Để bóng đá Việt Nam trở nên chuyên nghiệp
V-League ra đời đã tròn 20 năm, song nếu nhìn vào lối hành xử phi thể thao của một số câu lạc bộ thì khó có thể nói rằng bóng đá Việt Nam đã thật sự đúng nghĩa chuyên nghiệp...
Gần đây nhất, giới truyền thông bóng đá nước nhà "dậy sóng" trước trường hợp một trong những câu lạc bộ được mến mộ hàng đầu bởi lối chơi fair play trong sáng, cống hiến; cái nôi đào tạo, cung cấp cầu thủ cho đội tuyển quốc gia là Hoàng Anh Gia Lai sau khi chính thức giành suất trụ hạng đã có màn trình diễn nhạt nhòa, đáng thất vọng ở giai đoạn 2 dù họ hoàn toàn có cơ hội đứng vào tốp 3 đội dẫn đầu với thực lực hiện có của mình.
Hàng loạt câu hỏi được dư luận đặt ra sau chuỗi trận toàn thua của đội bóng này, như vì sao sở hữu trong đội hình nhiều tuyển thủ quốc gia, lại không bị chấn thương, song Ban huấn luyện chỉ đưa vào sân đội hình dự bị trong một số trận cầu quan trọng, có thể ảnh hưởng đến cục diện của bảng. Tất nhiên, dưới góc độ chuyên môn, huấn luyện viên hoàn toàn có quyền tự quyết, chọn lựa, đưa ra đội hình xuất phát của mình với vô vàn những lý do khác nhau, song ở góc độ khán giả, họ cảm thấy có điều gì đó chưa thỏa mãn, hài lòng, cảm giác như bị xúc phạm, bị lừa dối, xem thường bởi cái cách mà họ thể hiện trên sân cỏ thì dường như tất cả các cầu thủ bị triệt tiêu động lực thi đấu.
Bóng đá rất cần lối hành xử chuyên nghiệp của cầu thủ trong khi thi đấu. |
Điều này trái ngược hẳn với các đội bóng đang chơi ở những giải đấu nước ngoài, trong trường hợp họ không còn cơ hội cạnh tranh chức vô địch hoặc chính thức xuống hạng, với tính chuyên nghiệp của mình, cộng thêm tâm lý thoải mái, họ có thể khiến các đội bóng đang trong cuộc đua đến ngôi vương phải ôm hận.
Trở lại với đội bóng vừa nêu, hậu quả của lối đá nghiệp dư, tùy hứng, thoải mái, chẳng thèm quan tâm đến thành tích, nhà tài trợ, xem thường khán giả đã dẫn đến hệ quả nhãn tiền: trên khán đài, cổ động viên bỏ thời gian theo chân đội bóng đến sân khách để cổ vũ đã phản ứng hết sức quyết liệt khi tình yêu, niềm tin mà mình đặt vào đội bóng bị xúc phạm.
Trước đó không lâu, hình ảnh bóng đá nữ Việt Nam vốn gây dựng trong mắt bạn bè quốc tế bao năm cũng phần nào bị đánh mất bởi những hình ảnh xấu xí, phi thể thao trên sân cỏ của đội bóng nữ Phong Phú Hà Nam. Trong trận đấu giữa hai đội Phong Phú Hà Nam và TP. Hồ Chí Minh 1, các cầu thủ Phong Phú Hà Nam đã phản ứng quyết định của trọng tài một cách hết sức nghiệp dư: bỏ ngang, không tiếp tục thi đấu, bất chấp sự thuyết phục của Ban tổ chức. Tất nhiên những cá nhân liên quan, chịu trách nhiệm chính đều bị các mức kỷ luật khác nhau, tương xứng với hành vi của mình. Trong trường hợp này, nếu hành xử một cách bình tĩnh và chuyên nghiệp, Phong Phú Hà Nam vẫn tiếp tục thi đấu và có đơn khiếu nại đến Ban tổ chức về các quyết định của trọng tài nếu cảm thấy đội bóng mình bị trọng tài o ép, xử sai. Đáng tiếc điều đó đã không xảy ra, và với cách hành xử quá thiếu chuyên nghiệp này, hình ảnh của bóng đá nữ Việt Nam trên bản đồ khu vực đã để lại những tiếng tăm không hay, những thành tích của bóng đá nữ đạt được trong đấu trường khu vực thời gian qua không đủ để khỏa lấp, làm lu mờ những tì vết đó.
May mắn cho bóng đá Việt Nam, trong bối cảnh bức tranh bóng đá nước nhà có nhiều gam màu tối thì vẫn còn có câu lạc bộ hành xử một cách chuyên nghiệp, đáng khâm phục, dù họ là đội bóng chơi ở Giải hạng Nhất quốc gia và đang đứng trước nguy cơ xuống hạng. Trong trận cầu giữa Câu lạc bộ bóng đá Đắk Lắk gặp Long An trên sân vận động Buôn Ma Thuột ở lượt trận thứ 2, giai đoạn 2, ở những giây bù giờ cuối cùng của trận đấu, trọng tài đã thổi cho đội chủ sân Buôn Ma Thuột hưởng một quả phạt đền trong một tình huống không rõ ràng. Tất nhiên tất cả các cầu thủ khách đều phản ứng, bởi kết quả trận đấu có tính chất quyết định đến số phận sống còn của họ. Trong lúc trọng tài phân vân, lưỡng lự với quyết định mình đưa ra, Ban huấn luyện đội bóng bình tĩnh, gọi các cầu thủ đến nắm bắt diễn biến của tình huống ấy và tiếp tục chỉ đạo các cầu thủ tuân thủ quyết định cuối cùng của trọng tài dù bản thân Ban huấn luyện cũng rất bất mãn, bị ức chế bởi những quyết định có phần “ưu ái” cho chủ nhà trong suốt trận đấu. Thế nhưng Long An vẫn chấp nhận và tiếp tục ra sân để trận đấu có thể kết thúc cách tốt đẹp. Cách hành xử fair play ấy đã nhận được tràng pháo tay tán thưởng nhiệt tình của khán giả phố núi Ban Mê.
Các cầu thủ, Ban huấn luyện An Giang đang phân tích tình huống bị trọng tài thổi phạt penalty và phản ứng chừng mực trong trận gặp Đắk Lắk. |
Một đội bóng khác đang chơi ở Giải hạng Nhất là An Giang cũng thế! Đội bóng đã lọt vào tốp 6 và chính thức đoạt suất trụ hạng song không đủ thực lực để cạnh tranh chức Vô địch, lên hạng chơi ở V.league 1. Nhưng không vì thế mà An Giang buông xuôi, để cho các đội khác dễ dàng lấy điểm. Cụ thể ở lượt trận vừa qua, họ đã cầm hòa ứng cử viên của chức vô địch Bà Rịa - Vũng Tàu, đội bóng rất mạnh, đang hừng hực khí thế, băng băng về đích trên bảng xếp hạng. Sự nỗ lực của An Giang đã giúp cuộc chiến đến ngôi vương kịch tính, gay cấn và giải đấu hấp dẫn hơn lúc nào hết.
Từ câu chuyện của Long An, An Giang, ngẫm lại có lẽ bóng đá Việt Nam sẽ dần trở nên chuyên nghiệp nếu tự bản thân các cầu thủ và ban huấn luyện các đội bóng hiểu rõ luật chơi, có lối hành xử đúng đắn, phù hợp trong mọi tình huống.
Đăng Triều
Ý kiến bạn đọc