Syria cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ kích động cuộc chiến giáo phái
Tổng thống Assad cáo buộc Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ phải chịu trách nhiệm về nhiều cái chết tại Syria từ năm 2011 đến nay. Ước tính, hơn 16.500 người, chủ yếu là dân thường, đã thiệt mạng trong cuộc nổi dậy tại Syria.
Ngày 4-7, trong cuộc trả lời phỏng vấn với nhật báo Cumhuriyet, Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã lên tiếng cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ đang kích động một cuộc chiến giáo phái tại Syria bằng cách trang bị vũ khí cho các phần tử khủng bố âm mưu lật đổ chính quyền và yêu cầu Ankara chấm dứt can thiệp vào công việc nội bộ của nước này. “Mong muốn của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Syria đã khiến Thổ Nhĩ Kỳ dính dáng tới tất cả các hành động đổ máu tại Syria”, ông Assad nói. “Thổ Nhĩ Kỳ đã cung cấp mọi sự trợ giúp hậu cần cho các phần tử khủng bố để sát hại người dân đất nước chúng tôi”, nhà lãnh đạo Syria nhấn mạnh.
Xung đột, bạo lực khiến cuộc sống của người dân Syria càng khó khăn. (Nguồn: Internet) |
Tổng thống Assad cũng chỉ trích Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, gọi ông là Erdogan “hai mặt” và nói rằng ông Erdogan chịu trách nhiệm về nhiều cái chết tại Syria kể từ khi cuộc nổi dậy chống chính phủ bắt đầu vào năm 2011.
Cùng ngày, trong một diễn biến khác, Chính phủ Syria hoan nghênh kết quả của cuộc họp Geneva diễn ra hôm 4-7, theo đó mở đường cho tiến trình chuyển giao chính trị tại Syria, và cho rằng tất cả các vấn đề đều có thể đàm phán được. “Syria hoan nghênh tuyên bố cuối cùng được đưa ra vào cuối cuộc hội thảo, đặc biệt là những điểm quan trọng về cam kết chủ quyền, độc lập, an toàn và đoàn kết của đất nước Syria” - Bộ trưởng Ngoại giao Syria nhấn mạnh.
Syria cũng hoan nghênh lời kêu gọi bắt đầu một tiến trình chính trị với sự tham gia của tất cả các lực lượng trong nước nhằm “thiết lập một đất nước dân chủ đa đảng”.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Syria Jihad Makdessi nói rằng, đất nước ông rất hoan nghênh liên đoàn Liên hiệp quốc - Arab có áp dụng quan điểm của ông Kofi Annan, kêu gọi sự chấm dứt bạo lực hoàn toàn của bất kỳ bên nào và giải trừ vũ trang của các nhóm có vũ khí như một việc mở đầu cho tiến trình chính trị mới.
“Chúng tôi hy vọng tất cả các nước tham gia vào cuộc Hội thảo ở Thụy Sĩ sẽ tự cam kết và làm việc một cách trung thực để có một giải pháp chính trị đối với cuộc khủng hoảng ở Syria dựa trên việc chấm dứt bạo lực, ngăn chặn việc cấp tài chính, trang bị vũ khí và nhà ở cho các nhóm vũ trang” – tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Syria cũng cho rằng có một số điểm cần phải làm rõ thêm trong tuyên bố nhưng không nói rõ là những điểm nào.
Trong khi đó, phe đối lập tại nước ngoài phản đối kế hoạch này và gọi đây là “trò khôi hài”. Burhan Ghalioun, cựu lãnh đạo của phe đối lập thuộc Hội đồng quốc gia Syria (SNC) có trụ sở tại Thổ Nhĩ Kỳ coi tuyên bố trên là “sự tồi tệ hơn xuất hiện từ các cuộc đàm phán về Syria”. SNC hoàn thành bác bỏ bất kỳ hình thức hội đàm nào với chính phủ kể từ đầu phong trào chống chính phủ.
Người đứng đầu Công tác giám sát của LHQ tại Syria (UNSMIS) nói rằng cuộc họp ở Geneva là rất quan trọng và kết quả có được là tốt nhất có thể. Theo ông, việc dừng bạo lực là vấn đề quan trọng nhất cho các bên tham gia. Ước tính, hơn 16.500 người, chủ yếu là dân thường, đã thiệt mạng trong cuộc nổi dậy tại Syria.
Nguồn VOV
Ý kiến bạn đọc