Multimedia Đọc Báo in

Xuất sắc đội tuyển đẩy gậy Đắk Lắk

11:28, 25/10/2020

Đội tuyển đẩy gậy Đắk Lắk vừa tham dự Giải vô địch đẩy gậy toàn quốc năm 2020 diễn ra tại TP. Buôn Ma Thuột và xuất sắc đoạt giải Nhì toàn đoàn. Đây là thành tích khá bất ngờ, bởi bộ môn thể thao dân tộc truyền thống này vốn là thế mạnh của nhiều địa phương khác...

Giải năm nay có 200 vận động viên đến từ các tỉnh: Lai Châu, Nghệ An, Sơn La, Lào Cai, Bắc Giang, Yên Bái, Điện Biên, Đắk Lắk, Gia Lai, TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội tham gia tranh tài ở 26 hạng cân, trong đó có 14 hạng cân nam, 12 hạng cân nữ. Nhìn vào danh sách các địa phương vốn có bề dày thành tích ở bộ môn này như Sơn La, Lào Cai, Bắc Giang… thì khó để Đắk Lắk giành được vị trí cao dù có lợi thế là chủ nhà đăng cai.

Sự tự tin của chủ nhà là những Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số toàn quốc khu vực II (gồm các tỉnh duyên hải miền Trung - Tây Nguyên) Đắk Lắk luôn khẳng định được chỗ đứng. Nhưng ở cấp độ toàn quốc, khi mà những tỉnh rất mạnh ở bộ môn thể thao truyền thống này luôn có sự chuẩn bị, đầu tư mạnh mẽ, tuyển chọn kỹ lưỡng về mặt lực lượng thì Đắk Lắk vẫn chưa thể sánh bằng. Trên thực tế, 100% vận động viên bộ môn đẩy gậy của Đắk Lắk là những vận động viên không chuyên, vừa được tuyển chọn qua Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số của tỉnh năm 2020 và tập trung tập luyện trước thời gian diễn ra giải chưa đầy một tuần. Chính vì vậy giới chuyên môn nhận định, đẩy gậy Đắk Lắk khó chen chân vào tốp 3.

Vận động viên H’Yen Êung (bên trái) đem về tấm Huy chương Vàng đầu tiên cho Đắk Lắk tại Giải vô địch đẩy gậy  toàn quốc năm 2020.
Vận động viên H’Yen Êung (bên trái) đem về tấm Huy chương Vàng đầu tiên cho Đắk Lắk tại Giải vô địch đẩy gậy toàn quốc năm 2020.

Tham gia giải này, Đắk Lắk có 22 vận động viên thi đấu ở 22 hạng cân, gồm 11 hạng cân nam và 11 hạng cân nữ. Sau ngày thi đấu vòng loại thứ nhất, Đắk Lắk có 7 vận động viên vào bán kết ở các hạng cân, song có đến 6 người phải dừng bước, gồm: H’Nhem Niê (45kg), H’Loanh Niê (51kg), H’Cẽl Ksơr (60kg), Đinh Ích Cao (54kg), Phạm Thanh Truyền (63kg) và Y Rưng Bkrông (66kg). Mọi sự kỳ vọng của Đắk Lắk về chiếc Huy chương Vàng đầu tiên tại giải đều trông chờ vào vận động viên duy nhất vào đến trận chung kết là Chu Văn Long (83kg). Vận động viên sinh năm 1986 đến từ huyện Buôn Đôn vừa đoạt Huy chương Vàng tại Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số tỉnh năm 2020 bước vào trận đấu gặp đối thủ Quàng Văn Sơn của Sơn La trẻ hơn mình đến 5 tuổi nên đã chấp nhận thất thủ khi thua 2 hiệp trắng và chỉ đoạt Huy chương Bạc.

Lúc bấy giờ, trên bảng xếp hạng chung cuộc, đoàn TP. Hồ Chí Minh đang độc chiếm vị trí đầu bảng với 7 Huy chương Vàng ở các nội dung. Đây là kết quả được dự đoán trước, bởi theo Phó Trưởng đoàn TP. Hồ Chí Minh Trần Minh Khang thì đoàn mang theo đội hình mạnh nhất, với những gương mặt đã từng tham gia 2 môn đẩy gậy, kéo co và từng đoạt Huy chương Vàng châu Á với tham vọng, quyết tâm giữ vững ngôi Vô địch toàn đoàn đã từng đạt được ở giải này năm 2019.

Vận động viên Y Đen Êung (bìa phải) trong trận chung kết .
Vận động viên Y Đen Êung (bìa phải) trong trận chung kết.

Thế nhưng trong ngày thi đấu cuối của những hạng cân nặng có tính chất quyết định cho thứ hạng toàn đoàn, các vận động viên Đắk Lắk đã có cú bứt phá ngoạn mục. Trong số 5 hạng cân mà chủ nhà tranh tài đã có 4 gương mặt vào đến vòng chung kết là: H’Yen Êung (69 kg), Triệu Xuân Thìn (60 kg), Y Chinh Niê (69 kg), Y Đen Êung (75 kg). Trong đó hai chị em ruột đến từ huyện Lắk là H’Yen Êung và Y Đen Êung với bản lĩnh, kinh nghiệm từng tham dự nhiều giải đấu từ năm 2007 đã dễ dàng vượt qua vận động viên Vũ Thị Huyền Vy (Yên Bái) và Nguyễn Trung Tín (TP. Hồ Chí Minh) để đoạt chức Vô địch. 2 Huy chương Vàng đầu tiên của Đắk Lắk đã tiếp thêm sức mạnh, động lực để Triệu Xuân Thìn và Y Chinh Niê tiếp tục vượt qua các đối thủ mạnh là Ngô Văn Tuấn (Bắc Giang) và Trương Vũ Bá Triệu (TP. Hồ Chí Minh) để bước lên bục vinh quang, giúp chủ nhà Đắk Lắk đoạt 4 huy chương Vàng trong ngày.

Ở buổi thi đấu cuối cùng của giải, vận động viên H'Duel Niê Kdăm (hạng cân trên 75 kg) - tay đẩy vừa trở lại sàn đấu sau 1 năm nghỉ sinh đã vào đến chung kết song do bị mất sức đã để thua sít sao 1-2 trước nhà đương kim vô địch Lê Ngọc Phương Thùy của TP. Hồ Chí Minh nên không thể giúp Đắk Lắk có thêm tấm huy chương vàng thứ năm. Tuy vậy, chủ nhà vẫn hoàn toàn hài lòng, bởi với 4 Huy chương Vàng, 4 Huy chương Bạc và 9 Huy chương Đồng, đoàn Đắk Lắk khép lại giải đấu với vị trí thứ Nhì, xếp trên đơn vị rất mạnh là Bắc Giang do hơn 6 Huy chương Đồng. Đây cũng là kết quả tốt nhất của đội tuyển đẩy gậy Đắk Lắk ở đấu trường quy mô trong nước.

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk Nguyễn Văn Hà, giải đấu là dịp để kiểm tra, đánh giá trình độ của các vận động viên để từ đó Đắk Lắk tiếp tục quan tâm, chú trọng đến công tác bảo tồn, phát huy môn thể thao dân tộc truyền thống đặc sắc này.

Đăng Triều


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.