Xã hội hóa thể dục thể thao ở Krông Ana
Ước tính tổng kinh phí từ nguồn xã hội hóa hoạt động TDTT hằng năm trên địa bàn huyện Krông Ana khoảng 600 triệu đồng. Toàn huyện có hơn 48,5% số người tập luyện TDTT thường xuyên, trên 47,6% số gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình thể thao; 39 câu lạc bộ thể thao được duy trì hiệu quả; 100% các xã, thị trấn có sân chơi, bãi tập….
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Điền Đặng Thị Kim Tuyến, kinh phí ngân sách dành cho hoạt động TDTT ở xã bình quân mỗi năm khoảng 28 triệu đồng là rất ít, chỉ đủ chi cho một hoạt động TDTT, trong khi đó nhu cầu tổ chức các hoạt động TDTT của người dân rất lớn nên số tiền trên chủ yếu sử dụng trong công tác tổ chức, trao giải và hỗ trợ một phần nhỏ kinh phí tập luyện cho các đội tuyển thi đấu. Việc huy động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân được địa phương khai thác tối đa theo phương thức xã hội hóa qua hoạt động tài trợ giải, hỗ trợ công tác tổ chức, cổ động, thưởng “nóng” tại các trận đấu...
Nhờ đó, xã luôn duy trì hiệu quả các giải bóng đá nhi đồng vào mùa hè, tuyển chọn đội bóng tham gia giải bóng đá nhi đồng huyện, tổ chức giải bóng chuyền vào các ngày lễ lớn trong năm, tham gia lễ hội đua thuyền truyền thống… Đặc biệt, Giải đua thuyền truyền thống xã Quảng Điền được duy trì tổ chức hằng năm để chào mừng Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18-11) là giải đấu lớn nhất của xã, có 15 đội đua với hàng trăm vận động viên tham gia. Tổng kinh phí để tổ chức giải lên đến hàng trăm triệu đồng, chủ yếu do các tổ chức, cá nhân trên địa bàn xã hỗ trợ.
Các vận động viên tham gia Giải đua thuyền truyền thống huyện Krông Ana năm 2020. |
Ông Huỳnh Đức Ánh, trưởng thôn 1, xã Quảng Điền cho hay, thôn hiện có 5 thuyền, trong đó có một thuyền mới đóng trong tháng 6-2020 với số tiền hơn 60 triệu đồng do toàn thể người dân trong thôn đóng góp. Đây là giải đua truyền thống của địa phương nên người dân ủng hộ nhiệt tình, các thành viên của đội đua bỏ công luyện tập, người dân ủng hộ kinh phí tập luyện, đầu tư sửa chữa, đóng mới thuyền…
Tương tự, các bộ môn thể thao khác trên địa bàn huyện cũng được duy trì hiệu quả qua những giải đấu tại các cơ quan, trường học, địa phương, với các môn cầu lông, bóng bàn, bóng chuyền… Nổi bật nhất là giải bóng đá thiếu niên nhi đồng được 100% xã, thị trấn duy trì tổ chức hằng năm vào mùa hè, tạo sân chơi bổ ích cho các em học sinh, qua đó chọn đội tuyển tham gia thi đấu cấp tỉnh.
Theo thống kê sơ bộ của Phòng Văn hóa - Thông tin huyện, toàn huyện hiện có 8 sân bóng đá mini, 41 sân bóng chuyền, 30 sân cầu lông, 22 bàn bóng bàn ở các trường học, hộ gia đình; 26/26 buôn đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn đều có sân bóng chuyền được xây dựng trong khoảng 3 năm nay theo hình thức xã hội hóa với kinh phí 25 - 35 triệu đồng/sân. Các sân chơi đã phần nào đáp ứng nhu cầu rèn luyện TDTT của người dân, thúc đẩy phong trào TDTT quần chúng thêm phong phú, sôi nổi.
Các đội tuyển tham gia Giải bóng đá thiếu niên nhi đồng huyện Krông Ana năm 2019. |
Ông Nguyễn Minh Nguyệt, Phó Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện cho rằng, xã hội hóa hoạt động TDTT là cái bắt tay “đôi bên cùng có lợi”. Bởi khi doanh nghiệp tài trợ cho giải thì hình ảnh, thương hiệu của doanh nghiệp sẽ được quảng bá, gắn tên trên panô, áp phích, thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng trong suốt thời gian diễn ra giải; còn Ban tổ chức sẽ có kinh phí để điều hành, số tiền tài trợ càng cao (đồng nghĩa với giải thưởng lớn) thì giải đấu càng quy mô, thu hút được nhiều người tham gia. Sự chung tay góp sức từ nguồn xã hội hóa đã giúp các xã, thị trấn duy trì việc tổ chức 2 - 3 giải thể thao mỗi năm, tạo môi trường cho vận động viên có cơ hội thi đấu thực tế, tích lũy kinh nghiệm, cũng là cơ sở để tuyển chọn các vận động viên xuất sắc tham gia các giải đấu cao hơn, thúc đẩy phong trào thể thao phát triển.
Nhật Minh
Ý kiến bạn đọc