Multimedia Đọc Báo in

Đằng sau ’độc chiêu’ của Iran về vấn đề hạt nhân

16:34, 21/05/2010

Đồng ý tiến hành trao đổi uranium với phương Tây tại Thổ Nhĩ Kỳ, Iran “câu giờ, né” lệnh trừng phạt của Liên hiệp quốc; khiến Mỹ và đồng minh lo lắng.

Chiến thuật "lạng lách" của Iran

Theo hiệp định ba bên gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil và Iran ký hôm 17-5, Iran sẽ chuyển 1.200 kg uranium (70%  kho uranium của Iran) có độ tinh khiết 3,5% sang Thổ Nhĩ Kỳ để đổi lấy 120 kg uranium có độ tinh khiết 20% dùng cho nghiên cứu. Nếu trong vòng một năm mà Iran không nhận được 120 kg uranium tinh khiết 20%, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ trả Iran 1.200 kg uranium.
 
Chỉ với hiệp định trên, Iran đạt được nhiều mục đích mà quan trọng nhất là tránh lệnh trừng phạt nghiêm khắc hơn của Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên hiệp quốc, ít nhất là ở thời điểm hiện tại, khi Trung Quốc gần đây tỏ dấu hiệu đồng ý với lệnh trừng phạt. Nói cách khác, với hiệp định này, Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không dễ dàng để phương Tây trừng phạt Iran. Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva khẳng định: “Ngoại giao là biện pháp chiến thắng trong vấn đề Iran. Việc Iran trao đổi uranium trên đất Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy có thể xây dựng hòa bình, thúc đẩy phát triển qua con đường đối thoại”. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmed Davutoglu khẳng định không cần tăng cường trừng phạt Iran bởi uranium của Tehran được giữ chặt ở Thổ Nhĩ Kỳ, không thể dùng để sản xuất vũ khí. Với những tuyên bố trên, rõ ràng là Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ không ủng hộ trừng phạt Iran và thậm chí, họ không thể để việc này xảy ra bởi điều đó chẳng khác nào là bằng chứng cho thấy hiệp định hôm 17-5 không có giá trị và cả Brazil lẫn Thổ Nhĩ Kỳ không có tiếng nói gì trên trường quốc tế. Tờ Telegraph dẫn lời nhiều người phương Tây khẳng định, Iran lôi kéo cộng đồng quốc tế mà trong trường hợp này là hai quốc gia mới nổi Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ vào cuộc tranh cãi của mình với phương Tây, khiến vụ việc thêm phức tạp. Và với việc cả hai nước Brazil lẫn Thổ Nhĩ Kỳ đều nằm trong HĐBA, nỗ lực trừng phạt Iran của phương Tây càng thêm trắc trở.
 
Chưa dừng lại ở việc “kéo” về phía mình thêm hai “đồng minh” là Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ, hiệp định mà Iran vừa ký còn có tác động lớn hơn khi tạo cơ sở để hai cường quốc có quyền phủ quyết trong HĐBA LHQ là Nga và Trung Quốc không trừng phạt Iran.
 
Cuối cùng, theo Telegraph, việc trao đổi uranium trên đất Thổ Nhĩ Kỳ còn giúp Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad gia tăng uy tín.Với hiệp định này, Iran đáp ứng đề nghị của phương Tây là chuyển uranium ra nước ngoài mà không đánh mất hình ảnh, chủ quyền khi không tuân thủ 100% yêu cầu là chuyển uranium sang Thổ Nhĩ Kỳ chứ không phải là Pháp, Nga theo yêu cầu của phương Tây. Hành động trên chứng tỏ Tổng thống Iran Ahmadinejad không "quỵ lụy" trước sức mạnh phương Tây nên chắc chắn sẽ nhận được sự ủng hộ của không ít người dân Iran, nhất là những người theo trào lưu dân  tộc. Nó sẽ giúp gia tăng uy tín của Tổng thống Iran, củng cố chính quyền chưa thực sự vững chắc hoàn toàn từ sau những rối loạn hậu bầu cử Tổng thống tháng 6-2009.
 
Một điểm nữa cũng được coi là "chiến thắng" của Iran là văn bản được ký hôm 17-5 để sẵn "lối thoát", cho phép nước này rút khỏi hiệp định vừa ký bất kỳ lúc nào mà không bị ràng buộc; hay như việc dù có chuyển 1.200 kg uranium 3,5% ra nước ngoài thì Iran vẫn có thể làm giàu lượng uranium còn lại trong nước lên mức cao hơn, mà theo một số nhà nghiên cứu, đủ để sản xuất vũ khí nguyên tử.
Hiệp định ba bên gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil và Iran ký hôm 17-5 được coi là một "nước cờ" mới của Iran về vấn đề hạt nhân. (Ảnh: T.L)
Hiệp định ba bên gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil và Iran ký hôm 17-5 được coi là một "nước cờ" mới của Iran về vấn đề hạt nhân. (Ảnh: T.L)

Phương Tây không chịu bó tay

Trước "độc chiêu" của Iran, Mỹ, Anh và Pháp  chưa chịu"đầu hàng" và  khẳng định sẽ tiếp tục thúc đẩy việc thông qua nghị quyết trừng phạt mới tới khi Iran có động thái thực sự giải tỏa sự lo ngại của họ.
Ngoại trưởng Anh Alistair Burt khẳng định: “Iran vẫn gây ra nhiều sự lo ngại bởi họ từ chối thảo luận về chương trình hạt nhân của chính mình”.  Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Pháp Bernard Valero thì tuyên bố: “Chúng ta đừng để bị lợi dụng. Việc trao đổi uranium chỉ là vấn đề phụ mà thôi”
Liên minh châu Âu ra thông cáo: “Đây là hành động đáng được hoan nghênh nhưng chưa giải quyết được trọng tâm vấn đề”. Israel thì "kịch liệt" nhất, khẳng định Iran đang lợi dụng Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ. Ở bên kia Đại Tây Dương, phát ngôn viên Nhà Trắng là Robert Gibbs khẳng định: “Hành động của Iran không ngăn cản chúng ta buộc họ tuân thủ các quy định, cũng như trốn tránh sự trừng phạt”. Đức chỉ trích Iran vì cho rằng hiệp định không đáp ứng yêu cầu của HĐBA LHQ, kêu gọi gia tăng sức ép để buộc Iran dừng việc làm giàu uranium.
 
Tất cả các cường quốc phương Tây đều lên tiếng ủng hộ lệnh trừng phạt mới. Nhưng nếu không có sự đồng thuận của Brazil, Thổ Nhĩ và quan trọng nhất là Nga, Trung Quốc thì những tuyên bố trên cũng chỉ dừng lại ở mức độ lời nói. Lệnh trừng phạt mới của HĐBA LHQ nhằm vào Iran sẽ phải mất thêm thời gian thì mới có thể ra đời.
Theo Đất Việt

 


Ý kiến bạn đọc