Multimedia Đọc Báo in

Bốc thăm chia bảng Giải bóng chuyền vô địch quốc gia 2021: Đắk Lắk rơi vào bảng đấu khó

20:50, 06/03/2021

Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam vừa tổ chức Lễ bốc thăm chia bảng Vòng I, Giải bóng chuyền vô địch quốc gia 2021- giải đấu cao nhất của bóng chuyền Việt Nam mà Câu lạc bộ bóng chuyền nữ Đắk Lắk đang góp mặt.

Những lá thăm may rủi đã đưa thầy trò Huấn luyện viên Trần Đăng Thành rơi vào bảng B, với những đội rất mạnh, gồm: VTV Bình Điền Long An, Hóa chất Đức Giang Hà Nội, Kinh Bắc Bắc Ninh và Thái Bình. Giới chuyên gia nhận định đây là "bảng đấu tử thần", bởi sự hiện diện của Á quân mùa giải trước Hóa chất Đức Giang Hà Nội cùng đội xếp thứ 3 là Kinh Bắc Bắc Ninh, còn 2 đội VTV Bình Điền Long An và Thái Bình cũng được đánh giá rất cao bởi lực lượng đồng đều.

Trong khi đó ở bảng A nữ, nhà đương kim Vô địch Thông tin Lienvietpostbank sẽ nhẹ nhàng hơn trong hành trình bảo vệ ngôi hậu khi cùng bảng với các đội Than Quảng Ninh, Ngân hàng Công thương, Ninh Bình, Hải Tiến Thanh Hóa.

Các cô gái áo vàng Đắk Lắk tranh tài ở mùa giải 2020.
Các cô gái áo vàng Đắk Lắk tranh tài ở mùa giải 2020.


Giải bóng chuyền vô địch quốc gia 2021, nội dung nữ có 10 đội tham dự. Các đội chia bảng thi đấu 2 vòng, phân chia thứ hạng từ 1-10. Sau đó 4 đội đứng đầu sẽ bước vào thi đấu bán kết theo thể thức đội thứ nhất gặp đội thứ 4 và đội thứ 2 gặp đội thứ 3. Còn ở nhóm tranh suất trụ hạng là hai cặp đấu: đội thứ 7 gặp đội thứ 10 và đội thứ 8 gặp đội thứ 9. Hai đội thua sẽ bước vào thi đấu “chung kết ngược” để giành lại tấm vé trụ hạng. Đội đoạt chức vô địch sẽ nhận phần thưởng 150 triệu đồng, đội xếp hạng Nhì và Ba lần lượt được thưởng 80 và 50 triệu đồng.

Giai đoạn 1 của giải sẽ khởi tranh ở Hà Nội (bảng A) từ ngày 11 đến ngày 15-4, còn ở bảng B sẽ diễn ra tại Quảng Ninh.

Đăng Triều

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.