Multimedia Đọc Báo in

Bạo lực ở Somalia– bài toán chưa có lời giải

00:18, 02/09/2010

Làm thế nào để ngăn chặn bạo lực ở Somalia thực sự là bài toán chưa có lời giải khi mà Chính phủ Somalia hoàn toàn bất lực trước sự bành trướng của lực lượng nổi dậy như hiện nay.

Những ngày gần đây, Thủ đô Mogadishu của Somalia rung chuyển vì các vụ tấn công khủng bố đẫm máu. Đây là hệ quả tất yếu của cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài tại quốc gia này.

Dư luận vốn chẳng lạ gì về tình hình bất ổn tại Somalia từ nhiều năm nay do xung đột sắc tộc và chia rẽ phe phái gây nên. Tuy nhiên, diễn biến bạo lực tại quốc gia này trong mấy ngày gần đây là thực trạng đáng báo động, nó chứng tỏ các nỗ lực của cộng đồng quốc tế vẫn là chưa đủ nhằm đảm bảo an ninh tại mảnh đất này. Chỉ trong hai ngày 23 và 24/8, cuộc giao tranh giữa phiến quân và quân đội Chính phủ Somalia tại Thủ đô Mogadishu đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 50 dân thường và làm hàng trăm người khác bị thương. Nghiêm trọng nhất là vụ tấn công đẫm máu của lực lượng Al Sabah có liên hệ với tổ chức khủng bố Al Qaeda vào một khách sạn ở Mogadishu ngày 24/8 làm hơn 30 người thiệt mạng, trong đó có 6 nghị sĩ Somalia. 

Có thể thấy rằng, dư luận quốc tế đã lên án gay gắt các hành động bạo lực diễn ra ngay trong tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo. Tuy nhiên, nói là chưa đủ mà quan trọng là thế giới phải có những bước đi mới trong việc cứu Somalia khỏi cuộc khủng hoảng toàn diện đã kéo dài hàng chục năm nay. Nhìn lại những việc đã làm, phải thừa nhận rằng, LHQ hay Liên minh châu Phi đều đã cố gắng hỗ trợ chính phủ Somalia ngăn chặn các hành động bạo lực bằng cách gửi binh lính gìn giữ hòa bình tới nước này. Song nhiều năm qua, tiến trình hòa bình tại Somalia gần như vẫn “giậm chân tại chỗ” và hết lần này tới lần khác, các phái bộ quốc tế được gia hạn sự hiện diện tại Somalia để tiếp tục thực hiện sứ mệnh của mình. Như vậy, phải chăng các kế hoạch quân sự là không đủ để dẹp yên lực lượng nổi dậy tại Somalia?

Lực lượng phiến quân tại Somalia đang tấn công Thủ đô Mongadishu. (Ảnh: Internet)
Lực lượng phiến quân tại Somalia đang tấn công Thủ đô Mongadishu. (Ảnh: Internet)

Có thể nói, cũng giống như bao cuộc xung đột khác vào thời điểm hiện nay trên thế giới, khủng hoảng chính trị dẫn tới bạo lực tại Somalia chỉ có thể giải quyết thông qua đối thoại. Song xét trên bình diện hiện nay, cơ hội đàm phán hòa giải dân tộc tại Somalia là hết sức mong manh. Bộ máy quyền lực tại Somalia là một chính phủ chuyển tiếp, vốn yếu kém và chỉ kiểm soát được một vài khu vực ở thủ đô Mogadishu, trong khi đó, lực lượng phiến quân Hồi giáo thì không ngừng lớn mạnh nhờ việc mở rộng hoạt động và lôi kéo thêm các tay súng mới. Vì thế, sẽ chẳng thể có cuộc mặc cả nào một khi chính phủ không thể cầm trịch trong các vấn đề quốc gia.

Điều đáng lo ngại ở chỗ, khủng hoảng tại Somalia không chỉ là vấn đề của nước này mà nó còn ảnh hưởng tới an ninh khu vực và toàn thế giới. Somalia đang trở thành cái nôi cho tội phạm cướp biển và là mảnh đất màu mỡ để chủ nghĩa khủng bố phát triển. Hiện nay, lực lượng phiến quân Hồi giáo ở Somalia có xu hướng bắt tay với các phần tử khủng bố Al Qaeda để tiến hành các vụ tấn công đẫm máu và bạo lực không dừng lại ở địa phận Somalia mà đang lan dần sang các nước láng giềng ở vùng Sừng châu Phi. 

Suốt 18 năm bên bờ vực nội chiến, Somalia giờ đây là một đất nước mệt mỏi và kiệt quệ. Việc tiếp tục gồng mình cho các chiến dịch quân sự nhằm chống lại sự bành trướng của quân nổi dậy ngày càng trở nên quá sức đối với Chính phủ Somalia.

Vì thế, để ngăn chặn chủ nghĩa hồi giáo cực đoan, cộng đồng quốc tế cần hỗ trợ Somalia xây dựng một chính phủ mạnh và một nền kinh tế ổn định. Somalia đang đứng trước một vấn nạn, đó là số thanh niên gia nhập các nhóm phiến quân Hồi giáo chống chính phủ đang gia tăng mạnh. Giới trẻ Somalia phó mặc tương lai cho các nhóm phiến quân Hồi giáo bởi họ coi đây là lối thoát khỏi đói nghèo và thất nghiệp.

Chẳng phải cộng đồng quốc tế không hiểu việc tái thiết Somalia là quan trọng nhưng lại chưa có một kế hoạch thoả đáng để thực hiện nó. Tiến hành các kế hoạch tái thiết Somalia khó khăn hơn nhiều so với tiến hành các chiến dịch quân sự với các mục tiêu tấn công cụ thể. Song nếu muốn giải quyết tận gốc mâu thuẫn chính trị và bạo lực tại Somalia thì đây là vấn đề không thể lảng tránh.

Theo VOVNews

 


Ý kiến bạn đọc