Nhiều quốc gia tăng cường kiểm soát cúm H7N9
Trước tình hình diễn biến dịch cúm H7N9 ngày càng phức tạp, nhiều nước đang có biến biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt để tránh dịch lây lan.
Dịch cúm gia cầm tiếp tục lan rộng tại Trung Quốc. Trước tình hình diễn biến ngày càng phức tạp, chính phủ Trung Quốc kêu gọi tăng cường những nỗ lực ứng phó và kiểm soát dịch bệnh trong khắp cả nước.
Ngày 10-4, Chính phủ Trung Quốc nhóm họp và kêu gọi các cơ quan chính phủ minh bạch và hiệu quả trong ứng phó với bệnh cúm gia cầm H7N9. Trong tuyên bố đưa ra sau cuộc họp, Chính phủ Trung Quốc kêu gọi tăng cường phối kết hợp nỗ lực giữa các cơ quan khác nhau cũng như tăng cường hợp tác quốc tế nhằm phòng chống và kiểm soát bệnh cúm gia cầm H7N9.
Các thông tin liên quan đến H7N9 và các biện pháp kiểm soát bệnh nên được công bố kịp thời và chính xác. Đồng thời, cần nỗ lực nâng cao ý thức của người dân về việc làm cách nào để tự bảo vệ mình khỏi bệnh cúm H7N9. Tuyên bố cũng cho biết Chính phủ Trung Quốc đang theo dõi sát tình hình bệnh cúm này, công tác phòng và kiểm soát bệnh đang được tiến hành tích cực.
Tổ chức Bảo vệ Thiên nhiên hoang dã Trung Quốc cho biết, các chuyên gia và các nhà khoa học về động vật đã tăng cường theo dõi đường di cư của chim hoang dã nhằm ngăn chặn virus H7N9 lây lan.
Theo Viện Khoa học Trung Quốc, gen của chủng virus H7N9 có nguồn gốc từ chim hoang dã tại Đông Á và gà tại phía đông Trung Quốc. Các nhà nghiên cứu khẳng định, trong gen của virus H7N9 không có dấu vết của lợn, do đó lợn chết ở Thượng Hải không phải là nguồn lây lan dịch bệnh. Nhà nghiên cứu Lưu Địch, thuộc Viện khoa học Trung Quốc nói: Hiện tại, không có bằng chứng nào chứng tỏ rằng loại virus H7N9 gây chết người có thể truyền nhiễm ở các loài chim hoang dã. Tuy nhiên, chắc chắn rằng các phân mảnh virus mà những con chim hoang dã mang theo sẽ lan rộng tới nhiều nơi. Mọi người nên cảnh giác, tuy nhiên cũng không nên quá hoang mang.
Trong khi dư luận đang lo lắng trước tốc độ lây lan nhanh chóng của dịch cúm H7N9, đã có những dấu hiệu tích cực cho thấy căn bệnh này hoàn toàn có thể chữa khỏi. Đó là trường hợp bệnh nhân 4 tuổi bị nhiễm cúm A/H7N9 đầu tiên được chữa khỏi tại Trung Quốc. Cậu bé này đã được xuất viện hôm 10-4.
Liên quan tới công tác nghiên cứu virus cúm H7N9, Đài NHK đưa tin, các nhà nghiên cứu Nhật Bản cho rằng, chủng virus cúm gia cầm H7N9 gây chết người ở miền Đông Trung Quốc có lúc có thể lây từ chim hoặc các động vật khác sang người. Hai nhóm nghiên cứu đã phân tích chuỗi gene và các đặc tính khác của virus cúm H7N9 trong các mẫu bệnh phẩm lấy từ bốn bệnh nhân nhiễm virus này. Cả hai nhóm cùng phát hiện rằng sự đột biến gene khiến chủng cúm này dễ lây nhiễm sang người qua màng nhầy ở mũi và cổ họng.
Theo báo South China Morning Post, các nhà khoa học Nhật cũng xác định virus H7N9 đã biến đổi gen, do đó có khả năng lây lan từ động vật sang người.
Hiện tại, Chính phủ Nhật đang áp dụng hàng loạt biện pháp ngăn chặn dịch lây lan từ Trung Quốc. Để đối phó với nguy cơ dịch H7N9 bùng phát, các công ty dược tại Nhật đã chuẩn bị các loại thuốc như Tamiflu, Inavir và Relenza. Chính phủ Nhật cũng sẽ trình lên Quốc hội một dự luật nhằm đối phó với nguy cơ dịch bệnh truyền nhiễm lây lan.
Trong khi đó, tại Nam Phi, nhà chức trách cũng vừa phát hiện chủng virus cúm gia cầm mới H7N1 trên những con chim tại một trang trại ở Oudtshoorn thuộc vùng Western Cape, Tây Nam nước này.
(Theo VOV)
Ý kiến bạn đọc