải “tâm phục khẩu phục”.
Ban tổ chức trao giải cho đội về Nhất. |
Đã nhiều năm tham dự giải, chủ thuyền Trần Văn Lực nhận xét: “Với công tác tổ chức chu đáo, chuyên nghiệp như thế này, giải năm nay thực sự là sân chơi khách quan, trung thực mang đậm tinh thần thể thao cao thượng, các đội dù thắng hay thua đều hết sức hài lòng, không xảy ra tình trạng tranh cãi, bỏ cuộc giữa đường đua, hoặc không lên nhận giải”.
Giải đua thuyền truyền thống huyện Krông Ana là giải đấu thứ hai Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch bàn giao về cho địa phương tổ chức. Trước đó, Sở cũng đã giao Hội vật Vụ Bổn cho huyện Krông Pắc tổ chức. |
Đăng Triều
Ý kiến bạn đọc