Multimedia Đọc Báo in

Thụy Sĩ: Xây dựng hệ thống đường ngầm dưới lòng đất dài nhất thế giới

10:53, 13/10/2010

Vào ngày 15-10, các kỹ sư Thụy Sĩ sẽ đặt thuốc nổ phá nốt những lớp đá granite cản đường cuối cùng để thông suốt tuyến đường hầm Gotthard Base đi trong lòng dãy Alps nổi tiếng. Và Gotthard Base sẽ trở thành hệ thống đường ngầm dưới lòng đất dài nhất thế giới.

Tuyến đường hầm Gotthard Base, tuyến đường ngầm Ceneri và tuyến đường ngầm Lotschberg (khai trương năm 2007) là các yếu tố cơ bản trong hệ thống đường sắt mới xuyên qua núi Alps (NRLA) - “nóc nhà” của châu Âu, dự án đầy tham vọng của Thụy Sĩ. NRLA cũng là một trong những dự án xây dựng lớn nhất thế giới, với tổng chi phí dao động từ 18,3 tỉ USD - 20,3 tỉ USD. Việc khai thông tuyến đường hầm Gotthard Base cũng sẽ đặt một dấu mốc quan trọng cho dự án NRLA đã trải dài 25 năm qua, đồng thời mở ra cơ hội đưa toàn tuyến đường này vào hoạt động trong năm 2016.

Với việc thông suốt hai đầu, tuyến đường Gotthard Base sẽ vượt qua kỷ lục đường ngầm dài nhất thế giới do đường hầm Seikan nối các đảo Honshu và Hokkaido của Nhật Bản nắm giữ. Tuyến đường này dài tổng cộng 53,85km và sâu đến 240m dưới mực nước biển. Đoạn ngầm qua biển của đường hầm Seikan chỉ có 23,3km và cũng là hầm đường sắt qua biển sâu nhất thế giới.

Hoạt động xây dựng đường hầm Gotthard Base đã được sự hỗ trợ lớn từ máy khoan núi khổng lồ MBT
Hoạt động xây dựng đường hầm Gotthard Base đã được sự hỗ trợ lớn từ máy khoan núi khổng lồ MBT

Công việc xây dựng tuyến đường sắt xuyên qua núi Alps hiện đang tiến triển nhanh tới mức người ta tin rằng dịch vụ đường sắt sẽ khai trương trong năm 2016, tức một năm trước kế hoạch. Hơn 2.500 lao động Thụy Sĩ đã cùng nhau làm việc cật lực để đạt được thành tích tuyệt vời như ngày hôm nay. Với sự giúp sức của các công nghệ hàng đầu thế giới, từng bước một họ đã khoan xuyên qua lòng dãy Alps, khuất phục những loại đá cứng nhất mà con người từng tiếp xúc. Các công nhân khoan đường hầm bằng máy khoan núi công suất lớn (MBT) với đường kính mũi khoan rộng 10m và xuyên qua đá bằng áp lực lên tới 25 tấn. Ngoài ra, thuốc nổ và một số kỹ thuật đào hầm khác cũng được sử dụng. Tổng cộng, 24 triệu tấn đất đá đã được trích ra từ ngọn núi. Lượng đất đá này lớn hơn 5 lần trọng lượng kim tự tháp lớn Giza ở Ai Cập và đủ để đổ đầy một đoàn tàu hàng với chiều dài các toa nối thẳng từ Zurich tới New York. Dự kiến vụ nổ cuối sẽ diễn ra với sự chính xác tuyệt đối, trong đó, các vết nổ ngang và dọc sẽ chỉ lệch so với kế hoạch chừng 1cm.

 

Đây không phải là chiến thắng đầu tiên của Thụy Sĩ về mặt công nghệ xây dựng chống lại núi Alps. Năm 1882, Thụy Sĩ đã đào xuyên vào núi để mở các tuyến đường sắt St. Gotthard đầu tiên. Họ cũng đã có một tuyến đường ngầm khác đi vòng vèo theo núi Apls với chiều dài 17km. Nhưng tuyến đường hầm Gotthard Base khác hẳn các tuyến trên do nó chạy thẳng, không vòng vèo và nằm trên một mặt phẳng cách mực nước biển 500m. Cấu tạo của đường hầm như vậy khiến cho những con tàu khách có khả năng chạy tới tốc độ 250km/h trong khi tàu hàng chạy được với tốc độ 160km/h, tức nhanh gấp đôi hiện nay.

Hồng Thủy (Nguồn: Thể thao & Văn hóa)

 

 

 


Ý kiến bạn đọc