Multimedia Đọc Báo in

Kích cầu du lịch qua hoạt động thể thao

15:00, 27/08/2020
Những năm gần đây, Đắk Lắk trở thành địa điểm đăng cai nhiều giải thể thao quy mô cấp toàn quốc và khu vực. Với tầm nhìn chiến lược, những người làm công tác quản lý thể thao, du lịch nhận ra đây chính là cơ hội tốt để quảng bá về địa phương, kích cầu phát triển du lịch tỉnh nhà, góp phần tăng trưởng kinh tế…
 
Trong các chính sách, chiến lược, giải pháp phát triển du lịch, ngành văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh xác định những sự kiện thể thao luôn là cơ hội thu hút du khách, tạo nguồn thu không nhỏ cho địa phương thông qua loại hình du lịch thể thao.
 
Chính vì vậy, Đắk Lắk luôn sẵn sàng đảm nhận, thậm chí là xung phong để được đăng cai các giải thể thao quy mô, chất lượng. Chỉ riêng trong năm 2020, nếu tình hình dịch bệnh Covid-19 không bùng phát, Đắk Lắk là địa điểm đăng cai hàng loạt giải đấu quy mô cấp toàn quốc, như: Yoga; Vòng 2 Giải bóng chuyền vô địch quốc gia; Võ cổ truyền; Vô địch Cúp các câu lạc bộ boxing; Đua xe đạp HTV; Đẩy gậy, kéo co…
 
Đặc biệt là giải đấu đỉnh cao, hấp dẫn nhất khu vực, đã gây dựng được thương hiệu là Cúp bóng chuyền nữ quốc tế VTV9 Bình Điền mà Đắk Lắk đã hoàn tất mọi công tác chuẩn bị, sẵn sàng để giải diễn ra theo như kế hoạch vào tháng 5-2020. 
 
TP. Buôn Ma Thuột có dịp quảng bá hình ảnh khi trở thành điểm diễn ra các giải đua xe đạp  toàn quốc.
TP. Buôn Ma Thuột có dịp quảng bá hình ảnh khi trở thành điểm diễn ra các giải đua xe đạp toàn quốc.

Giải bị hoãn do dịch bệnh gây sự hụt hẫng cho người hâm mộ cũng như sự tiếc nuối của ngành du lịch Đắk Lắk, bởi giải đấu uy tín này thu hút 8 đội bóng, gồm 4 đội mạnh nhất trong nước và 4 đội khách mời đến từ Thái Lan, Mỹ, Trung Quốc, Kazakhstan… với tổng số hơn 300 vận động viên, nhân viên phục vụ và thời gian lưu trú, thi đấu hơn 10 ngày thì doanh thu qua các hoạt động dịch vụ là không nhỏ. Chưa kể chủ nhà đăng cai Đắk Lắk sẽ tận dụng tối đa cơ hội này để quảng bá du lịch, với sự vào cuộc của truyền thông quốc tế, trong nước, hình ảnh về vùng đất Tây Nguyên hùng vĩ, cùng những địa danh du lịch nổi tiếng sẽ đến với du khách khắp thế giới. Kinh nghiệm của những lần tổ chức trước đó (năm 2010 và 2011) đã giúp Đắk Lắk sẵn sàng xúc tiến các tour du lịch liên quan đến sự kiện này…

 Sau khi dịch bệnh Covid-19 cơ bản được kiểm soát, chưa bùng phát ở đợt thứ 2, cuối tháng 6 và trung tuần tháng 7, thể thao Đắk Lắk diễn ra sôi động kéo theo bức tranh du lịch tỉnh nhà khởi sắc trở lại khi Đắk Lắk liên tiếp đăng cai 3 giải đấu quy mô là giải Vô địch Cúp các câu lạc bộ boxing toàn quốc 2020, Giải Cầu lông, bóng bàn gia đình toàn quốc 2020 và Đua xe đạp Cúp truyền hình TP. Hồ Chí Minh. Các giải đấu này kéo dài cả tuần, với tổng cộng khoảng 1.000 vận động viên, huấn luyện viên, đội ngũ hậu cần đã giúp cho hệ thống chuỗi nhà hàng, khách sạn trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột tăng doanh thu không nhỏ. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng phối hợp quảng bá, hướng dẫn các địa điểm du lịch để các đoàn vận động viên sau khi kết thúc giải đi tham quan, du lịch. Anh Nguyễn Đình Tính (tỉnh Bắc Giang) và con gái Nguyễn Thị Ánh Ngọc, tham dự Giải cầu lông, bóng bàn gia đình toàn quốc chia sẻ: “Nhờ tham dự giải đấu này nên lần đầu tiên tôi mới đặt chân đến Đắk Lắk. Tất nhiên cả gia đình không bỏ lỡ cơ hội quý, dành thời gian để khám phá những địa điểm du lịch nổi tiếng của Đắk Lắk bởi mỗi lần muốn đi là một lần khó”. Qua đó có thể thấy rõ, các sự kiện thể thao luôn là dịp thu hút du khách, kích cầu du lịch của địa phương.
 
Khi đã xác định các giải đấu thể thao chuyên nghiệp và sự kiện thể thao quy mô chính là cơ hội thu hút du khách, tỉnh sẽ sử dụng, tận dụng hiệu ứng của thể thao như là công cụ marketing, tạo đòn bẩy để phát triển, kích cầu du lịch. Chính vì vậy, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm 2020, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Hồng Hà có ý kiến chỉ đạo lãnh đạo 2 bộ phận du lịch và thể thao cần phối hợp chặt chẽ, từ quá trình chuẩn bị tổ chức giải đấu, cơ sở vật chất đến triển khai kế hoạch quảng bá, giới thiệu các địa danh du lịch ngay trong quá trình tổ chức giải, thông tin về điểm đến, du lịch, các tiện ích tại điểm đến để du khách, vận động viên nắm bắt và chọn lựa.
 
Đăng Triều
 
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.