Thế giới năm 2011- nguy cơ từ những cuộc chính biến
Chỉ còn hơn một tuần nữa, cả thế giới sẽ bước vào năm mới 2012. Nhìn lại một năm không ít sóng gió vừa qua có thể nói những biến động chính trị ở một số quốc gia Bắc Phi – Trung Đông đang tiếp tục khiến dư luận lo ngại về nguy cơ của những can thiệp từ bên ngoài.
Người ta không phủ nhận một sự thực rằng, những cuộc chính biến dẫn tới thay đổi chính quyền ở các quốc gia Bắc Phi – Trung Đông trong năm 2011 là đều bắt đầu từ những nguyên nhân nội tại. Đó là thể chế chính trị mất dân chủ, tham nhũng; kinh tế kém phát triển, chênh lệch giàu nghèo quá lớn, đời sống người dân gặp khó khăn.v.v… Thế nhưng, điều cũng không thể phủ nhận là ở các cuộc chính biến ấy đều có yếu tố “can thiệp từ bên ngoài”, không nhiều thì ít, không công khai thì ngấm ngầm…
Những cuộc chính biến ở Tunisia, Ai Cập rồi sau đó là Libya, là Yemen, Bahrain, Sudan, Iran, Kuwait, Jordany… và hiện nay Syria cũng đang trong vòng xoáy bạo loạn… đều cho thấy có tồn tại những yếu tố này. Bắt đầu từ hành động bột phát tự thiêu của một thanh niên Tunisia, một cuộc nổi dậy của dân chúng khiến Tổng thống Ben Ali phải chạy trốn, rồi bị truất quyền. Thế rồi, quốc gia láng giềng Ai Cập cũng nổ ra những cuộc biểu tình phản đối chính quyền, khiến Tổng thống Hosni Moubarak phải thoái vị.
Còn ở Libya, cuộc nổi dậy của lực lượng đối lập đã dẫn tới cả một cuộc “nội chiến”, để rồi phương Tây lại “phải” can thiệp dưới một chiêu bài “bảo vệ dân thường trước những hành động trấn áp bạo lực của chính quyền”. Tiếp sau đó, đám lửa biểu tình, tuần hành phản đối tiếp tục lan sang Yemen, Syria khiến các quốc gia này cũng không có bình yên suốt nhiều tháng qua.
Biểu tình phản đối chính phủ ở Yemen. (Nguồn: Internet) |
Những nguyên nhân bên trong, nguyên nhân trực tiếp có thể thấy được thì nhiều, nhưng có thể kể ra đây là việc các nước này lệ thuộc quá nhiều vào nước ngoài, cả về chính trị, kinh tế, quân sự, ngoại giao, nhất là sự lệ thuộc về kinh tế. Khi kinh tế toàn cầu suy giảm, nền tài chính, tiền tệ thế giới rơi vào khủng hoảng, chính các nước này bị tác động sớm và mạnh mẽ nhất.
Thứ hai, là đường lối chính trị, là cách thức lãnh đạo, điều hành đất nước sai lầm của nhà cầm quyền. Tình trạng độc đoán, chuyên quyền, gia đình trị, tham nhũng kéo dài, tạo nên sự bất bình ngày càng gia tăng của các giai tầng trong xã hội. Khi các đảng phái đối lập, các nhóm Hồi giáo cực đoan trỗi dậy, nêu chiêu bài “dân chủ”, “chống tham nhũng”, “chống độc quyền, gia đình trị”…, rất dễ tranh thủ sự ủng hộ, đi theo của người dân.
Thứ ba, là tình trạng đói nghèo, thất nghiệp, mù chữ, tội phạm và tệ nạn xã hội gia tăng, khoảng cách giàu nghèo ngày càng bị khoét sâu, tạo nên mâu thuẫn xã hội sâu sắc. Từ ba nguyên nhân trên, dẫn đến nguyên nhân thứ tư là, nhà cầm quyền không nhận được sự trung thành, ủng hộ thật lòng của quân đội và lực lượng cảnh sát, khi xảy ra nguy biến, rốt cuộc, các lực lượng này phản ứng yếu ớt, thậm chí buông xuôi.
Thế nhưng những nguyên nhân được coi là từ bên ngoài, là sự can thiệp cũng là yếu tố quan trọng dẫn tới những chính biến ở khu vực này. Người ta vẫn nhớ những chiến lược “thúc đẩy dân chủ” ở các nước Arab từng được chính quyền Mỹ vạch ra từ nhiều năm trước. Những chiến dịch “tuyên truyền sai sự thật” trên các phương tiện thông tin đại chúng phương Tây, trên các trang mạng được kết nối rộng rãi khắp nơi…
Rồi những hoạt động hỗ trợ “các phong trào dân chủ”, tài trợ tiền bạc cho các tổ chức phi chính phủ (NGO) thuộc khối Arập… để họ tổ chức những hoạt động chống đối… đã diễn ra, tạo không ít “thời cơ” cho những tư tưởng muốn gây rối từ bên trong.
Suốt thời gian qua, truyền thông phương Tây đã từng tích cực đưa tin, phân tích nguyên nhân của các cuộc chính biến… và tất nhiên họ đều khẳng định chủ yếu là nguyên nhân của bên trong mỗi quốc gia. Thế nhưng, phân tích tình hình thực tế có thể thấy rằng mọi sự kiện đều là kết quả tổng hòa của một tập hợp các nguyên nhân. Và bài học rút ra cho nhân dân các nước là hãy cảnh giác với mọi toan tính không thiện chí của các thế lực bên ngoài.
(Theo VOV News)
Ý kiến bạn đọc